Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Kim Long - Bác sĩ hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Thuốc chứa hoạt chất paracetamol có tác dụng giảm đau, hạ sốt được sử dụng rộng rãi và có thể mua ở nhà thuốc mà không cần kê đơn bởi bác sĩ. Tuy nhiên, paracetamol vẫn có thể gây ngộ độc khi bệnh nhân lạm dụng để tự điều trị với mức độ quá liều lặp lại nhiều lần.
1. Khi nào thì bị ngộ độc paracetamol?
Các loại thuốc điều trị cảm cúm, giảm đau, chống viêm, hạ sốt, sổ mũi đều có chưa thành phần paracetamol. Đây là loại thuốc có thể mua tại các nhà thuốc mà không cần có toa kê của bác sĩ và cũng không bị giới hạn số lượng mỗi lần mua. Chính vì lý do này mà số lượng bệnh nhân nhập viện do ngộ độc paracetamol ngày càng tăng lên. Đây là một loại ngộ độc dễ gặp nhưng dễ bị bỏ sót và không được chẩn đoán kịp thời.
Thuốc có chứa thành phần paracetamol sẽ đạt nồng độ đỉnh sau 4 giờ kể từ lúc uống. Theo con đường sulphat hoá và glucuronide hoá, 90% paracetamol được chuyển hoá ở gan, 10% còn lại được hệ enzym cytochrome P-450 chuyển hoá nốt thành N-acetyl-p-benzoquinoneimine (NAPQI). Hệ enzym cytochrome P-450 chủ yếu nằm ở gan.
Sử dụng paracetamol với liều 150 mg/ kg cân nặng sẽ gây ra tình trạng ngộ độc. Ở người lớn nặng 50 kg thì liều 7,5 gr paracetamol uống 1 lần là dẫn đến viêm gan nhiễm độc - Trườn hợp này nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Ở bệnh nhân có sẵn bệnh lý gan mạn tính thì với liều thấp hơn cũng đã có thể làm tổn thương tế bào gan. Trường hợp bị viêm gan virus mạn tính, chỉ cần uống 4gr paracetamol trong vòng 40 giờ đã xảy ra viêm gan nhiễm độc.
Uống paracetamol quá liều làm quá trình sulfat hóa bị bão hòa và gây độc cho gan. NAPQI gắn với màng tế bào gan, khi vượt quá lượng cho phép NAPQL sẽ gây tổn thương lớp màng lipid kép của tế bào gan. Trong gan chứa chất có tên là Glutathione - đây là chất chống oxy hoá chủ yếu, chất này có tác dụng gắn và trung hoà NAPQI. Ngộ độc paracetamol xảy ra làm dẫn đến cạn kiệt glutathione và gây tổn thương gan. Vùng 3 của gan - Trung tâm tiểu thuỳ là vùng có lượng tế bào gan bị tổn thương chủ yếu, vì ở vùng này nồng độ chất oxi hóa là lớn nhất. Trường hợp ngộ độc paracetamol rất nặng gây hoại tử thì có thể lan đến vùng 1 và 2 của gan. NAPQL cũng theo cơ chế gây tổn thương gan mà làm hoại tử ống thận.
2. Biểu hiện ngộ độc paracetamol
Người bệnh khi dùng quá liều paracetamol thì sau từ 1 - 3 ngày các biểu hiện ngộ độc mới thực sự rõ ràng với bệnh cảnh thường gặp nhất là viêm gan và suy gan. Biểu hiện ngộ độc paracetamol được chia làm 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 sau uống từ nửa tiếng đến 24 tiếng, với các biểu hiện là chán ăn, buồn nôn, nôn, vã mồ hôi, khó chịu, có thể tăng GOT hoặc GPT;
- Giai đoạn 2 sau uống từ 24 tiếng đến 72 tiếng, với các biểu hiện là chán ăn, buồn nôn, nôn ít hơn giai đoạn 1, có thể đau hạ sườn phải. GOT, GPT lúc này tiếp tục tăng. Bilirubin có thể tăng. Tỷ lệ prothrombin có thể giảm. Chức năng thận có thể suy;
- Giai đoạn 3 sau uống từ 72 - 96 tiếng, lúc này hoại tử tế bào gan xảy ra, với hoàng đảm, rối loạn đông máu, suy thận và bệnh lý não do gan. Sinh thiết gan thấy hoại tử trung tâm tiểu thuỳ. Có thể tử vong do suy đa tạng;
- Giai đoạn 4 sau uống từ 4 - 14 ngày: Ở giai đoạn này, nếu bệnh nhân còn sống thì chức năng gan sẽ hồi phục hoàn toàn và sau 30 ngày tổ chức gan lành trở lại. Trường hợp ngộ độc nặng có thể kéo dài hơn.
3. Điều trị ngộ độc paracetamol
Bệnh nhân khi được đưa vào bệnh viện trong tình trạng cấp cứu, việc đầu tiên bác sĩ cần làm là ổn định tình trạng bệnh nhân, đặc biệt về hô hấp, tuần hoàn và thần kinh.
3.1 Loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể
Nếu bệnh nhân mới uống thuốc có chứa paracetamol trong vòng 1 tiếng thì sẽ áp dụng các biện pháp gây nôn. Trường hợp bệnh nhân uống thuốc trong vòng 6 tiếng thì cần tiến hành rửa dạ dày. Sau khi bệnh nhân được gây nôn hoặc rửa dạ dày thì sẽ được dùng than hoạt với liều dùng là 1g/ kg, kết hợp với sorbitol liều tương đương.
3.2 Sử dụng thuốc giải độc
Bệnh nhân được cấp cứu sớm, chưa xảy ra viêm gan hoặc viêm gan nhẹ sẽ được chỉ định sử dụng thuốc giải độc là N-acetylcystein, NAC. Đây là loại thuốc giải độc đơn giản nhưng đem lại hiệu quả cao, giúp tránh hoặc cải thiện tình trạng viêm gan, suy gam, giảm tỷ lệ phù não, giảm việc sử dụng thuốc vận mạch và giảm khả năng tử vong.
3.3 Một số biện pháp điều trị khác
- Bù nước, điện giải cho bệnh nhân;
- Bệnh nhân ăn kém do nôn nhiều có thể sử dụng thuốc chống nôn, truyền đường glucose 10 - 20% để nuôi dưỡng;
- Viêm gan xảy ra sẽ tiến hành điều trị hỗ trợ theo nguyên tắc chung;
- Trường hợp suy thận cấp sẽ được điều trị theo nguyên tắc chung.
4. Liều dùng paracetamol phù hợp
Sử dụng thuốc cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng từ nhà sản xuất hoặc lời khuyên của bác sĩ kê toa, dùng theo đúng liều chỉ định và uống thêm nhiều nước. Thuốc có có chứa thành phần chủ yếu là paracetamol liều sử dụng được khuyến cáo dành cho người lớn là 4 - 6 viên/ ngày (hàm lượng paracetamol 500 mg/ viên). Nhất là chỉ nên uống ở liều 4 viên trong 24 giờ. Nếu bệnh nhân sau khi sử dụng paracetamol theo đúng liều hướng dẫn mà các không cải thiện được tình trạng sốt hoặc giảm đau thì bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện để được hỗ trợ bằng các biện pháp khác, không nên tự ý tăng liều paracetamol.
Ngộ độc paracetamol là một cấp cứu thường gặp, bệnh nhân đến cơ sở y tế càng sớm thì hiệu quả điều trị càng cao.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.