Điều trị khô mắt thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng có kinh nghiệm 13 năm là bác sĩ điều trị bệnh về mắt.

Khô mắt khiến bạn cảm thấy khó chịu, khô rát, nặng trĩu mắt, chảy nước mắt không kiểm soát....Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có thêm các thông tin về khô mắt cũng như các phương pháp điều trị phù hợp.

1. Nguyên nhân gây khô mắt

Khi nước mắt làm tốt công việc của mình, chúng sẽ giúp cho mắt loại bỏ bụi bẩn và những mảnh vụn nhằm tránh tình trạng nhiễm trùng. Đôi mắt khỏe mạnh sẽ tiết nước mắt mỗi ngày để giữ ẩm.

Tuy nhiên, vì một số lý do như bệnh tật, thuốc, hoặc thậm chí do tuổi tác khiến mắt bạn chảy ít nước mắt hơn hay còn gọi là tình trạng khô mắt. Tình trạng này xảy ra khi mắt bạn không tiết đủ nước để loại bỏ các hạt bụi hoặc bôi trơn giác mạc.

Khô mắt là bởi thiếu nước mắt. Với một số trường hợp, nguyên nhân gây khô mắt chính là giảm tiết nước mắt. Với những trường hợp khác, tăng sự bay hơi nước mắt, mất cân bằng trong thành phần nước mắt lại chính là nguyên nhân gây khô mắt.

Nước mắt được hình thành bởi:

  • Lớp ngoài cùng là lớp lipid (0.02% dày 0,1 micron) tiết ra từ tuyến Meinomian và các tuyến Zeis.
  • Lớp giữa (nước) bao gồm phần nước mắt cũng như các protein hòa tan trong nước. Tuyến chính và tuyến phụ kiện tạo nên lớp này.
  • Lớp bên trong là lớp nhầy: được sản xuất bởi các tế bào ly, nhiệm vụ thẩm thấu vào giác mạc lớp nước

Bạn có thể nhận thấy khô mắt khi xuất hiện một số dấu hiệu sau:

  • Cảm giác khó chịu ở mắt
  • Cảm giác như có dị vật trong mắt bạn
  • Ngứa mắt
  • Đỏ mắt
  • Nhạy cảm với ánh sáng.

Khô mắt gây ra triệu chứng đỏ mắt ở người mắc bệnh
Khô mắt gây ra triệu chứng đỏ mắt ở người mắc bệnh

Một số nguyên nhân gây khô mắt, bao gồm:

  • Do lão hóa: tất cả các bộ phận trên cơ thể sẽ bị ảnh hưởng bởi lão hóa, trong đó có cả đôi mắt. Theo một số nghiên cứu cho thấy, khoảng 30% người tử 50 tuổi trở lên có khả năng bị khô mắt. Tỷ lệ này còn tăng lên rất nhiều đối với những người trên 65 tuổi. Khi già đi, khả năng sản xuất nước mắt giảm dần hoặc do ống dẫn nước mắt bị tắc nghẽn bởi tình trạng viêm mắt.
  • Rối loạn nội tiết tố: đối với phần lớn phụ nữ, đây chính là nguyên nhân chính gây khô mắt. Một số yếu tố thay đổi nồng độ hormone nội tiết tố, bao gồm thuốc tránh thai, phụ nữ đang mang thai, phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh. Những điều này sẽ làm giảm lượng nước mắt tiết ra, dẫn đến tình trạng khô mắt. Bổ sung kết hợp 2 hormone estrogenprogesteron với liều lượng phù hợp chính là phương pháp điều trị khô mắt trong trường hợp này.
  • Do các bệnh tự miễn: Tuyến nước mắt sẽ bị hệ miễn dịch cơ thể tấn công khi bạn mắc một số bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấphội chứng Sjogren. Người bệnh không những bị khô mắt mà còn khô miệng. Không những thể tích nước mắt giảm mà các bệnh tự miễn này còn là nguyên nhân gây mất cân bằng các thành phần chính tạo nên nước mắt, bao gồm nước, chất nhầy và lớp mỡ, khiến tình trạng khô mắt càng trở nên trầm trọng và khó điều trị hơn.
  • Sử dụng máy tính trong thời gian dài: khi sử dụng máy tính, đọc sách, xem tivi trong thời gian dài, bạn sẽ ít chớp mắt hơn. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến mắt bạn khô và cảm giác khó chịu, ngoài ra còn gây viêm giác mạc, viêm màng bồ đào, ảnh hưởng tới thị lực.
  • Do phẫu thuật: Các dây thần kinh nhận cảm trên giác mạc có thể bị tổn thương bởi một số cuộc phẫu thuật, đặc biệt là Lasik trị tật khúc xạ (cận, loạn, viễn, lão thị) khiến quá trình sản xuất nước mắt bị giảm sút, gây khô mắt. Thông thường, tình trạng này sẽ kéo dài từ 3 đến 6 tháng, nếu không có hướng điều trị và chăm sóc mắt đúng cách, khô mắt có thể kéo dài lâu hơn hoặc tiến triển thành dạng mạn tính.
  • Thường xuyên đeo kính áp tròng: sử dụng kính áp tròng thường xuyên sẽ gây tổn hại đến lớp nước mắt bảo vệ mắt, gây ra khô mắt. Vì vậy, chỉ nên đeo kính áp tròng nếu thực sự cần thiết và khi đeo cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.

Sử dụng kính áp tròng thường xuyên có thể gây tình trạng khô mắt
Sử dụng kính áp tròng thường xuyên có thể gây tình trạng khô mắt
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, thuốc chống dị ứng, thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau chống viêm...có thể gây giảm bài tiết nước mắt. Do vậy, nếu bạn cảm thấy khô mắt, khó chịu khi đang dùng các loại thuốc này, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc thay đổi liều lượng hoặc đổi sang loại thuốc khác nhằm giảm bớt tác động do khô mắt gây ra.
  • Do môi trường sống: Nước mắt sẽ bốc hơi nhanh chóng khi bạn tiếp xúc với không khí khô nóng. Mắt dễ bị kích ứng bởi ánh nắng, gió bụi, vi khuẩn bởi lượng nước mắt tiết ra không đủ để bù đắp gây ra cảm giác khó chịu, về lâu dài sẽ dẫn đến khô mắt mãn tính.
  • Bệnh tiểu đường: đây là bệnh lý có thể gây ra nhiều biến chứng cho cơ thể, trong đó có cả những ảnh hưởng đến đôi mắt. Mạng lưới thần kinh ở giác mạc có khả năng bị tổn thương nếu tình trạng đường huyết tăng cao kéo dài. Đây chính là nguyên nhân khiến quá trình sản xuất nước mắt bị ảnh hưởng. Theo nghiên cứu, tình trạng khô mắt xảy ra với hơn 50% bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường.
  • Do dị ứng: Một trong số những nguyên nhân gây cản trở hoạt động bài tiết nước mắt, gây khô mắt chính là tình trạng dị ứng phấn hoa, thuốc tây, thức ăn, lông thú. Bạn cần nhanh chóng tránh xa các tác nhân gây dị ứng, nếu không may gặp phải tình trạng này, bên cạnh đó, bạn cần sử dụng thuốc kháng dị ứng, thuốc nhỏ mắt phù hợp để giảm bớt cảm giác khó chịu.

2. Điều trị khô mắt

Đối với một số người, để điều trị tình trạng khô mắt cần thực hiện điều trị vấn đề sức khỏe nào đó là nguyên nhân gây ra tình trạng này hoặc bác sĩ sẽ phải kê đơn thuốc đặc biệt để giúp mắt bạn tiết ra nhiều nước mắt hơn.

Ngoài ra, bạn có thể điều trị khô mắt tại nhà bởi các phương pháp sau:

  • Sử dụng khăn ấm để ấn vào mắt: Nước mắt được hình thành từ 3 lớp, bao gồm lớp mỡ, lớp nước và lớp chất nhầy. Đôi mắt của bạn cần cả ba phần để giữ ẩm và khỏe mạnh. Mí mắt bị viêm và bong tróc có thể làm tắc nghẽn các tuyến bờ mi dẫn đến khô mắt.

Để giảm bớt tình trạng kích ứng ở mắt, hãy sử dụng một chiếc khăn sạch rồi nhúng vào nước ấm, sau đó vắt nó và đặt nó lên mắt, đồng thời nhắm mắt lại trong ít nhất một phút. Nhẹ nhàng ấn vào mép mi mắt. Hơi nóng giúp lớp dầu bị tắc trong các tuyến được nới lỏng. Thường xuyên làm ướt khăn bằng nước ấm. Bạn nên thực hiện điều này mỗi ngày để giảm viêm, kể cả khi tình trạng mắt bạn trở nên tốt hơn.


Người bị khô mắt có thể sử dụng khăn ấm để ấn vào mắt
Người bị khô mắt có thể sử dụng khăn ấm để ấn vào mắt
  • Làm sạch mí mắt: Làm sạch mí mắt của bạn, cũng như vùng da và tóc xung quanh có thể giúp kiểm soát viêm bờ mi mắt. Dùng một ít dầu gội của trẻ em hoặc xà phòng lên đầu ngón tay rồi xoa bóp nhẹ hàng vùng da xung quanh lông mi của bạn đồng thời nhắm mắt.
  • Nháy mắt nhiều hơn: Nhìn chằm chằm vào máy tính sẽ hạn chế số lần bạn chớp mắt mỗi phút. Vì vậy, hãy cố gắng chớp mắt thường xuyên khi bạn sử dụng máy tính hoặc xem tivi hay dùng điện thoại. Thực hiện theo quy tắc 20/20: sau 20 phút sử dụng máy tính, hãy nhắm mắt lại trong 20 giây.

Một mẹo đơn giản khác để giữ ẩm cho mắt khi dùng máy tính: Đặt màn hình của bạn dưới tầm mắt. Bạn sẽ không phải mở to mắt, điều này có thể giúp làm chậm sự bay hơi nước mắt giữa các lần chớp mắt.

  • Bổ sung axit béo omega-3: Cá hồi và cá ngừ, hoặc cá mòi, cá hồi và cá thu đều chứa axit béo omega-3. Nghiên cứu cho thấy những chất béo lành mạnh này giúp các tuyến dầu trong mắt bạn hoạt động tốt hơn, có thể làm giảm tình trạng kích ứng.

Các loại thực phẩm khác có nhiều chất béo omega-3 tự nhiên bao gồm quả óc chó, dầu thực vật (như dầu canola và dầu đậu nành) và hạt lanh. Bạn cũng có thể bổ sung axit béo omega-3 dưới dạng thuốc viên. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định bổ sung axit béo omega -3 nhằm đảm bảo rằng điều đó sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ vấn đề sức khỏe nào hay loại thuốc nào mà bạn đang sử dụng.

  • Uống đủ nước: tất cả các bộ phận của cơ thể bạn đều cần nước để duy trì và đảm bảo chức năng, bao gồm cả đôi mắt. Uống đủ nước giúp giữ ẩm cho mắt.

Nhưng đừng đợi đến khi bạn khát nước mới uống nước bởi đến lúc đó, cơ thể bạn đã bị mất nước nhẹ.

Thay vào đó, bạn nên uống từ 8 đến 10 ly trong suốt cả ngày. Nếu bạn không muốn dùng nước lọc, bạn có thể lựa chọn những thực phẩm chứa nhiều nước khác như dựa chuột hoặc dưa hấu, ngoại trừ những đồ uống có chứa cồn hoặc caffeine.

Cách khác để kiểm tra xem cơ thể bạn có nhận đủ nước hay không chính là dựa vào màu nước tiểu. Nếu nước tiểu không có màu hoặc màu vàng nhạt, cơ thể bạn đã được nhận đủ lượng nước cần thiết.

  • Đeo kính râm: điều này có thể giúp bảo vệ đôi mắt của bạn khỏi gió, ánh sáng mặt trời, chúng là nguyên nhân khiến nước mắt bay hơi nhanh hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh khí thổi từ máy sấy tóc, máy điều hòa hoặc quạt về phía mắt.

Sử dụng kính râm có thể giúp bảo vệ đôi mắt của bạn
Sử dụng kính râm có thể giúp bảo vệ đôi mắt của bạn
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm và máy lọc không khí: Điều này giúp tạo độ ẩm cho không khí trong nhà khi không khí hanh khô. Sử dụng máy lọc không khí cũng có thể giúp ngăn ngừa khô mắt.
  • Thuốc nhỏ mắt: Thuốc nhỏ mắt không cần kê đơn có tính chất tương tự như nước mắt. Có rất nhiều thương hiệu khác nhau. Một số thuốc nhỏ mắt có bao gồm cả chất bảo quản, giúp chúng có thể được sử dụng trong thời gian lâu hơn, nhưng sử dụng chúng thường xuyên có thể gây kích ứng mắt.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe