Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và thường bùng phát dịch vào mùa mưa. Một số dấu hiệu sốt xuất huyết có thể nhận biết sớm từ ban đầu như: sốt cao, đau cơ khớp, nhức đầu, ói mửa, phát ban...
Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh trên cả nước
Theo thống kê tình hình dịch sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận hơn 58.000 ca mắc, trong đó đã có một số ca tử vong tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang và Bình Thuận.
Theo số liệu so với cùng kỳ năm 2018, số trường hợp mắc bệnh trong năm nay đã tăng gấp 3,3 lần mặc dù thời điểm này chưa phải là cao điểm dịch so với năm ngoái. Các bác sĩ dự báo rằng trong vài tuần tới, khi những cơn mưa bắt đầu xuất hiện dồn dập thì tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng lên đáng kể.
Tại Hà Nội, theo thông tin từ Sở Y tế cho biết hiện đã có hơn 400 trường hợp mắc sốt xuất huyết và chưa ghi nhận có trường hợp tử vong. Song song đó, Sở Y tế đã tổ chức kiểm soát côn trùng, giám sát véc tơ truyền bệnh và tiến hành tổng vệ sinh môi trường để chủ động phòng chống bùng phát dịch sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, Sở cũng tiến hành điều tra xử lý tại các khu vực ghi nhận nhiều ca bệnh trong thời gian qua.
Tại TP. HCM, theo đánh giá tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trong 12 tuần đầu năm 2019 cho thấy, diễn tiến bệnh sốt xuất huyết tại thành phố là phù hợp với nhận định của Tổ chức Y tế thế giới: Bệnh thường xảy ra ở những vùng đô thị, nơi có mật độ dân cư tập trung đông đúc và những vùng đang trong quá trình đô thị hóa, cơ sở hạ tầng chưa theo kịp sự phát triển chung của kinh tế và dân cư. Bệnh sốt xuất huyết là bệnh ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của toàn dân thành phố, do đó bên cạnh mỗi gia đình, khu dân cư thì cần có sự tham gia tích cực từ các cấp chính quyền địa phương, ban ngành đoàn thể.
Mặt khác, nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong chủ yếu bắt nguồn từ sự chủ quan, tự điều trị tại nhà không đúng cách, đến bệnh viện quá trễ vào ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh. Lúc này, bệnh nhân dù đã nhập viện nhưng trong tình trạng quá nặng, tiên lượng chuyển biến rất xấu nên các bác sĩ khó lòng cứu sống được bệnh nhân.
Đối với những trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết thể nhẹ, bệnh nhân hoàn toàn có thể điều trị tại nhà, nhưng với điều kiện là phải đến bác sĩ thăm khám và được tư vấn cách điều trị tại nhà, chứ không thể tự ý điều trị tại nhà ngay từ ban đầu khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh.
Những dấu hiệu ban đầu của sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết được chia thành ba loại: Sốt xuất huyết cổ điển (thể nhẹ), sốt xuất huyết có chảy máu và sốt xuất huyết dengue (hội chứng sốc dengue). Những dấu hiệu ban đầu của sốt xuất huyết cũng tùy thuộc vào từng thể bệnh:
1. Biểu hiện sốt xuất huyết cổ điển (thể nhẹ)
Thể nhẹ của bệnh sốt xuất huyết xuất hiện ở những người lần đầu tiên mắc vì họ chưa có miễn dịch với bệnh. Theo đó, người bệnh biểu hiện thành các triệu chứng điển hình và không dẫn đến biến chứng. Cụ thể, bệnh thường bắt đầu với dấu hiệu sốt và thường kéo dài trong vòng 4 - 7 ngày tính từ thời điểm bị truyền bệnh bởi muỗi. Ngoài sốt, còn có các triệu chứng như:
- Đau cơ khớp
- Sốt cao đến 40,5 độ C
- Đau đầu nghiêm trọng
- Đau bất thường trong hốc mắt
- Buồn nôn, ói mửa
- Phát ban da.
Thông thường, các ban sốt xuất huyết trên da có thể xuất hiện trên cơ thể từ 3 - 4 ngày sau khi bắt đầu sốt, rồi thuyên giảm sau chừng 1 - 2 ngày. Sau đó, bệnh nhân có thể bị nổi ban lại một lần nữa trong các ngày sau đó.
2. Dấu hiệu sốt xuất huyết có chảy máu
Các dấu hiệu sốt xuất huyết dạng này bao gồm tất cả các triệu chứng kể trên của bệnh sốt xuất huyết thể nhẹ kèm theo tình trạng tổn thương mạch máu và mạch bạch huyết. Hậu quả gây ra chảy máu cam, chảy máu ở nướu răng hoặc xuất huyết dưới da, gây ra các vết bầm tím. Thể bệnh này có khả năng dẫn đến tử vong.
3. Dấu hiệu ban đầu của sốt xuất huyết Dengue (hội chứng sốc Dengue)
Thể bệnh này được xem là dạng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết – bao gồm tất cả các biểu hiện sốt xuất huyết thể nhẹ, kèm theo các triệu chứng chảy máu và bao gồm cả hiện tượng huyết tương thoát khỏi mạch máu, gây chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, khả năng dẫn đến sốc.
Hội chứng sốc Dengue thường xảy ra trong những lần mắc bệnh sau, khi bệnh nhân đã có miễn dịch chủ động (do đã từng mắc bệnh trước đó) hoặc thụ động (do mẹ truyền sang con) đối với một loại kháng nguyên vi rút gây bệnh. Đối với dạng này, biểu hiện sốt xuất huyết thường diễn biến nặng đột ngột sau 2 đến 5 ngày (giai đoạn hạ sốt). Dạng này của bệnh thường gặp ở trẻ em (đôi khi xuất hiện ở người lớn). Hội chứng sốc Dengue có nguy cơ gây ra tử vong, đặc biệt với đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên.
Đối với trẻ em khi mắc bệnh sốt xuất huyết sẽ nhận thấy dấu hiệu sốt cao, bố mẹ thường nhầm lẫn với cảm cúm hay nhiễm khuẩn đường hô hấp. Thông thường, quá trình diễn tiến của bệnh dao động từ 2 đến 7 ngày, tình trạng nguy hiểm thường xảy ra trong ngày sốt thứ tư, thứ năm. Theo đó, người bệnh luôn ở trong trạng thái mệt mỏi, rã rời, bứt rứt, tiểu ít, mạch nhanh nhẹ, huyết áp thấp, nặng hơn nữa là không đo được mạch, huyết áp (đây là biểu hiện của trụy mạch).
Triệu chứng cuối cùng và nguy hiểm nhất đối với nhiễm sốt xuất huyết thể nặng là tình trạng sốc, thường xuất hiện vào ngày thứ 3 - 6 của chu kỳ bệnh. Bệnh nhân bị sốc sẽ cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Sốt xuất huyết là một loại bệnh nguy hiểm, bất cứ ai cũng có thể là đối tượng mắc bệnh, đặc biệt là vào mùa dịch bùng phát như thời gian gần đây. Mỗi lần bùng phát dịch sốt xuất huyết, hậu quả gây ra vô cùng nặng nề cả về sức khỏe lẫn chi phí y tế. Khi nhận thấy có bất cứ dấu hiệu hay biểu hiện nào nghi ngờ sốt xuất huyết, bệnh nhân cần đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.