Đau khớp cùng chậu: Những điều cần biết

Bài viết của Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Hạnh Tâm - Bác sĩ gây mê hồi sức và điều trị đau - Khoa Gây mê giảm đau - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Đau khớp cùng chậu là đau vùng thấp thắt lưng và mông. Cơn đau là do tổn thương, chấn thương 1 khớp hoặc 2 khớp giữa cột sống và xương hông phải, trái. Đau khớp cùng chậu có thể giống với các tình trạng khác, chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm hoặc các vấn đề liên quan đến xương hông.

1. Vị trí khớp cùng chậu trên cơ thể

Khớp cùng chậu nằm giữa xương chậu và xương cùng, nối cột sống với hông. Hai khớp cung cấp sự hỗ trợ và ổn định cho cột sống, khung chậu và đóng một vai trò quan trọng trong việc hấp thụ lực tác động khi đi bộ và nâng cơ thể. Nhìn từ phía sau, khớp này nằm dưới thắt lưng, nơi có thể nhìn thấy hai vết lõm, rõ hơn ở phụ nữ.

Xem ngay: Đau do viêm khớp cùng chậu ở nữ giới

2. Nguyên nhân gây đau khớp cùng chậu

Các dây chằng và cơ khỏe hỗ trợ các khớp cùng chậu. Để cơ thể linh hoạt, khớp có vận động ở biên độ thấp. Khi chúng ta già đi, xương và khớp trở nên khô hơn, bớt linh hoạt hơn do thoái hoá, giảm chất nhờn gây nên mòn sụn. Khi sụn bị mòn, xương có thể cọ xát với nhau gây đau. Khớp cùng chậu là một khớp hoạt dịch chứa đầy chất lỏng. Loại khớp này có các đầu dây thần kinh tự do có thể gây đau mãn tính nếu khớp bị thoái hóa hoặc cử động không đúng cách.

Đau khớp cùng chậu có thể từ nhẹ đến nặng tùy theo mức độ và nguyên nhân tổn thương. Theo đó, đau khớp cùng chậu cấp tính xảy ra đột ngột và thường khỏi trong vài ngày đến vài tuần, còn đau khớp cùng chậu mãn tính nếu kéo dài hơn ba tháng. Đau mọi lúc có thể trở nên đau hơn với một số động tác nhất định.

Các nguyên nhân hay gặp như sau:

  • Đau khớp cùng chậu xảy ra khi cử động của xương chậu không đồng bộ ở cả hai bên. Cử động không đều có thể xảy ra khi một chân dài hơn hoặc yếu hơn chân kia, hoặc khi bị viêm khớp ở hông và có các vấn đề về đầu gối.
  • Khi dây chằng quanh khớp quá lỏng lẻo hoặc quá căng do ngã, chấn thương trong công việc, tai nạn xe hơi, mang thai và sau sinh em bé.
  • Sau phẫu thuật khớp háng, cột sống (mở cung sau đốt sống hoặc sau bơm xi măng cột sống).
  • Các bệnh tự miễn như viêm cột sống dính khớp.

Ngoài ra, các tình trạng thay đổi cơ học như mang giày đi bộ sau khi phẫu thuật bàn chân hoặc mắt cá chân, hoặc đi giày dép không phù hợp, có thể dẫn đến thoái hóa xương cùng dẫn đến viêm khớp liên quan.


Đau khớp cùng chậu có biểu hiện đau bắt đầu ở lưng dưới và mông
Đau khớp cùng chậu có biểu hiện đau bắt đầu ở lưng dưới và mông

3. Các biểu hiện đau khớp cùng chậu

Thông thường, người bệnh đau khớp cùng chậu có các biểu hiện như:

  • Đau bắt đầu ở lưng dưới và mông
  • Đau lan xuống hông dưới, bẹn hoặc đùi trên. Thông thường đau ở một bên, nhưng nó có thể xảy ra ở cả hai bên, kèm theo cảm giác tê hoặc ngứa ran ở chân và cảm giác yếu chân.
  • Bệnh nhân bị đau hơn khi ngồi, đứng, ngủ, đi bộ hoặc leo cầu thang. Một số người gặp khó khăn khi ngồi lâu, ngồi xe đường dài, đứng hoặc đi bộ quá lâu.
  • Cơn đau có thể tệ hơn khi thay đổi tư thế đột ngột từ ngồi sang đứng, đứng bằng một chân bên đau hoặc leo cầu thang.

4. Chẩn đoán đau khớp vùng chậu bằng cách nào?

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, các bác sĩ chuyên khoa điều trị đau sẽ hỏi người bệnh, khám bệnh trực tiếp bằng các động tác sờ và nắn khớp để định hướng chẩn đoán.

  • Các xét nghiệm cần thiết hỗ trợ chẩn đoán như chụp X-quang, CT hoặc MRI có thể được chỉ định, đồng thời giúp kiểm tra các vấn đề khác liên quan đến cột sống và khớp háng.
  • Phong bế thần kinh chi phối khớp cùng chậu, vừa giúp giảm đau đồng thời giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác

Tiêm thuốc giảm đau điều trị đau khớp cùng chậu
Tiêm thuốc giảm đau điều trị đau khớp cùng chậu

5. Điều trị đau khớp vùng chậu bằng cách nào?

Viêm khớp cùng chậu có chữa khỏi được không là những vấn đề được nhiều người quan tâm khi xuất hiện các cơn đau vùng chậu. Thực tế, khớp cùng chậu là khớp bán vận động nên xu hướng can thiệp xâm lấn tối thiểu được ưu tiên.

  • Phương pháp không phẫu thuật: Dùng vật lý trị liệu, nắn khớp, thuốc uống, thuốc bôi, cố định khớp bằng băng dán.
  • Tiêm thuốc giảm đau, chống viêm vào khớp cùng chậu. Việc tiêm này có thể tiêm lặp lại mỗi 6 tháng nếu cơn đau tái phát. Thủ thuật được làm tại Phòng khám đau của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City và người bệnh có thể về nhà sau thủ thuật 1 tiếng.
  • Áp đông hoặc đốt thần kinh chi phối khớp cùng chậu, làm gián đoạn dẫn truyền thần kinh từ chỗ đau qua tủy sống, lên não giúp giảm đau.
  • Phương pháp phẫu thuật: Ghép xương hoặc dụng cụ nhân tạo giúp vững khớp.

6. Phòng ngừa đau khớp vùng chậu như thế nào?

Các cơn đau làm giảm chất lượng cuộc sống. Vì thế, sau quá trình điều trị người bệnh phải có chiến lược để giảm thiểu sự tái phát cơn đau. Vậy người bệnh cần lưu ý:

  • Kỹ thuật nâng vật nặng đúng cách
  • Tư thế tốt khi ngồi, đứng, di chuyển và ngủ
  • Tập thể dục thường xuyên với kéo giãn
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng tốt, cân nặng khỏe mạnh, khối lượng cơ thể nạc
  • Giảm căng thẳng và thư giãn: thiền hoặc yoga đúng cách
  • Không hút thuốc

Đau khớp cùng chậu khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, gây bất lợi và làm giảm chất lượng cuộc sống. Biểu hiện đau khớp vùng chậu rất rõ ràng. Vì thế, khi thấy xuất hiện các dấu hiệu này, người bệnh nên đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe