Điều trị bệnh hạ cam theo hướng dẫn của Bộ Y tế

Bệnh hạ cam là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có khả năng lây truyền qua đường tình dục. Bệnh có thể gây phá hủy cơ quan sinh dục do vậy cần được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời theo hướng dẫn của bộ Y tế.

1. Bệnh hạ cam là gì?

Bệnh hạ cambệnh lây truyền qua đường tình dục biểu hiện bằng tình trạng một vết loét đau tại vùng sinh dục ngoài kèm theo tình trạng viêm hạch bẹn mủ. Sau đó vết loét có thể tiến triển tốt sau 1 tuần điều trị, hạch bẹn thì khỏi chậm hơn.

Nguyên nhân gây bệnh hạ cam là Haemophilus ducreyi đây là trực khuẩn gram âm lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp khi quan hệ tình dục. Tỉ lệ mắc bệnh hạ cam ngày nay tương đối hiếm gặp, nam bị bệnh nhiều hơn nữ. Lây truyền từ người này sang người khác qua giao hợp với người có H. ducreyi ở vết loét.

Có một tỷ lệ nhất định bệnh nhân mắc bệnh hạ cam đi kèm với bệnh giang mai, hoặc herpes, tăng khả năng lây truyền HIV, do vậy khi mắc bệnh hạ cam cần làm các xét nghiệm huyết thanh để chẩn đoán và điều trị đồng thời.


Nữ giới mắc bệnh hạ cam có thể xuất hiện triệu chứng loét niêm mạc miệng
Nữ giới mắc bệnh hạ cam có thể xuất hiện triệu chứng loét niêm mạc miệng

2. Triệu chứng thường gặp của bệnh hạ cam

Thời gian ủ bệnh thường 3-10 ngày và không có biểu hiện gì. Sau đó vi khuẩn H. Ducreyi xâm nhập qua vết loét thượng bì khi quan hệ tình dục, đồng thời vi khuẩn này tiếp tục xâm nhập vào hạch lympho gây viêm hạch

Biểu hiện của bệnh hạ cam ban đầu là vết sẩn mềm trên da, xung quanh vết sẩn có quầng đỏ, sau 2 đến 3 ngày tiến triển thành mụn mủ rồi vỡ ra tạo thành vết trợt và loét. Đặc điểm của vết loét: Mềm và đau, bờ vết loét rõ, vết loét phủ bởi dịch tiết mủ hoại tử màu vàng hoặc xám, dưới vết loét là tổ chức hạt mủ, dễ chảy máu, phù nề xung quanh tổn thương.

Biểu hiện vết loét ở nam nữ khác nhau:

  • Nam giới có vết loét thường đau hoặc viêm đau hạch bẹn. Vị trí bị vết loét ở bao quy đầu, rãnh qui đầu, thân dương vật.
  • Nữ giới có triệu chứng thường không rõ ràng. Vị trí vết loét ở âm hộ, môi lớn, môi nhỏ, âm đạo, âm vật, cổ tử cung, hậu môn..., các vị trí ngoài sinh dục như vú, ngón tay, đùi, niêm mạc miệng. Có thể có biểu hiện như: đau khi đi tiểu, đau khi đi đại tiện, chảy máu trực tràng, đau khi giao hợp hoặc ra khí hư.

Nổi hạch bẹn viêm đau thường ở một bên, xuất hiện 1-2 tuần sau khi thương tổn đầu tiên xuất hiện. Hạch sưng nóng, đỏ, đau, nóng rồi dần dần trở nên mềm bùng nhùng và vỡ tự nhiên ra mủ đặc.

Triệu chứng toàn thân sốt nhẹ, mệt mỏi.


Nam giới có vết loét thường đau hoặc viêm đau hạch bẹn
Nam giới có vết loét thường đau hoặc viêm đau hạch bẹn

3. Xét nghiệm chẩn đoán bệnh hạ cam

Bệnh phẩm cần được lấy ở đáy vết loét sau đó cần được thực hiện các xét nghiệm sau:

  • Nhuộm Gram, trực khuẩn bắt màu Gram-âm giống như đàn cá bơi tuy nhiên khó nhận biết
  • Nuôi cấy vi khuẩn trên môi trường thạch giàu dinh dưỡng có hemoglobin và huyết thanh. Vi khuẩn mọc sau 2-4 ngày có thể lâu hơn

Xét nghiệm PCR: Là xét nghiệm có độ nhạy và đặc hiệu cao giúp chẩn đoán sớm bệnh hạ cam

4. Điều trị bệnh hạ cam

Hiện nay có nhiều loại thuốc kháng lại vi khuẩn gây bệnh hạ cam, vì vậy Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng 1 trong 4 thuốc điều trị hiện nay như: Ceftriaxon, Azithromycin, Spectinomycin, Erythromycin nên dùng đường tiêm để đạt được hiệu quả. Có thể phối hợp chọc hạch để hút mủ trong hạch ra giúp người bệnh mau khỏi bệnh.

Đối với người nhiễm HIV cần dùng kháng sinh với thời gian lâu hơn.

Diễn biến bệnh: Bệnh thường có hiệu quả, cảm thấy đỡ sau 2-3 ngày điều trị và khỏi sau khoảng 1 tuần. Đối với hạch bẹn sưng thường khỏi chậm hơn.


Hiện nay có nhiều loại thuốc kháng lại vi khuẩn gây bệnh hạ cam
Hiện nay có nhiều loại thuốc kháng lại vi khuẩn gây bệnh hạ cam

5. Phòng bệnh hạ cam

  • Cần thực hiện tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng về cách lây truyền, biến chứng và cách phòng bệnh, tránh lây bệnh cho trẻ sơ sinh
  • Thực hiện tình dục an toàn quan hệ 1 vợ 1 chồng. Sử dụng các biện pháp phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như dùng bao cao su khi quan hệ tình dục.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe