Viêm tai giữa cấp tính là bệnh nhiễm trùng ở tai giữa mà nguyên nhân là do vi khuẩn hoặc virus gây nên. Viêm tai giữa cấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên trẻ em thường là đối tượng dễ bị viêm tai giữa nhất. Viêm tai giữa cấp tính nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ trở thành viêm tai giữa nặng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
1. Viêm tai giữa cấp tính là gì?
Viêm tai giữa cấp tính là bệnh nhiễm trùng ở tai giữa mà nguyên nhân là do vi khuẩn hoặc virus gây nên, bệnh thường đi cùng với viêm đường hô hấp trên. Các triệu chứng tại chỗ bao gồm: đau tai, chảy dịch tai và triệu chứng toàn thân như: sốt, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, biếng ăn.
Vậy lứa tuổi nào dễ bị mắc bệnh viêm tai giữa cấp tính? Viêm tai giữa cấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên trẻ em thường là đối tượng dễ bị viêm tai giữa nhất, lứa tuổi dễ bị viêm tai giữa ở trẻ là từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi. Vì ở tuổi này vòi Eustache có cấu trúc và chức năng chưa trưởng thành.
Bệnh viêm tai giữa cấp xảy ra trong thời gian dưới ba tuần.
2. Viêm tai trong là gì?
Có 3 loại viêm tai đó là:
- Viêm tai ngoài
- Viêm tai giữa
- Viêm tai trong
Trong đó viêm tai trong là một tình trạng bệnh lý hiếm gặp. Bệnh nhân mắc bệnh viêm tai trong có thể bị ảnh hưởng đến sự cân bằng và thính giác. Viêm tai trong được chia làm 2 loại theo nguyên nhân gây bệnh đó là:
Viêm tai trong do virus
Phần lớn các trường hợp bị mắc bệnh viêm tai trong là do nhiễm virus, ví dụ như cảm lạnh hoặc người bệnh bị cúm, viêm tai giữa lan sang tai trong. Các triệu chứng của viêm tai trong do virus bao gồm: chóng mặt đột ngột, buồn nôn, nôn ói, người bệnh có thể bị mất thính lực
Viêm tai trong do vi khuẩn
Viêm tai trong do vi khuẩn thường là do kết quả của viêm tai giữa mạn tính, do vi khuẩn ở tai giữa xâm nhập vào tai trong. Ở bệnh nhân mắc viêm tai giữa mạn tính tình trạng dịch tích tụ ở đây sẽ tiến triển đến tai trong và dẫn đến viêm tai trong. Các triệu chứng của viêm tai trong bao gồm:
- Chóng mặt nhẹ thoáng qua
- Buồn nôn, nôn ói
- Khi viêm tai trong có mủ các triệu chứng của bệnh sẽ tiến triển nặng hơn bao gồm các triệu như sau:
- Chóng mặt nặng hơn, nghiêm trọng hơn
- Buồn nôn, nôn ói nhiều
- Rung giật nhãn cầu
- Bệnh nhân bị ù tai, giảm hoặc mất thính lực
3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của bệnh viêm tai giữa cấp tính
Có 2 nguyên nhân gây bệnh viêm tai giữa cấp tính đó là:
- Viêm tai giữa cấp tính do virus: virus hợp bào hô hấp, influenza virus,...
- Viêm tai giữa cấp tính do vi khuẩn: Streptococcus pneumoniae, vi khuẩn kỵ khí, Haemophilus influenzae, do các nhiễm khuẩn lây qua đường hô hấp như sởi, cúm,...
Các yếu tố nguy cơ của bệnh viêm tai giữa cấp tính cụ thể như sau:
- Gia đình có người hút thuốc lá
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh viêm tai giữa
- Trẻ bú mẹ ít có nguy cơ bị viêm tai giữa hơn trẻ bú bình
4. Triệu chứng của bệnh viêm tai giữa cấp
Triệu chứng toàn thân:
- Trẻ quấy khóc, bứt rứt, bỏ bú, biếng ăn, nôn trớ, rối loạn tiêu hóa, trẻ đi ngoài phân sống, phân lỏng, nhiều lần.
- Sốt, trẻ thường sốt cao 39-40 độ C.
- Triệu chứng tại chỗ:
- Trẻ lớn sẽ than phiền là đau tai nhưng với trẻ nhỏ hơn sẽ hay kéo mạnh tai, khó chịu, cáu kỉnh, khóc nhiều hơn bình thường, khi sờ vào tai sẽ làm trẻ khóc thét lên.
- Chảy mủ tai.
- Giảm thính lực.
- Qua thăm khám nội soi thấy màng nhĩ đỏ, phồng, không rõ cấu trúc bình thường, mất tam giác sáng, có mủ trong ống tai.
5. Viêm tai giữa cấp tính có nguy hiểm không?
Viêm tai giữa cấp tính nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ trở thành viêm tai giữa nặng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ, các biến chứng của bệnh viêm tai giữa cấp cụ thể như sau:
- Giảm hoặc mất thính lực
- Viêm xương đá, viêm xương chũm cấp
- Viêm mê nhĩ
- Viêm tai trong, liệt mặt do liệt dây thần kinh số VII.
- Viêm màng não
- Xơ nhĩ, thủng màng nhĩ
- Áp xe não, áp xe ngoài màng cứng, huyết khối xoang tĩnh mạch 2 bên.
- Viêm tai giữa mạn tính
6. Điều trị viêm tai giữa cấp tính
Điều trị nội khoa trên bệnh nhân viêm tai giữa cấp tính:
- Thuốc giảm đau, hạ sốt khi cần thiết như: acetaminophen, ibuprofen liều lượng dựa trên liều được sử dụng cho từng lứa tuổi.
- Rửa mũi hàng ngày cho trẻ bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9%.
- Thuốc kháng histamin giúp giảm tiết dịch vùng mũi họng. Thận trọng sử dụng thuốc kháng histamin ở trẻ nhỏ.
- Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ, kháng sinh nên được sử dụng dựa trên độ tuổi của người bệnh, mức độ nghiêm trọng của viêm tai giữa trên bệnh nhân và phải có sự theo dõi.
- Liệu trình điều trị viêm tai giữa cấp khoảng 10 ngày. Bệnh nhân cần phải tuân thủ theo đúng liệu trình điều trị của bác sĩ.
Điều trị ngoại khoa:
Trích rạch màng nhĩ, lấy bệnh phẩm cấy vi trùng. Cần tránh để màng nhĩ thủng tự phát. Trong quá trình điều trị cần phải theo dõi sát triệu chứng lâm sàng, thính lực, hình ảnh màng nhĩ của người bệnh cho đến khi bình thường.
7. Chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa cấp tính như thế nào?
- Vệ sinh tai cho trẻ: Khi tai trẻ chảy mủ, dùng tăm bông nhẹ nhàng lau tai cho trẻ, không đưa sâu làm tổn thương tai của trẻ. Tuyệt đối không được nhỏ bất kì dung dịch nào vào tai của trẻ nếu không có chỉ định của bác sĩ.
- Dùng nước muối sinh lý NaCl 0,9% rửa mũi cho trẻ, hướng dẫn trẻ lớn hơn xì mũi ra.
- Vệ sinh lưỡi, miệng hàng ngày cho trẻ. Cho trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9%
- Trẻ bị viêm tai giữa thường biếng ăn, bú kém, rối loạn tiêu hóa vì vậy nên cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, lỏng, dễ tiêu, chia nhiều bữa nhỏ trong ngày, cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau xanh.
Bên cạnh đó để phòng ngừa viêm tai giữa cấp cha mẹ nên:
- Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ
- Vệ sinh mũi họng, phòng ngừa viêm đường hô hấp trên.
- Điều trị dứt điểm tình trạng viêm đường hô hấp trên, cúm, sởi...
- Nâng cao sức đề kháng bằng cách: bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, tập luyện thể dục thể thao.
- Giữ vệ sinh môi trường sống, tránh bụi bặm.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.