Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Phương Thảo - Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Bỗng một ngày bạn nhận ra đứa con bé bỏng của mình đang bước vào giai đoạn dậy thì, nhưng bé lại dậy thì quá sớm so với các đứa trẻ cùng trang lứa. Bạn hoang mang, lo lắng và tự hỏi liệu dậy thì sớm có ảnh hưởng gì đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ? Khi nào thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ ?
1. Nguyên nhân dậy thì sớm ở bé gái
Dậy thì sớm được xác định là dậy thì khởi phát trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Tuy nhiên, độ tuổi này chỉ mang tính tương đối và đang còn là vấn đề tranh cãi của nhiều chuyên gia. Một số chuyên gia cho rằng cần hạ độ tuổi nói trên, những nhóm khác lại nói rằng làm như vậy sẽ khó xác định những trẻ nào cần được điều trị.
Phần lớn dậy thì sớm ở bé gái đơn thuần chỉ là sự phát triển trước thời hạn. Tuy nhiên, đôi khi chúng lại là biểu hiện của một số bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể. Chúng ta cùng tìm hiểu một số dạng dậy thì điển hình và nguyên nhân gây ra các biến đổi đó:
- Dậy thì sớm trung ương: do nồng độ GnRH tăng cao dẫn đến sự bài tiết quá mức hocmon sinh dục. GnRH tăng cao có thể do các nguyên nhân sau: khối u trong não hoặc tủy sống, viêm màng não, bức xạ vào não hay cột sống, suy giáp (tuyến giáp không sản xuất đủ hormon),...
- Dậy thì sớm ngoại vi: dạng này ít phổ biến hơn so với dậy thì sớm trung ương. Nguyên nhân không phải do nồng độ GnRH, mà do chính bản thân các hocmon sinh dục tăng cao. Nhiều bệnh lý có thể dẫn đến việc gia tăng sản xuất estrogen và testosteron gồm: Khối u ở tuyến thượng thận; hội chứng McCune-Albright, Tăng sản thượng thận bẩm sinh; tiếp xúc với các nguồn estrogen hay testosteron bên ngoài, chẳng hạn như các loại kem hoặc thuốc mỡ, u nang buồng trứng, khối u buồng trứng...
2. Tác hại của việc dậy thì sớm ở bé gái
Ảnh hưởng về tâm lý: Những thay đổi trên cơ thể của bé gái dậy thì sớm có thể làm bé thấy ngại ngùng, xấu hổ vì cảm thấy khác biệt so với bạn bè, bị bạn bè trêu chọc. Điều này có thể khiến bé tự ti, trầm cảm và thậm chí để lại di chứng tâm lý cho đến khi trưởng thành. Để giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn này, bố mẹ cần trò chuyện, giải thích cho bé hoặc thậm chí có thể cho bé gặp chuyên gia tư vấn tâm lý
Quan hệ tình dục sớm: Sự phát triển tâm sinh lý quá sớm sẽ dẫn đến những ham muốn tình dục. Bé còn quá nhỏ, suy nghĩ chưa chín chắn nên dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng; và hậu quả là mắc phải các bệnh lây truyền qua đường tình dục hay mang thai khi tuổi đời còn quá nhỏ dẫn đến nạo, phá thai, để lại những sang chấn cả về thể chất lẫn tinh thần.
Hạn chế chiều cao: Những trẻ bước vào giai đoạn dậy thì khi quá sớm sẽ có giai đoạn dậy thì ngắn. Ban đầu, trẻ sẽ phát triển nhanh, cao lớn hơn so với các bạn cùng trang lứa, nhưng giai đoạn tăng trưởng ấy không kéo dài và khi giai đoạn ấy kết thúc, trẻ cũng chậm phát triển lại.
Ảnh hưởng đến kết quả học tập: Những biến đổi tâm sinh lý trong thời gian dậy thì dễ khiến trẻ lơ là, bỏ bê việc học. Bố mẹ nên khuyên nhủ, động viên và thường xuyên liên lạc với giáo viên để theo sát quá trình học tập của con.
Nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang: chu kỳ kinh nguyệt sớm trước khi 8 tuổi ở bé gái có nguy cơ phát triển thành chứng rối loạn nội tiết tố và gây hội chứng buồng trứng đa nang khi trưởng thành.
3. Khi nào nên đưa con đi khám dậy thì sớm?
Nếu nhận thấy con bạn có dấu hiệu dậy thì sớm hơn so với bạn bè đồng trang lứa, bạn nên cân nhắc đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa để chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Bạn hãy bình tĩnh, cùng con bước qua giai đoạn này; giải thích cho trẻ hiểu những thay đổi đang diễn ra là hoàn toàn bình thường.
Khi nghi ngờ tình trạng dậy thì của bé gái do các nguyên nhân bất thường, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm để xác định các bệnh lý tiềm ẩn:
- Xét nghiệm máu và nước tiểu để phát hiện hàm lượng hormon bất thường.
- Chụp cắt lớp, cộng hưởng từ và siêu âm giúp phát hiện các khối u
- Chụp XQuang cổ tay để xác định tốc độ trưởng thành của xương. Nếu xương già nhanh so với tuổi thực thì nhiều nguy cơ trẻ không thể đạt chiều cao tối đa khi trưởng thành.
4. Các giải pháp phòng ngừa dậy thì sớm ở bé gái
Dậy thì sớm ở bé gái có thể bắt nguồn từ một số bệnh lý bên trong cơ thể, nhưng cũng có thể do chế độ ăn uống, sinh hoạt không phù hợp. Dưới đây là một số giải pháp giúp giảm thiểu tình trạng dậy thì sớm ở bé gái:
Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Bố mẹ nên xây dựng một chế độ ăn phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu rau củ quả, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích,..hay những thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo và có hàm lượng đường cao. Lưu ý chọn các thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh mua thực phẩm trôi nổi không uy tín, thực phẩm chứa hormone tăng trưởng sẽ ảnh hưởng tới sinh lý của trẻ.
Tăng cường vận động: nên khuyến khích trẻ tập luyện thể dục ít nhất là 30 phút mỗi ngày. Các môn thể thao như bơi lội, cầu lông, nhảy dây, đá bóng, đá cầu.. không chỉ giúp trẻ rèn luyện sức khỏe mà còn ích lợi cho việc trau dồi kỹ năng sống của trẻ.
Hạn chế cho tiếp xúc với estrogen và testosteron: ba mẹ cần lưu ý khi cho trẻ sử dụng sản phẩm kem, thuốc có thành phần liên quan đến hormon sinh dục.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.