Người đã điều trị khỏi bệnh lậu có nguy cơ tái nhiễm bệnh lậu nếu không kiên trì điều trị, dùng thuốc không đúng, đủ liều, quan hệ tình dục không an toàn với người đang mắc bệnh,...
1. Tổng quan về bệnh lậu
Lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục do lậu cầu khuẩn (Neisseria gonorrhoeae) gây ra. Loại vi khuẩn này có thể phát triển ở cổ tử cung, tử cung, ống dẫn trứng, niệu đạo, miệng, họng, mắt và hậu môn của bệnh nhân. Triệu chứng bệnh lậu ở nam giới và nữ giới có nhiều điểm khác biệt. Đó là:
- Triệu chứng bệnh lậu ở nữ giới: Có 86% phụ nữ nhiễm lậu không có triệu chứng bất thường. Số khác có một số triệu chứng đặc trưng như: Cổ tử cung chảy mủ đặc, có màu vàng hoặc xanh, vim niệu đạoê, khi tiểu tiện có cảm giác nóng rát, đỏ ở lỗ niệu; viêm tấy, khó chịu các môi nhỏ,... Do biểu hiện kín đáo, đa số phụ nữ nhiễm lậu thường đi khám muộn, sau khi mắc bệnh 8 - 10 tuần. Nếu điều trị muộn, lậu cầu khuẩn gây bệnh lậu lâu năm có thể xâm nhập vào màng trong tử cung, đi ngược từ thành cổ tử cung lên vòi trứng, gây viêm vòi trứng với các biểu hiện như kinh nguyệt không đều, đau, ra máu nhiều, đau bụng dưới, sốt,... Bệnh nhân dễ gặp các di chứng như: Không thể phục hồi một số chức năng buồng trứng, kinh nguyệt kéo dài, xuất huyết bất thường ở tử cung, thỉnh thoảng bị rong huyết, tắc vòi trứng,... dễ dẫn đến chửa ngoài dạ con hoặc vô sinh. Phụ nữ mang thai bị nhiễm bệnh lậu lâu năm có thể lây nhiễm cho con trong quá trình chuyển dạ. Em bé sinh ra có thể bị mù, nhiễm khuẩn khớp hoặc nhiễm khuẩn máu rất nguy hiểm;
- Triệu chứng lậu ở nam giới: Có 55% nam giới không có triệu chứng rõ ràng sau khi mắc bệnh lậu. Số khác, sau khi mắc bệnh sẽ bị viêm niệu đạo với các biểu hiện như diết dịch trong miệng sáo, dịch đặc, có máu đục hoặc hơi xanh, tiểu buốt, tiểu rắt,... Viêm niệu đạo có thể đỡ hoặc tự khỏi sau 2 tuần dù không điều trị nhưng vi khuẩn lậu vẫn còn, xâm nhập vào niệu đạo sau, tuyến tiền liệt. Vi khuẩn lậu cũng có thể xâm nhập vào ống dẫn tinh rồi vào tinh hoàn, gây viêm một hoặc cả hai bên tinh hoàn, dễ gây sẹo mào tinh hoàn, làm tắc đường dẫn tinh, dẫn tới vô sinh.
Nếu không được điều trị, bệnh lậu lâu năm sẽ gây ra các biến chứng nghiêm trọng như mù lòa, vô sinh hay thậm chí là tử vong.
Việc điều trị bệnh lậu cần lưu ý:
- Khi phát hiện triệu chứng bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời;
- Kiểm tra nguồn gốc lây bệnh, điều trị đồng thời cho cả vợ/chồng hoặc bạn tình;
- Điều trị đúng thuốc, đủ liều và tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ;
- Trong quá trình điều trị, người bệnh không được có quan hệ tình dục với người khác cho tới khi trị dứt điểm bệnh lậu để tránh lây lan bệnh cho người khác và tránh nguy cơ bệnh lậu tái nhiễm.
2. Nguyên nhân bệnh lậu tái phát
Bệnh lậu có tái phát lại không? Câu trả lời là có. Bệnh lậu có thể tái phát do những nguyên nhân sau:
- Không kiên trì điều trị: Một số bệnh nhân mắc bệnh lậu lâu năm thường có tâm lý e ngại, không muốn điều trị lâu, khi thấy bệnh thuyên giảm liền tự ý ngừng điều trị hoặc quan hệ tình dục trong quá trình điều trị, gây tái nhiễm bệnh.
- Dùng sai thuốc: Một nguyên nhân khiến việc điều trị bệnh lậu lâu năm không thành công là do bệnh nhân dùng nhầm thuốc vì tự ý mua thuốc hoặc bác sĩ kê đơn thuốc sai. Ngoài ra, lậu cũng là bệnh lý có tỷ lệ kháng thuốc cao nên các thuốc kháng sinh trước đây dùng để điều trị bệnh lậu chưa hẳn đã mang lại kết quả tốt cho bệnh nhân, khiến bệnh lâu khỏi, dễ tái phát;
- Không điều trị các biến chứng chung: Bệnh lậu thường đi kèm viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt, viêm cổ tử cung, viêm vùng chậu,... Muốn điều trị bệnh triệt để, cần tìm nguyên nhân gây bệnh và điều trị đồng thời các biến chứng. Nếu không, sẽ khó điều trị bệnh tận gốc, dễ dẫn đến bệnh lậu tái phát liên tục.
- Sử dụng thuốc không đủ liều: Nhiều bệnh nhân ngừng điều trị lậu giữa chừng làm cho quá trình dùng thuốc bị gián đoạn hoặc quá trình điều trị không đạt yêu cầu trị bệnh triệt để. Từ đó, bệnh nhân có nguy cơ chuyển sang bệnh lậu lâu năm, mãn tính, dễ tái phát và khó khăn trong việc chữa trị tận gốc;
- Quan hệ tình dục không an toàn: Có nhiều người bị bệnh lậu tái nhiễm lậu nhiều lần vì họ tiếp tục quan hệ tình dục không an toàn với người mang mầm bệnh. Bác sĩ thường khuyên bệnh nhân lậu nên đưa vợ/chồng hoặc bạn tình đi kiểm tra để điều trị đồng thời bởi nếu chỉ một phía trị bệnh thì sẽ không bao giờ điều trị triệt để được, gây nên hiện tượng tái nhiễm.
3. Biện pháp giảm nguy cơ bệnh lậu tái nhiễm
Để giảm nguy cơ bệnh lậu tái phát sau quá trình điều trị, bệnh nhân nên thực hiện theo những hướng dẫn sau:
- Cùng vợ/chồng hoặc bạn tình đi xét nghiệm và điều trị bệnh lậu đồng thời nếu không may họ cũng mắc bệnh
- Sống chung thủy 1 vợ 1 chồng
- Không dùng chung đồ lót, khăn tắm với người khác
- Tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ về thời gian dùng thuốc, liều lượng thuốc sử dụng
- Không quan hệ tình dục cho tới khi khỏi bệnh hoàn toàn
- Tái khám thường xuyên sau khi được điều trị để đảm bảo rằng vi khuẩn lậu được tiêu diệt hoàn toàn
- Khi đã hoàn thành việc điều trị bệnh và bắt đầu quan hệ tình dục trở lại, nên sử dụng bao cao su mỗi lần sinh hoạt tình dục
Bệnh lậu có thể điều trị nhưng có tỷ lệ tái phát cao nếu bệnh nhân không tuân thủ đúng phác đồ trị bệnh của bác sĩ. Thời gian điều trị bệnh lậu mỗi người là khác nhau tùy thuộc vào thể trạng, mức độ bệnh của mỗi người. Vì vậy, khi có biểu hiện của bệnh lậu, người bệnh nên đi khám ngay để được điều trị sớm, rút ngắn thời gian trị bệnh, sớm quay lại cuộc sống bình thường và giảm tối đa nguy cơ gặp phải những biến chứng khó lường.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có cung cấp Gói Khám, Sàng lọc các bệnh xã hội giúp cho khách hàng có thể phát hiện sớm các bệnh lý và có hướng điều trị hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Gói khám sàng lọc các bệnh xã hội tại Vinmec dành cho mọi lứa tuổi, cả nam giới và nữ giới.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.