Dầu làm đẹp: Lợi ích của dầu dừa, dầu Argan

Dầu dừa và dầu argan là những loại dầu làm đẹp được sử dụng phổ biến hiện nay. Nhờ chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, chất chống oxy hóa và các hợp chất chống viêm, chúng được xem là thần dược trong công cuộc làm đẹp của các chị em phụ nữ.

1. Dầu dừa và dầu argan là gì?

Dầu dừa là một loại dầu có độ bão hòa cao, theo truyền thống được làm bằng cách chiết xuất dầu từ dừa thô. Nó thường dùng trong nấu ăn hoặc được sử dụng như một loại dầu làm đẹp để bôi trực tiếp lên da và tóc. Dầu dừa chứa nhiều axit béo chuỗi trung bình - một dạng chất béo bão hòa. Thực tế, các axit béo chuỗi trung bình này chiếm khoảng 65% tổng thành phần của dầu dừa. Mặc dù, dầu dừa có khoảng 90% là chất béo bão hòa, nhưng nó cũng chứa một lượng nhỏ chất béo không bão hòa. Một muỗng canh chứa khoảng 12 gam chất béo bão hòa và 1 gam chất béo không bão hòa.

Dầu argan được chiết xuất từ hạt của cây argan, một loại cây có nguồn gốc từ Ma-rốc. Nó thường được dùng dưới dạng dầu nguyên chất, có thể được bôi trực tiếp tại chỗ trên da hoặc uống để mang lại những lợi ích cho sức khỏe. Ngoài ra, dầu argan cũng được bán dưới dạng viên nang bổ sung để uống. Nó cũng thường được trộn vào một số sản phẩm mỹ phẩm như dầu gội đầu, xà phòng và dầu xả. Dầu argan theo truyền thống được sử dụng tại chỗ hoặc đường uống để cải thiện sức khỏe của da, tóc và móng. Nó chứa một số thành phần có lợi cùng một số vitamin tạo thành một sự kết hợp mạnh mẽ để tăng cường sức khỏe làn da.

2. Dầu dừa có tác dụng gì?

2.1 Dầu dừa có thể tiêu diệt các vi sinh vật có hại

Các axit béo bão hòa trong dầu dừa có hoạt tính kháng khuẩn. Công dụng này đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe làn da, vì nhiều loại nhiễm trùng da như mụn trứng cá, viêm nang lông, viêm mô tế bào và nấm đều do vi khuẩn hoặc nấm gây ra. Các chuyên gia khuyến cáo nên bôi trực tiếp dầu dừa lên da để giúp ngăn ngừa sự phát triển của các vi sinh vật có hại.

2.2 Dầu dừa có thể giảm viêm

Viêm mạn tính là một tình trạng thường gặp trong nhiều loại rối loạn da khác nhau như bệnh vẩy nến, viêm da tiếp xúc hay bệnh chàm. May mắn là dầu dừa đã được chứng minh là có đặc tính chống viêm. Trong một nghiên cứu về tác dụng kháng viêm của dầu dừa được tiến hành trên động vật, các nhà nghiên cứu đã bôi dầu dừa vào tai bị viêm của chuột. Kết quả của nghiên cứu đã cho thấy dầu dừa không chỉ có tác dụng chống viêm mà còn giúp giảm đau. Bên cạnh đó, dầu dừa còn giúp làm dịu phản ứng viêm bằng cách cải thiện tình trạng chống oxy hóa. Chất chống oxy hóa hoạt động bằng cách ổn định các gốc tự do trong cơ thể, vô hiệu hóa các nguyên tử phản ứng có thể góp phần thúc đẩy phản ứng viêm.


Dầu dừa là loại dầu làm đẹp được sử dụng phổ biến hiện nay
Dầu dừa là loại dầu làm đẹp được sử dụng phổ biến hiện nay

2.3 Dầu dừa có thể giúp điều trị mụn trứng cá

Một số người cho rằng dầu dừa làm tắc nghẽn lỗ chân lông, nhưng nhiều nghiên cứu lại chứng minh rằng nó lại có tác dụng điều trị mụn trứng cá. Mụn trứng cá là một tình trạng viêm và nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị mụn có cơ chế chính là giảm viêm. Trong dầu dừa có các thành phần có hoạt tính kháng viêm, nhờ đó nó cũng có thể hỗ trợ điều trị mụn trứng cá. Thêm vào đó, đặc tính kháng khuẩn của các axit béo bão hòa trong dầu dừa cũng có thể giúp giảm mụn trứng cá. Bạn nên thoa dầu dừa trực tiếp lên vùng da bị mụn để đạt hiệu quả tốt nhất và nhanh nhất.

2.4 Dầu dừa có thể dưỡng ẩm cho da khô

Bên cạnh tác dụng trị mụn và kháng viêm, thoa dầu dừa lên da còn giúp dưỡng ẩm cho da. Một nghiên cứu được thực hiện trên những bệnh nhân có làn da khô từ nhẹ đến trung bình đã so sánh tác dụng của dầu dừa với dầu khoáng, một loại dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ thường được sử dụng để điều trị da khô. Kết quả nghiên cứu cho thấy dầu dừa cải thiện đáng kể quá trình dưỡng ẩm cho da và có hiệu quả tương đương với dầu khoáng. Nó cũng được chứng minh là giúp điều trị bệnh chàm, một tổn thương da đặc trưng bởi tình trạng phát ban có vảy và ngứa. Bạn hãy giữ cho làn da đủ ẩm để duy trì sự toàn vẹn của làn da, là hàng rào ngăn chặn vi khuẩn và thúc đẩy quá trình chữa lành sẹo.

2.5 Dầu dừa có thể giúp chữa lành vết thương

Một số nghiên cứu cho thấy rằng dầu dừa có thể hỗ trợ làm lành vết thương. Một nghiên cứu trên động vật đã phát hiện ra rằng việc điều trị vết thương bằng dầu dừa nguyên chất giúp tăng tốc độ chữa lành, cải thiện tình trạng chống oxy hóa và tăng nồng độ collagen, một loại protein quan trọng trong quá trình làm lành vết thương. Một nghiên cứu khác trên động vật cũng cho thấy sự kết hợp của dầu dừa với một loại thuốc kháng sinh bôi ngoài da có tác dụng chữa lành vết thương do bỏng. Ngoài việc cải thiện việc chữa lành vết thương, các đặc tính kháng khuẩn của dầu dừa cũng có thể ngăn ngừa nhiễm trùng.

2.6 Dầu dừa giúp làm đẹp tóc

Hàm lượng chất béo cao trong dầu dừa có thể giúp làm dịu kích ứng da đầu, bong tróc và ngứa. Chất béo trong dầu dừa còn có công dụng dưỡng ẩm cho mái tóc. Nó còn giúp xử lý tóc chẻ ngọn. Một đánh giá khác về công dụng của dầu dừa ở Ấn Độ cho thấy loại dầu này có thể giúp giảm lượng protein mất đi trên tóc. Nhờ đó giúp ngăn ngừa tóc khô, giòn hoặc gãy rụng. Ngoài ra, dầu dừa làm đẹp còn giúp bảo vệ tóc khỏi tác động của môi trường như nắng, gió, khói bụi. Sử dụng một lượng nhỏ dầu dừa trên tóc ướt trước khi sấy hoặc sử dụng nhiệt tạo kiểu có thể bảo vệ tóc khỏi tác hại của nước và nhiệt. Dầu dừa còn có thể giúp chữa lành hoặc ngăn ngừa gàu và các loại nấm hay chấy trên da đầu.

3. Dầu argan có tác dụng gì?

3.1. Bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời

Từ lâu dầu argan đã được phụ nữ Maroc sử dụng để bảo vệ làn da của họ khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Hiệu quả của phương pháp đã được chứng minh thông qua một nghiên cứu năm 2013. Nghiên cứu này chứng minh rằng các chống oxy hóa trong dầu argan có vai trò bảo vệ da khỏi các tác hại của gốc tự do gây ra bởi ánh nắng mặt trời. Nó còn giúp ngăn ngừa bỏng và tăng sắc tố da. Nếu được sử dụng lâu dài, nó thậm chí còn có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của ung thư da. Dầu argan có thể được bổ sung bằng đường uống hoặc bôi trực tiếp lên da để đạt những lợi ích kể trên.


Dầu argan là loại dầu làm đẹp được sử dụng phổ biến hiện nay
Dầu argan là loại dầu làm đẹp được sử dụng phổ biến hiện nay

3.2. Dưỡng ẩm cho da

Công dụng phổ biến nhất của dầu argan hiện nay có lẽ là dưỡng ẩm. Nó là một thành phần quen thuộc trong kem dưỡng da, xà phòng và dầu dưỡng tóc. Nó có thể được dùng tại chỗ hoặc uống như một thực phẩm bổ sung hàng ngày để có tác dụng dưỡng ẩm. Ích lợi này phần lớn nhờ vào lượng vitamin E dồi dào - một chất chống oxy hóa tan trong dầu, có thể giúp cải thiện khả năng giữ nước trong da.

3.3. Điều trị một số tình trạng da

Dầu argan có khả năng chữa một số bệnh lý trên da nhờ vào các đặc tính chống oxy hóa và chống viêm. Cả hai đều giúp giảm các triệu chứng của một số tình trạng viêm da khác nhau như bệnh vẩy nến và bệnh trứng cá đỏ. Bạn hãy thoa dầu argan nguyên chất trực tiếp lên các vùng da bị ảnh hưởng bởi bệnh vẩy nến để có kết quả tốt nhất.

3.4. Điều trị mụn trứng cá

Mụn trứng cá do nội tiết tố thường là kết quả từ lượng bã nhờn dư thừa do rối loạn nội tiết tố gây ra. Nhờ có tác dụng điều chỉnh lượng bã nhờn trên da, dầu argan có thể giúp hỗ trợ điều trị một số loại mụn trứng cá và giúp làn da trở nên mịn màng hơn. Bạn đừng quên bôi dầu argan hoặc các loại kem có chứa dầu argan trực tiếp lên da ít nhất hai lần mỗi ngày để cảm nhận sự cải thiện của làn da sau bốn tuần.

3.5. Chữa lành nhiễm trùng da

Một trong những lợi ích truyền thống của dầu argan là điều trị nhiễm trùng da. Dầu argan có cả đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm. Nhờ đó nó có khả năng giúp điều trị và ngăn ngừa nhiễm trùng da do vi khuẩn và nấm. Bôi dầu argan trực tiếp lên vùng da bị tổn thương ít nhất hai lần mỗi ngày để thấy được hiệu quả mong muốn.

3.6. Cải thiện quá trình chữa lành vết thương

Sự kết hợp giữa vitamin E và các chất chống oxy hóa có trong dầu argan có thể giúp thúc đẩy làm lành các vết thương và vết cắt. Bạn có thể sử dụng dầu argan thường xuyên để trải nghiệm lợi ích này trên da và toàn cơ thể.

3.7. Làm dịu viêm da dị ứng

Viêm da dị ứng là một tổn thương da phổ biến với các triệu chứng như ngứa, đỏ da. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bôi trực tiếp dầu argan lên vùng da bị viêm có thể giúp cải thiện các triệu chứng kể trên. Vitamin E và các chất chống viêm tự nhiên có trong dầu argan là các thành phần mang đến tác dụng làm dịu này.

3.8. Có tác dụng chống lão hóa

Từ lâu dầu argan đã được áp dụng như một liệu pháp chống lão hóa. Trong một nghiên cứu gần đây trên những phụ nữ mãn kinh, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sự kết hợp giữa dầu argan uống và bôi dẫn đến sự cải thiện đáng kể độ đàn hồi của da. Bạn có thể trải nghiệm công dụng này bằng cách thoa dầu argan trực tiếp lên da hay uống bổ sung thường xuyên hoặc cả hai.


Từ lâu dầu argan đã được áp dụng như một liệu pháp chống lão hóa
Từ lâu dầu argan đã được áp dụng như một liệu pháp chống lão hóa

3.9. Giảm độ nhờn của da

Dầu argan có thể giúp giảm lượng bã nhờn và giảm độ nhờn của da. Một nghiên cứu cho thấy rằng việc thoa kem có thành phần là dầu argan hai lần mỗi ngày sẽ làm giảm hoạt động của tuyến bã nhờn đáng kể chỉ trong vòng bốn tuần.

3.10. Dầu argan giúp ngăn ngừa và giảm vết rạn da

Rạn da đặc biệt phổ biến khi mang thai, nhưng bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Bôi trực tiếp dầu argan lên vùng bị ảnh hưởng ít nhất hai lần mỗi ngày đã giúp ngăn ngừa và điều trị các vết rạn da ngay từ sớm. Do đó, hãy làm điều này ngay khi bạn bắt đầu thấy các vết rạn da để đạt kết quả tốt nhất.

Dầu dừa và dầu argan là những loại dầu làm đẹp mang lại nhiều lợi ích tiềm năng cho da, bao gồm giảm viêm, trị mụn, giữ ẩm hay giúp chữa lành vết thương. Chúng tương đối an toàn và lành tính. Tuy nhiên, nếu bạn có một làn da nhạy cảm, tốt nhất hãy tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu trước khi bắt đầu sử dụng bất cứ sản phẩm nào lên da.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe