Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Mất nước và điện giải là một trong các nguyên nhân gây tử vong chủ yếu của bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Do đó, khi trẻ bị tiêu chảy nhưng chưa có hiện tượng mất nước, cha mẹ cần tích cực thực hiện các biện pháp bổ sung nước, chất dinh dưỡng cho trẻ.
1. Bệnh tiêu chảy ở trẻ em nguy hiểm như thế nào?
Bệnh tiêu chảy xảy ra khi các tác nhân gây bệnh xâm nhập đường tiêu hóa, sản xuất các độc tố ruột kích thích tiết các chất điện giải, xâm lấn và phá hủy các tế bào biểu mô niêm mạc ruột, gây viêm tại ruột và toàn thân. Rất nhiều tác nhân có thể gây tiêu chảy như:
- Vi-rút: Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp ở trẻ em, các vi-rút khác có thể gây bệnh là adenovirus, Coronavirus, Picornavirus,...
- Vi khuẩn: E.coli là nguyên nhân thường gặp nhất, tiếp theo là các vi khuẩn Shigella, Campylobacter jejuni, Salmonela, vi khuẩn tả Vibrio cholerae,..
- Ký sinh trùng: Entamoeba histolytica, đây là tác nhân chủ yếu gây bệnh lỵ amip.
Tiêu chảy là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em, đặc biệt là ở những nước nghèo và nước đang phát triển. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2003 trên toàn thế giới có khoảng 1.87 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do bệnh tiêu chảy, trong đó hầu hết trẻ tập trung trong 0-2 tuổi. Do sức đề kháng yếu, tiêu chảy ở trẻ em và tiêu chảy ở trẻ sơ sinh rất dễ xảy ra, trung bình trẻ em dưới 3 tuổi sẽ bị tiêu chảy 3-4 đợt trong năm, cá biệt có những trẻ bị tiêu chảy cấp đến 8-9 đợt mỗi năm.
Tiêu chảy được phân ra thành tiêu chảy cấp tính và tiêu chảy mạn tính. Trên lâm sàng, tiêu chảy cấp tính chiếm đa số, tỷ lệ trên 80% các trường hợp bị tiêu chảy. Tiêu chảy cấp ở trẻ em thường xảy ra trong khoảng 5-7 ngày và kéo dài không quá 14 ngày. Trẻ có các triệu chứng như tiêu chảy đột ngột, phân lỏng, số lần đi ngoài nhiều hơn 3 lần trong 24 giờ. Ngoài tiêu chảy, trẻ có thể bị nôn nhiều lần làm tình trạng mất nước và điện giải thêm trầm trọng. Trẻ biếng ăn, chỉ thích uống nước, hay quấy khóc, vật vã, đôi khi mệt lả, nằm li bì, có thể xảy ra co giật. Nếu trẻ không được điều trị và chăm sóc đúng cách, bệnh tiêu chảy có thể gây nguy hiểm tính mạng trẻ.
2. Đánh giá mức độ mất nước bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em
Mất nước là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tử vong của bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Trẻ bị tiêu chảy cấp cần được đánh giá mức độ mất nước theo các tiêu chuẩn sau:
- Mất nước nặng: nếu trẻ có 2 trong các dấu hiệu
- Mắt trũng
- Ngủ li bì, khó đánh thức
- Uống nước rất kém hoặc không uống được nước
- Khi véo da, nếp véo da mất rất chậm
- Có mất nước: nếu trẻ có 2 trong các dấu hiệu
- Mắt trũng
- Vật vã, kích thích
- Uống nước nhiều, khát, uống háo hức
- Khi véo da, nếp véo mất chậm
- Không mất nước khi không đủ các dấu hiệu để phân loại có mất nước hoặc mất nước nặng.
Đánh giá độ mất nước có vai trò rất quan trọng, dựa vào độ mất nước sẽ lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp với trẻ. Nếu trẻ chưa có tình trạng mất nước, trẻ sẽ được điều trị theo phác đồ điều trị tiêu chảy tại nhà. Nếu trẻ có mất nước, trẻ sẽ được điều trị mất nước bằng ORS, bù dịch bằng đường uống tại cơ sở y tế. Nếu trẻ bị mất nước nặng, trẻ sẽ được truyền tĩnh mạch hoặc đặt ống thông dạ dày để nhanh chóng cải thiện tình trạng mất nước.
3. Đề phòng nguy cơ mất nước đối với bệnh tiêu chảy ở trẻ
Đối với trẻ chưa bị mất nước, việc điều trị tiêu chảy sẽ được điều trị tại nhà. Để dự phòng nguy cơ mất nước có thể xảy ra, các bậc cha mẹ phải thực hiện theo đúng 4 nguyên tắc sau:
3.1 Cho trẻ uống nhiều dịch hơn bình thường để phòng mất nước
Nếu tiêu chảy ở trẻ sơ sinh còn bú mẹ hoàn toàn, nên cho trẻ bú nhiều hơn và mỗi lần bú nên lâu hơn. Đối với trẻ lớn hơn, cần bổ sung cho trẻ một hoặc nhiều loại dịch như:
- Dung dịch ORS, nước cháo muối, nước cơm có muối, canh, súp. Chú ý là các loại canh súp không nên quá mặn, chỉ dùng khoảng 3g muối cho 1 lít nước.
- Các loại dịch không chứa muối như nước sạch, nước cơm, nước dừa, nước hoa quả không đường.
Chú ý không cho trẻ uống các loại nước ngọt có đường như nước giải khát công nghiệp có CO2, nước trái cây công nghiệp, trà đường,... vì các loại nước uống có đường có thể gây tiêu chảy thẩm thấu, tăng natri máu . Không cho trẻ uống cà phê, các loại trà thuốc hoặc dung dịch truyền vì có thể gây kích thích lợi tiểu, làm trầm trọng thêm tình trạng tiêu chảy và mất nước.
Nếu cho trẻ uống dung dịch ORS, phải pha dung dịch ORS đúng cách. Dụng cụ pha chế phải sạch, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để biết lượng nước cần pha là bao nhiêu, nếu pha không đủ nước dung dịch quá đặc sẽ gây nguy hiểm. Nếu pha quá nhiều nước, dung dịch ORS quá loãng, hiệu quả bù nước, điện giải sẽ không đảm bảo. Dung dịch ORS đã pha phải được bảo quản sạch sẽ và chỉ dùng trong 24 giờ.
Cho trẻ uống các loại nước tùy theo nhu cầu của trẻ cho đến khi ngừng tiêu chảy. Đối với trẻ dưới 2 tuổi, cho trẻ uống từ 50-100ml sau mỗi lần đi ngoài. Trẻ từ 2 đến 10 tuổi, cho trẻ uống từ 100-200ml sau mỗi lần đi ngoài. Với trẻ lớn hơn 10 tuổi, cho trẻ uống theo nhu cầu.
3.2 Tăng cường cho trẻ ăn để đề phòng suy dinh dưỡng
Trẻ được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, cơ thể sẽ nhanh hồi phục, thời gian tiêu chảy sẽ ngắn lại. Do đó, chế độ ăn của trẻ cần được tăng cường, không kiêng ăn, không pha loãng thức ăn. Hầu hết những trẻ tiêu chảy phân nước sẽ thèm ăn sau khi được bổ sung đủ nước, còn những trẻ tiêu chảy phân máu thường không muốn ăn cho đến khi bệnh thuyên giảm. Ở những trẻ này, cần khuyến khích trẻ ăn, cho trẻ ăn những món ăn trẻ thích để nhanh hồi phục sức khỏe.
Thức ăn nên được chế biến mềm hoặc nghiền nhỏ để dễ tiêu hóa. Nên cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ, cách 3-4 giờ cho trẻ ăn một lần, ăn lượng nhỏ trẻ sẽ dễ hấp thu hơn chế độ ăn ít bữa, lượng thức ăn nhiều. Những thức ăn nhiều Kali như nước dừa, chuối, nước hoa quả tươi rất hữu ích cho trẻ.
Cần tránh cho trẻ ăn những củ quả, rau sợi thô, hạt ngũ cốc có nhiều chất xơ vì khó tiêu hóa. Không ăn những thức ăn quá nhiều đường vì có thể làm tình trạng tiêu chảy thẩm thấu nặng hơn.
3.3 Cho trẻ bổ sung kẽm trong vòng 10-14 ngày
Kẽm rất quan trọng trong hệ thống miễn dịch, giúp rút ngắn thời gian và mức độ tiêu chảy cấp ở trẻ, đồng thời ngăn chặn những đợt tiêu chảy mới trong vòng 2-3 tháng sau điều trị. Ngoài ra, kẽm còn giúp cải thiện sự ngon miệng và sự tăng trưởng của trẻ.
Nên cho trẻ uống kẽm càng sớm càng tốt ngay khi có các triệu chứng của bệnh tiêu chảy, uống kẽm vào lúc đói sẽ giúp hấp thu kẽm được tốt hơn. Kẽm được uống với liều lượng như sau:
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi: uống 10mg/ngày trong 10-14 ngày
- Trẻ lớn hơn 6 tháng tuổi: uống 20mg/ngày trong 10-14 ngày.
3.4 Đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế khi trẻ có các dấu hiệu bất thường
Cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu: nôn tái diễn, đi ngoài liên tục rất nhiều lần, trở nên rất khát, có máu trong phân, trẻ ăn uống kém, bỏ bú, tình trạng trẻ không được cải thiện sau 2 ngày điều trị. Đây là các dấu hiệu bệnh tiêu chảy ở trẻ em và tình trạng mất nước đang nặng lên. Trẻ cần được sự can thiệp kịp thời của nhân viên y tế.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong