Điều trị đau trong thoát vị đĩa đệm thắt lưng bằng phương pháp tiêm Corticoid ngoài màng cứng qua lỗ liên hợp

Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Văn Trí - Trưởng Đơn nguyên Phẫu thuật thần kinh chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Đau do thoát bị đĩa đệm thắt lưng ngày càng trở nên phổ biến. Tình trạng này không chỉ hạn chế chức năng của đĩa đệm mà còn làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Điều trị đau trong thoát vị đĩa đệm thắt lưng bằng phương pháp tiêm corticoid ngoài màng cứng qua lỗ liên hợp trở thành một phương pháp điều trị đang được áp dụng rộng rãi. Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về phương pháp này.

1. Tiêm corticoid ngoài màng cứng qua lỗ liên hợp được chỉ định trong trường hợp nào?

Tiêm glucocorticoid ngoài màng cứng thường được chỉ định cho bệnh nhân bị đau chân hoặc lưng do thoát vị đĩa đệm thắt lưng, hẹp ống sống, hoặc hẹp ngách bên. Phương pháp này giúp giảm đau và cải thiện khả năng vận động mà không cần phẫu thuật. Đây là một nỗ lực để tránh cho bệnh nhân một cuộc mổ sau khi các phương pháp điều trị bảo tồn khác đã thất bại.

2. Các bước thực hiện

Dưới hướng dẫn của màn hình Xquang, một kim nhỏ được đưa vào lỗ liên hợp (là nơi rễ thần kinh từ trong ống sống thoát ra ngoài) (hình 1).


Hình 1. Tiêm thấm ngoài màng cứng qua lổ liên hợp (nguồn: completepaincare.com)
Hình 1. Tiêm thấm ngoài màng cứng qua lổ liên hợp (nguồn: completepaincare.com)

Bơm thuốc cản quang và chụp Xquang để xác định thuốc được tiêm vào đúng vị trí mong muốn (hình 2) trước khi tiêm corticoid. Phương pháp này cho phép thuốc tiếp cận rễ thần kinh bị kích thích tốt hơn phương pháp tiêm corticoid ngoài màng cứng qua khoảng gian bản sống.


Hình 2. Xquang cho thấy thuốc cản quang thấm tốt quanh rể thần kinh và khoang ngoài màng cứng (nguồn: spineuniverse.com)
Hình 2. Xquang cho thấy thuốc cản quang thấm tốt quanh rể thần kinh và khoang ngoài màng cứng (nguồn: spineuniverse.com)

3. Tỷ lệ thành công phương pháp tiêm corticoid ngoài màng cứng qua lỗ liên hợp

Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thành công của phương pháp này là 71-84% và thường đạt hiệu quả tối đa vào tuần thứ 6 sau tiêm. Có báo cáo cho thấy 75% bệnh nhân giảm đau chân và 64% bệnh nhân cải thiện khả năng đi lại ở thời điểm 1 năm sau tiêm.

Có thể lặp lại các mũi tiêm. Nghiên cứu cho thấy mũi tiêm thứ hai có thể giúp cải thiện tình trạng đau nếu mũi tiêm đầu tiên chỉ có tác dụng giảm đau một phần. Người bệnh nên đợi ít nhất 2 tuần trước khi đánh giá và quyết định tiêm lần 2. Trong 1 năm, bệnh nhân có thể tiêm 3-6 lần, khoảng cách tốt giữa các mũi tiêm nên là 3-6 tháng.

4. Biến chứng

Trong quá trình tiêm, một số bệnh nhân có thể có biểu hiện choáng, chóng mặt, tụt huyết áp nhưng những triệu chứng này chỉ thoáng qua.

Sau tiêm, bệnh nhân có thể có biểu hiện đau đầu, chóng mặt hoặc tê rần ở chân, các biểu hiện này thường hết sau vài giờ. Bệnh nhân có thể khó ngủ những đêm đầu tiên sau tiêm. Đường máu có thể tăng. Các biến chứng như nhiễm trùng, chảy máu, khó chịu tại vị trí tiêm, và tổn thương thần kinh hiếm khi xảy ra.

Theo các chuyên gia khuyến cáo, sau tiêm, bệnh nhân nên hạn chế vận động, nghỉ ngơi trong 24 giờ đầu. Sau đó có thể quay trở lại sinh hoạt bình thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo

  1. Bodguk N. Practice Guidelines for Spinal Diagnostic and Treatment Procedures, 2nd edition. International Spine Intervention Society, Sanfrancisco, 2013
  2. Novak S, Nemeth WC. The basis for recommending repeating epidural steroid injections for radicular low back pain: a literature review. Arch Phys Med Rehabil 2008;89:543-52.
  3. Murthy NS, Geske JR, Shelerud RA, et al. The effectiveness of repeat lumbar transforaminal epidural steroid injections. Pain Med 2014;15:1686-94.
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe