Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Như Thu Trúc - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ có hơn 8 năm kinh nghiệm điều trị trong lĩnh vực Sản phụ khoa.
Nhiễm khuẩn sau sinh là tình trạng nhiễm khuẩn xuất phát từ bộ phận sinh dục của sản phụ sau khi sinh hoặc mổ lấy thai hoặc trong quá trình cho con bú.
Đây là một trong những tai biến sản khoa có thể khiến sản phụ bị biến chứng tử vong nếu không được điều trị dứt điểm, kịp thời. Ngoài chấn thương xảy ra trong suốt quá trình sinh hoặc mổ lấy thai, những thay đổi sinh lý trong suốt thai kỳ cũng góp phần vào sự hình thành nhiễm khuẩn sau sinh. Một số nhiễm khuẩn thông thường bao gồm:
- Viêm nội mạc tử cung, nhiễm trùng nội mạc tử cung
- Viêm vú, nhiễm trùng vú
- Nhiễm trùng vết mổ/ vết may tầng sinh môn
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
1. Nguyên nhân nhiễm khuẩn sau sinh
Về mặt y học, nhiễm khuẩn sau sinh là căn bệnh do các loại vi khuẩn ở bộ phận sinh dục gây nên. Khi gặp được môi trường thuận lợi như sản phụ sau sinh bị sót nhau, quá trình sinh con và làm thủ thuật trong môi trường không vô khuẩn, các thiết bị y tế chưa được vô trùng và vệ sinh âm đạo của sản phụ sau sinh kém, thai lưu, đẻ non, sản phụ từng sảy hoặc nạo hút thai nhiều lần, nhiễm trùng sau sinh mổ...thì các loại vi khuẩn càng dễ dàng tấn công từ bộ phận sinh dục vào cơ thể bằng cách ngược dòng âm đạo.
Ngoài ra trong quá trình cho con bú nhiều sản phụ kiêng cữ không tắm rửa, mặc đồ quá kín không thoát được mồ hôi dẫn đến môi trường ẩm thấp nên vi khuẩn vi sinh vật có cơ hội phát triển tạo tình trạng nhiễm khuẩn.
Sản phụ sau sinh thường có tiết dịch âm đạo (sản dịch) trong vòng 7-10 ngày sau sinh. Thời gian theo dõi tại viện ngắn thường không đủ để xác định nhiễm khuẩn.
Một số yếu tố nguy cơ dễ gây nhiễm khuẩn sau sinh:
- Thiếu máu
- Béo phì
- Nhiễm khuẩn âm đạo trước và trong khi mang thai
- Khám âm đạo nhiều lần trong quá trình chuyển dạ
- Chuyển dạ kéo dài, vỡ ối sớm
- Liên cầu khuẩn nhóm B khu trú ở âm đạo
- Có tình trạng băng huyết sau sinh
2. Triệu chứng nhiễm khuẩn sau sinh
Dấu hiệu rõ nhất để nhận biết sản phụ bị nhiễm khuẩn sau sinh chính là băng huyết (có nguy cơ trong vòng 20 đến 24 giờ sau sinh), người bệnh lúc này sẽ thấy chảy máu nhiều, choáng váng, mặt xanh xao, ra nhiều mồ hôi. Trường hợp bị nhiễm khuẩn sau sinh con ở vùng tầng sinh môn thì dấu hiệu rõ nhất chính là âm hộ sưng to, phù nề, vết khâu ở tầng sinh môn có mủ.
Nếu sản phụ bị nhiễm khuẩn ở tử cung thì thường đau hạ vị, sốt nhẹ, bị ra rất nhiều dịch có mùi hôi thối, thậm chí ra máu. Sau sinh khoảng 1 tuần, sản phụ bị sốt cao <390C, khó chịu, mệt mỏi, da xanh.
Đau cứng nóng đỏ ở một hoặc cả hai bên vú kèm theo dốt, ớn lạnh, đau cơ, mệt mỏi hay đau đầu (dấu hiệu của viêm vú).
Nếu nhiễm khuẩn bắt nguồn từ vết mổ thì sản phụ sẽ thấy da vùng vết mổ sưng đỏ, tiết dịch, nóng, nhạy cảm đau, vết mổ có dấu hiệu bị hở da.
Với trường hợp nhiễm khuẩn từ đường tiết niệu sản phụ sẽ thấy tiểu khó, tiểu đau, cảm giác phải đi tiểu nhiều lần nhưng nước tiểu ra rất ít hoặc không có; nước tiểu nhiều bọt hoặc có máu.
Hiện nay, nhiễm khuẩn sau sinh con chính là mối lo của rất nhiều sản phụ, căn bệnh này nếu nhẹ thì chỉ bị nhiễm khuẩn ở phía ngoài đường sinh dục hoặc bên trong tử cung. Còn nếu không phát hiện, điều trị kịp thời sẽ diễn tiến nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập qua tử cung vào ổ bụng gây ra tình trạng viêm phúc mạc, và vi khuẩn xâm nhập qua đường máu để vào máu và đưa đến tình trạng nhiễm trùng máu sau sinh, vô cùng nguy hiểm.
3. Phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn sau sinh hiệu quả
Để phòng ngừa hiệu quả nhiễm khuẩn sau sinh thì nguyên tắc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ là rất quan trọng. Đặc biệt, trong quá trình mang thai, nếu sản phụ có biểu hiện hoặc bị bệnh nhiễm khuẩn âm đạo thì cần phải được điều trị ngay dưới sự thăm khám và hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không được tắm hay ngâm mình dưới ao hồ, nước bẩn. Hàng ngày cần vệ sinh vùng kín bằng nước sạch và không thụt rửa sâu bộ phận sinh dục.
Ngoài ra, để đề phòng nhiễm khuẩn sau sinh, sản phụ cần phải:
- Không quan hệ sinh hoạt vợ chồng ngay sau sinh, khi mà sức khỏe chưa hồi phục. Cơ quan sinh sản rất cần được ‘nghỉ ngơi’ sau khi trải qua quá trình mang thai, vượt cạn, quan hệ tình dục sau sinh sớm sẽ dễ gây nên những tổn thương cho âm đạo và các cơ quan sinh sản, dẫn đến nhiễm trùng nhiễm khuẩn.
- Hàng ngày phải giữ cho vùng kín luôn khô ráo, sạch sẽ, không nên dùng giấy thô nhám hay khăn ướt có mùi thơm để vệ sinh âm đạo.
- Tránh đi lại nhiều, tránh vận động sớm trong giai đoạn 1 tháng sau sinh.
- Thường xuyên vệ sinh, thay mới chăn ga gối đệm.
- Vệ sinh vùng kín bằng nước đun sôi để ấm, tuyệt đối không thụt rửa sâu trong âm đạo để tránh gây tổn thương. Tắm sửa sạch sẽ hàng ngày, không kiêng khem quá mức sau sinh.
- Thay quần lót liên tục để giữ cho vùng sinh dục khô ráo để tránh nhiễm khuẩn sau sinh cũng là việc sản phụ nên làm.
- Vệ sinh vú trước và sau khi cho con bú, thay đổi áo ngực thường xuyên.
Nếu thấy sản dịch đổi màu hoặc có mùi hôi, bộ phận sinh dục đau rát, sưng tấy thì cần báo ngay cho bác sĩ. Sau khi sinh 2 tuần, hãy chủ động thăm khám lại để chắc chắn tình trạng sức khỏe của mình, đề phòng nhiễm khuẩn sau sinh và phát hiện những vấn đề, đưa ra phương án xử lý kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.