Dị ứng penicillin: Những điều cần biết

Dị ứng penicillin là phản ứng thái quá của hệ miễn dịch với thuốc kháng sinh penicillin và các loại thuốc có cấu trúc tương tự. Đây là loại dị ứng thuốc thường gặp nhất, có thể gây ra một loạt các triệu chứng từ mày đay đến sốc phản vệ, có nguy cơ đe dọa tính mạng.

1. Tổng quan

Dị ứng penicillin là một phản ứng bất thường của hệ miễn dịch với thuốc kháng sinh penicillin. Penicillin thường được kê toa để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của dị ứng penicillin bao gồm nổi mề đay và ngứa. Nếu phản ứng nặng có thể dẫn đến sốc phản vệ - một tình trạng ảnh hưởng đến nhiều hệ thống của cơ thể và có nguy cơ đe dọa tính mạng.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng dị ứng penicillin thường dễ bị chẩn đoán không chính xác. Hơn 90% bệnh nhân khai báo có tiền sử dị ứng kháng sinh nhưng sau đó vẫn có thể sử dụng Penicillin mà không có triệu chứng bất thường sau đó.Sự nhầm lẫn này sẽ khiến người bệnh phải sử dụng các phương pháp điều trị thay thế bằng kháng sinh ít phù hợp và tốn kém hơn. Do đó nếu nghi ngờ dị ứng penicillin, việc chẩn đoán chính xác là rất cần thiết để đảm bảo lựa chọn được cách điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhân trong tương lai.

Các loại kháng sinh khác, đặc biệt là những nhóm có cấu trúc hóa học tương tự penicillin, cũng có khả năng gây ra phản ứng dị ứng.

2. Triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng penicillin thường xuất hiện trong vòng 1 giờ sau khi dùng thuốc. Cũng có trường hợp phản ứng sẽ xảy ra vài giờ, vài ngày hoặc thậm chí là nhiều tuần sau đó, nhưng hiện tượng này ít phổ biến hơn.

Các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng penicillin bao gồm:


Dị ứng penicillin ảnh hưởng đến cơ thể và tính mạng con người
Dị ứng penicillin ảnh hưởng đến cơ thể và tính mạng con người

2.1. Sốc phản vệ

Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng hiếm gặp, đe dọa đến tính mạng con người và gây ra những rối loạn chức năng lan rộng trong toàn hệ thống cơ thể. Các dấu hiệu và triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm:

  • Ban đỏ toàn thân hoặc mày đay kèm ngứa trên da
  • Phù mắt môi, hoặc phù mặt
  • Co thắt đường hô hấp và cổ họng, gây khó thở
  • Buồn nôn hoặc đau bụng
  • Nôn hoặc tiêu chảy
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Mạch đập nhanh
  • Hạ huyết áp
  • Bồn chồn, lo lắng
  • Mất ý thức

2.2. Phản ứng dị ứng penicillin chậm

Mặc dù ít phổ biến hơn nhưng phản ứng dị ứng penicillin vẫn có thể xảy ra vài ngày hoặc vài tuần sau khi tiếp xúc với thuốc, đôi khi sẽ tiếp tục kéo dài trong một thời gian ngay khi bạn đã ngừng dùng thuốc. Những bất thường khác gặp phải do Penicillin bao gồm:

  • Bệnh huyết thanh: Gây sốt, đau khớp, phát ban, sưng và buồn nôn
  • Thiếu máu do thuốc: Làm giảm các tế bào hồng cầu, khiến cơ thể mệt mỏi, nhịp tim không đều, khó thở cũng như các dấu hiệu và triệu chứng khác
  • Phản ứng thuốc với tăng bạch cầu ái toan và các triệu chứng toàn thân (DRESS): Dẫn đến phát ban, tăng số lượng bạch cầu ái toan, sưng phù toàn thân, sưng hạch, tổn thương các cơ quan nội tạng như tim, phổi, thận
  • Hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử ly thượng bì nhiễm độc (Toxic epidermal necrolysis): Tổn thương da có bọng nước, trợt da và trợt niêm mạc nghiêm trọng
  • Viêm kẽ thận: Có thể gây sốt, tiểu ra máu, suy thận cấp, rối loạn ý thức và các triệu chứng khác

2.3 Phân biệt tác dụng phụ với dị ứng penicillin

Tương tự như các loại thuốc khác, penicillin cũng có thể gây ra những tác dụng phụ mà không phải là phản ứng dị ứng với thuốc. Tùy thuộc vào loại penicillin mà những biểu hiện cũng sẽ khác nhau, nhưng nhìn chung tác dụng phụ phổ biến mà người dùng thường gặp bao gồm:

  • Buồn nôn
  • Tiêu chảy
  • Đau đầu

Ngoài ra, các biểu hiện của căn bệnh nhiễm trùng mà bạn đang điều trị, hoặc những triệu chứng không liên quan khác, cũng thường bị nhầm lẫn là phản ứng dị ứng thuốc penicillin.

3. Nguyên nhân

Dị ứng penicillin xảy ra khi hệ miễn dịch của bạn trở nên quá mẫn cảm với thuốc. Đây là hiện tượng cơ thể tưởng nhầm thuốc là một chất có hại, sau đó phản ứng chống lại chúng như đối với các bệnh nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn.

Trước khi hệ miễn dịch trở nên nhạy cảm với penicillin, bạn phải tiếp xúc với thuốc ít nhất một lần. Nếu hệ miễn dịch xác định nhầm penicillin là một chất có hại, kháng thể chống lại loại thuốc này sẽ được sản sinh trong cơ thể. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là bạn nhất định phải từng uống penicillin, một số bằng chứng cho thấy lượng penicillin nhỏ có trong các loại thực phẩm cũng đủ cho hệ miễn dịch tạo ra kháng thể.

Trong lần tiếp theo dùng thuốc, các kháng thể đặc hiệu sẽ đánh dấu và để hệ thống miễn dịch tấn công trực tiếp vào penicillin . Cơ chế hoạt động này sẽ giải phóng các hóa chất (cytokines) - nguyên nhân gây ra những triệu chứng liên quan đến phản ứng dị ứng.

4. Penicillin và các loại thuốc liên quan

Penicillin thuộc nhóm thuốc kháng sinh beta-lactam. Mặc dù cơ chế của từng loại thuốc là khác nhau, nhưng nhìn chung chúng đều chống lại tình trạng nhiễm trùng bằng cách tấn công các thành tế bào vi khuẩn. Ngoài penicillin, cephalosporin - một nhóm các beta-lactam khác, cũng thường liên quan đến phản ứng dị ứng.

Nếu bạn đã có phản ứng dị ứng với một loại penicillin, rất có thể bạn cũng dị ứng với các penicillin khác hoặc với một số cephalosporin.

Penicillin bao gồm:

  • Amoxicillin;
  • Ampicillin;
  • Dicloxacillin;
  • Nafcillin;
  • Oxacillin;
  • Penicillin G;
  • Penicillin V;
  • Piperacillin;
  • Ticarcillin.

Cephalosporin bao gồm:

  • Cefaclor
  • Cefadroxil
  • Cefazolin
  • Cefdinir
  • Cefepime
  • Cefotetan
  • Cefprozil
  • Cefuroxim
  • Cephalexin

5. Phòng ngừa

Nếu bạn bị dị ứng penicillin, cách phòng ngừa đơn giản nhất là tránh dùng thuốc. Ngoài ra bạn cũng nên cân nhắc thực hiện các bước sau đây để bảo vệ bản thân:

  • Khám với bác sĩ chuyên khoa Dị ứng để xác định tình trạng dị ứng và lựa chọn khác sinh thay thế an toàn (do có nguy cơ dị ứng chéo với các kháng sinh khác)
  • Tránh dùng các kháng sinh khác nếu không có chỉ định của bác sĩ do các kháng sinh khác có nguy cơ dị ứng chéo với Penicillin
  • Luôn thông báo cho nhân viên y tế, bao gồm cả nha sĩ, biết tình trạng dị ứng penicillin hoặc bất kỳ loại dị ứng thuốc nào khác
  • Đeo vòng tay cảnh báo y tế xác định tình trạng dị ứng thuốc để được đảm bảo điều trị thích hợp trong trường hợp khẩn cấp

Nếu gặp các dấu hiệu hoặc triệu chứng dị ứng penicillin, bạn nên đến bác sĩ càng sớm càng tốt để được thăm khám, cũng như giải thích rõ về phản ứng dị ứng và các tác dụng phụ điển hình. Trong trường hợp có các dấu hiệu phản ứng nghiêm trọng hoặc nghi ngờ sốc phản vệ sau khi dùng penicillin, cần gọi số cấp cứu khẩn cấp hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức.

Để đặt lịch khám và tiêm chủng cho bé tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ TẠI ĐÂY.

Bài viết tham khảo nguồn: Mayoclinic.org

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe