Đau họng ở trẻ em: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Hồ Thị Anh Thư - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Đau họng ở trẻ em là một vấn đề thường gặp trong thời thơ ấu, thường do nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Mặc dù đau họng thường tự khỏi và không có biến chứng. Đôi khi cần điều trị bằng thuốc kháng sinh. Có một số bệnh lý ít gặp gây đau họng, tuy nhiên bệnh nặng hoặc thậm chí đe dọa tính mạng.

1. Nguyên nhân đau họng ở trẻ em

Nguyên nhân gây đau họng ở trẻ phụ thuộc vào độ tuổi, mùa và khu vực nơi sinh sống của trẻ. Virus là nguyên nhân hàng đầu gây đau họng, vi khuẩn cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp. Vi khuẩn và virus lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc bằng tay. Tay bị nhiễm bẩn khi người bệnh chạm vào mũi hoặc miệng của họ và sau đó chạm trực tiếp vào người khác (tiếp xúc tay với tay) hoặc gián tiếp (chạm tay vào đồ vật, chẳng hạn như tay nắm cửa, điện thoại, đồ chơi).

Rất khó để xác định nguyên nhân gây đau họng nếu chỉ dựa trên các triệu chứng; hầu hết các trường hợp nên được bác sĩ thăm khám và xét nghiệm nếu cần để tìm nguyên nhân.

Virus

  • Có nhiều loại virus có thể gây đau và sưng họng. Phổ biến nhất gồm virus gây viêm đường hô hấp trên, chẳng hạn như cảm lạnh. Các virus khác gây đau họng bao gồm cúm, enterovirus, virus adenovirus và virus Epstein-Barr (nguyên nhân gây ra bệnh tăng bạch cầu đơn nhân).
  • Các triệu chứng có thể xảy ra khi bị nhiễm virus bao gồm chảy nước mũi và nghẹt mũi, kích ứng hoặc đỏ mắt, ho, khàn giọng, đau nhức ở vòm miệng, phát ban trên da hoặc tiêu chảy. Ngoài ra, trẻ bị nhiễm virus có thể bị sốt.

Liên cầu nhóm A

  • Group A streptococcus (GAS) là tên của vi khuẩn gây ra bệnh viêm họng liên cầu khuẩn. Mặc dù các vi khuẩn khác có thể gây đau họng, liên cầu nhóm A vẫn là nguyên nhân phổ biến nhất. Viêm họng thường xảy ra vào mùa đông và đầu xuân, phổ biến nhất ở trẻ em trong độ tuổi đi học và anh chị em của trẻ.
  • Viêm họng liên cầu thường gặp trẻ trên ba tuổi. Triệu chứng thường xuất hiện đột ngột bao gồm sốt (nhiệt độ ≥100,4 ° F hoặc 38 ° C), nhức đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Các triệu chứng khác có thể bao gồm sưng hạch ở cổ, các mảng mủ trắng ở sau hoặc hai bên cổ họng, các nốt đỏ nhỏ trên vòm miệng và sưng nề lưỡi gà.

2. Chẩn đoán đau họng ở trẻ


Hầu hết trường hợp đau họng do virus gây ra và không cần điều trị. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần nhận ra và điều trị trẻ bị viêm họng để ngăn lây lan bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra do liên cầu khuẩn nhóm A (ví dụ như sốt thấp khớp).

Phụ huynh khó biết được đau họng của con mình do vi khuẩn hay virus. Phụ huynh cần liên hệ nhân viên y tế để xác định xem trẻ có cần được khám hay không, đặc biệt nếu có một hoặc nhiều hơn các dấu hiệu sau đây:

  • Nhiệt độ ≥101 ° F hoặc 38,3 ° C
  • Cuối mùa thu, mùa đông hoặc đầu mùa xuân
  • Trẻ không bị ho
  • Tuổi của trẻ từ 5 đến 15 tuổi
  • Gần đây có tiếp xúc với người bị viêm họng do liên cầu khuẩn
  • Khó thở hoặc khó nuốt
  • Giọng nói của trẻ nghe có vẻ bị bóp nghẹt
  • Cứng cổ hoặc khó mở miệng
  • Phụ huynh có thắc mắc hoặc lo lắng về các triệu chứng của trẻ

Đau họng ở trẻ có thể xuất hiện sốt cao
Đau họng ở trẻ có thể xuất hiện sốt cao

Cận lâm sàng (xét nghiệm)

Nếu bác sĩ nghi ngờ trẻ có thể bị viêm họng do liên cầu khuẩn, xét nghiệm có thể cần để xác định chẩn đoán. Nếu trẻ không có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của viêm họng liên cầu, thường không cần xét nghiệm.

Có hai loại xét nghiệm chính hiện có để chẩn đoán viêm họng: xét nghiệm nhanh bằng phết họng và xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn. Cả hai xét nghiệm đều cần ngoáy họng trẻ.

Xét nghiệm nhanh có kết quả nhanh chóng, thường trong vòng vài phút. Kết quả nuôi cấy không có kết quả trong 24 đến 48 giờ. Xét nghiệm tốt nhất phụ thuộc vào tình trạng của từng trẻ và thời gian trả kết quả.

Nếu xét nghiệm nhanh hoặc nuôi cấy dương tính với liên cầu khuẩn, trẻ sẽ được điều trị bằng kháng sinh. Đối với hầu hết xét nghiệm nhanh có kết quả âm tính, phải cấy dịch họng để xác định không có liên cầu khuẩn.

3. Điều trị đau họng ở trẻ

Điều trị đau họng tùy thuộc vào nguyên nhân. Viêm họng do liên cầu cần điều trị bằng thuốc kháng sinh, trong khi viêm họng do virus điều trị bằng nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau và các biện pháp khác để giảm triệu chứng.

Viêm họng do liên cầu khuẩn

  • Viêm họng thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh, như penicillin, hoặc thuốc kháng sinh tương tự như penicillin (ví dụ: amoxicillin). Trẻ bị dị ứng với penicillin sẽ được dùng kháng sinh thay thế. Thuốc kháng sinh thường được dùng ở dạng thuốc viên hoặc dạng lỏng, hai hoặc ba lần mỗi ngày.
  • Trẻ em được điều trị bằng kháng sinh trước 5:00 chiều không có khả năng lây nhiễm vào sáng hôm sau. Bác sĩ có thể cho phép trẻ đi học vào ngày hôm sau nếu trẻ cảm thấy khỏe hơn và không còn sốt. Tuy nhiên, điều quan trọng là trẻ phải kết thúc toàn bộ quá trình điều trị (thường là 10 ngày). Nếu trẻ không cải thiện hoặc xấu đi trong vòng ba ngày, trẻ cần tái khám lại.
  • Đau họng có thể được điều trị bằng thuốc giảm đau không kê đơn, nếu cần.
  • Ngoài ra, cha mẹ nên theo dõi tình trạng mất nước của trẻ, tình trạng này có thể tiến triển nặng nếu trẻ không chịu uống hoặc ăn do viêm họng.

Đau họng do virus

  • Đau họng do nhiễm virus thường kéo dài từ 4 đến 5 ngày. Trong thời gian này, phương pháp điều trị giảm đau có thể có ích nhưng sẽ không giúp loại bỏ virus. Thuốc kháng sinh không giúp cải thiện tình trạng đau họng do virus gây ra và không được khuyến khích.
  • Một đứa trẻ bị nhiễm virus thường được phép trở lại trường học khi không bị sốt trong 24 giờ và trẻ cảm thấy đủ khỏe để đi học.

Thuốc giảm đau

  • Đau họng có thể được điều trị bằng thuốc giảm đau nhẹ như acetaminophen (biệt dược: Tylenol) hoặc thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen (biệt dược: Advil, Motrin).
  • Acetaminophen có thể được dùng mỗi 4 đến 6 giờ khi cần thiết nhưng không được dùng quá 5 lần trong khoảng thời gian 24 giờ. Acetaminophen không nên được sử dụng cho trẻ em dưới 3 tháng tuổi mà không có ý kiến ​​của bác sĩ. Liều acetaminophen nên được tính dựa trên cân nặng của trẻ 10-15mg/kg/lần (không dựa vào độ tuổi).
  • Ibuprofen có thể dùng mỗi sáu giờ. Ibuprofen không nên được sử dụng cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Liều ibuprofen nên được tính dựa trên cân nặng của trẻ 5-10mg/kg/lần (không dựa vào độ tuổi).
  • Aspirin không được khuyến cáo cho trẻ em <18 tuổi do nguy cơ diễn tiến bệnh nặng như hội chứng Reye.

Trẻ đau họng có thể dùng thuốc theo y lệnh của bác sĩ
Trẻ đau họng có thể dùng thuốc theo y lệnh của bác sĩ

Theo dõi tình trạng mất nước

  • Một số trẻ bị đau họng ngại uống hoặc ăn do đau. Uống ít chất lỏng hơn có thể dẫn đến mất nước. Để giảm nguy cơ mất nước, cha mẹ có thể cho trẻ uống nước ấm hoặc lạnh.
  • Các dấu hiệu và triệu chứng của mất nước nhẹ bao gồm miệng hơi khô, tăng cảm giác khát và giảm lượng nước tiểu (ít hơn 1 lần tã ướt hoặc không đi tiểu trong 6 giờ). Các dấu hiệu của mất nước vừa hoặc nặng bao gồm giảm lượng nước tiểu (ít hơn một tã ướt hoặc không đi tiểu trong 6 giờ), khóc không nước mắt, khô miệng và trũng mắt.

Súc miệngSúc miệng bằng nước muối là phương pháp quen thuộc lâu đời để giảm đau cổ họng. Không rõ liệu phương pháp điều trị này có hiệu quả hay không, nhưng nó không gây hại. Bạn có thể pha 1/4 đến 1/2 thìa cà phê muối cho mỗi cốc (8 ounce [khoảng 240 mL]) nước ấm. Nước nên được súc miệng và sau đó nhổ ra (không được nuốt). Trẻ dưới 6 tuổi thường không thể súc miệng đúng cách.Thuốc xịtThuốc xịt chứa thuốc gây tê tại chỗ có thể điều trị đau họng. Tuy nhiên, thuốc xịt không hiệu quả hơn việc ngậm kẹo cứng. Ngoài ra, thành phần gây tê phổ biến là benzocain có thể gây ra các phản ứng dị ứng. Không khuyến khích dùng thuốc xịt họng cho trẻ em.

Kẹo ngậm

Nhiều loại thuốc ngậm cổ họng giảm khô họng hoặc đau họng. Tuy nhiên, không khuyên dùng viên ngậm họng cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi,vì trẻ có thể bị sặc hoặc nghẹn. Trẻ trên 5 tuổi khi ngậm kẹo ít nguy cơ mắc nghẹn hơn.

Các biện pháp can thiệp khác

Các biện pháp can thiệp khác bao gồm nhấm nháp đồ uống ấm (ví dụ, mật ong hoặc trà chanh, súp gà), đồ uống lạnh, hoặc ăn các món tráng miệng lạnh hoặc đông lạnh (ví dụ: kem, kem que). Những phương pháp điều trị này an toàn cho trẻ em. Không nên cho trẻ dưới 12 tháng uống mật ong vì nguy cơ ngộ độc botulism.

Các phương pháp khác

Cửa hàng thực phẩm chăm sóc sức khỏe, cửa hàng bán vitamin và các trang web có thể cung cấp phương pháp điều trị thay thế để giảm đau họng. Chúng tôi không khuyến nghị các phương pháp điều trị này vì nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu/thuốc diệt cỏ, thông tin ghi nhãn và liều lượng không chính xác, và thiếu các nghiên cứu cho thấy rằng các phương pháp điều trị này an toàn và hiệu quả.

4. Phòng ngừa đau họng ở trẻ em

Rửa tay là một cách cần thiết và hiệu quả cao để ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng. Cần làm ướt tay bằng nước và xà phòng thường và chà xát với nhau trong vòng 15 đến 30 giây. Cần đặc biệt chú ý đến móng tay, kẽ ngón tay và cổ tay. Nên rửa tay thật sạch và lau khô bằng khăn.


Rửa tay giúp phòng tránh tình trạng đau họng ở trẻ
Rửa tay giúp phòng tránh tình trạng đau họng ở trẻ

Nước rửa tay khô có cồn là giải pháp thay thế tốt để khử trùng tay nếu không có bồn rửa tay. Nên thoa đều tay lên toàn bộ bề mặt bàn tay, ngón tay, cổ tay cho đến khi khô và có thể dùng nhiều lần. Có thể sử dụng nhiều lần mà không gây kích ứng da hoặc mất tác dụng. Khi có bồn rửa, trẻ nên rửa tay sạch bằng nước và xà phòng.

Cần rửa tay sau khi ho, xì mũi hoặc hắt hơi. Mặc dù không phải lúc nào trẻ cũng có thể hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh, nhưng việc lây nhiễm bệnh có thể được ngăn ngừa nếu tránh chạm vào mắt, mũi hoặc miệng.

Ngoài ra, nên dùng khăn giấy để che miệng khi hắt hơi hoặc ho. Những khăn giấy đã sử dụng này nên được vứt bỏ ngay lập tức. Hắt hơi/ho vào ống tay áo (ở khuỷu tay bên trong) là cách để chắn nước bọt và dịch tiết ra và có ưu điểm là không làm ô nhiễm bàn tay.

Khi nào cần khám bác sĩ

Khi trẻ có các biểu hiện dưới đây, cần đưa trẻ đi khám ngay:

  • Khó nuốt hoặc khó thở
  • Chảy nhiều nước dãi ở trẻ nhỏ
  • Nhiệt độ ≥101 ° F hoặc 38,3 ° C
  • Sưng cổ
  • Không có khả năng hoặc không muốn uống hoặc ăn
  • Giọng nói bị bóp nghẹt
  • Khó mở miệng
  • Cổ cứng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe