Bệnh viêm kết mạc dị ứng ở trẻ em thường xảy ra vào thời điểm giao mùa hoặc khi trẻ tiếp xúc với các dị nguyên gây kích ứng như lông động vật, mạt bụi trong gia đình, nấm mốc,... Việc nhận biết sớm các dấu hiệu viêm kết mạc dị ứng ở trẻ em sẽ giúp cha mẹ có biện pháp điều trị đúng đắn và hiệu quả, nhờ đó bảo vệ cho đôi mắt trẻ luôn sáng khỏe.
1. Viêm kết mạc dị ứng ở trẻ em là bệnh gì?
Viêm kết mạc dị ứng là tình trạng lớp màng mỏng che phủ ở bên ngoài và bên trong mí mắt (kết mạc) bị viêm đỏ do tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng, chẳng hạn như phấn hoa, nấm mốc, mạt bụi, lông vật nuôi, đồ trang điểm mắt, nước hoa,... Theo chuyên gia cho biết, bệnh viêm kết mạc dị ứng ở trẻ em được chia thành 2 loại chính, bao gồm:
- Viêm kết mạc dị ứng theo mùa: Tình trạng này thường xảy ra trong những tháng mùa hè và mùa xuân, đôi khi vào mùa thu. Trẻ em bị viêm kết mạc dị ứng theo mùa thường bắt nguồn từ sự tiếp xúc với các tác nhân như cỏ, phấn hoa hoặc những chất gây dị ứng khác trong không khí.
- Viêm kết mạc dị ứng lâu năm: Đây là tình trạng viêm kết mạc dị ứng tồn tại quanh năm, thường được kích hoạt bởi những chất gây dị ứng trong nhà như bụi, lông động vật hoặc bào tử nấm mốc.
Mặc dù tình trạng viêm kết mạc dị ứng ở trẻ em không lây nhiễm, tuy nhiên căn bệnh về mắt này thường khiến người mắc phải cảm thấy khó chịu và ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt hằng ngày.
2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm kết mạc dị ứng ở trẻ em
Khi mắt trẻ tiếp xúc với các chất gây dị ứng, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ phản ứng quá mức và tiết ra chất histamin. Chất này sẽ kích thích các mạch máu trong kết mạc sưng lên, dẫn đến những triệu chứng như ngứa, đỏ và chảy nước mắt. Dưới đây là những nguyên nhân chính khiến trẻ em bị viêm kết mạc dị ứng, bao gồm:
- Phấn hoa: Đây được xem là tác nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng viêm kết mạc dị ứng ở trẻ em. Phấn hoa thường nhỏ, khó nhìn và có thể gây ra các triệu chứng dị ứng nếu tiếp xúc với mắt trẻ. Những hạt phấn này cũng là nguyên nhân kích hoạt bệnh sốt cỏ khô. Các triệu chứng viêm kết mạc dị ứng sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu trong không khó có mật độ phấn hoa lớn. Thông thường, lượng phấn hoa sẽ tăng cao hơn trong những ngày khô, nóng và nhiều gió.
- Tác nhân trong nhà: Tình trạng viêm kết mạc dị ứng có thể bắt nguồn từ những tác nhân khác trong môi trường sinh hoạt gia đình như lông động vật, nấm mốc, mạt bụi, chất hoá học, nước tẩy rửa, nước hoa,...
3. Các dấu hiệu nhận biết bệnh viêm kết mạc dị ứng ở trẻ em
Khi bị mắc viêm kết mạc dị ứng, trẻ thường có các biểu hiện điển hình dưới đây:
- Ngứa mắt dữ dội hoặc bỏng mắt.
- Mí mắt sưng húp, thể hiện rõ nhất vào buổi sáng.
- Đỏ mắt.
- Chảy nước mắt hoặc tiết dịch mắt.
- Mắt trở nên nhạy cảm với ánh sáng.
- Trẻ có cảm giác rát ở mắt.
- Giãn các mạch máu trong kết mạc mắt.
Những triệu chứng trên có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc cùng lúc với các triệu chứng của tình trạng viêm mũi dị ứng. Theo nghiên cứu cho thấy, các triệu chứng này có xu hướng xuất hiện sau thời gian ngắn trẻ tiếp xúc với các dị nguyên gây dị ứng.
Trẻ em bị viêm kết mạc dị ứng thường có cảm giác rất khó chịu ở cả 2 bên mắt, tuy nhiên các triệu chứng hiếm khi đe doạ đến thị lực, đôi khi trẻ chỉ bị mờ mắt tạm thời. Khác với bệnh đau mắt đỏ, viêm kết mạc dị ứng ở trẻ em không phải là bệnh lý lây nhiễm. Tuy vậy, các tình trạng như ngứa rát, đỏ mắt hoặc sưng mí mắt nếu không được điều trị sớm sẽ khiến trẻ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng và mắc những tình trạng khác gây ảnh hưởng lớn đến thị lực.
Nếu tình trạng viêm kết mạc dị ứng ở trẻ em không được điều trị kịp thời, chất lượng cuộc sống cũng như sức khoẻ của trẻ sẽ bị ảnh hưởng lâu dài. Đôi khi, các biến chứng của căn bệnh về mắt này có thể xảy ra, chẳng hạn như viêm kết mạc u nhú khổng lồ, viêm kết mạc da hoặc viêm giác mạc. Đối với biến chứng viêm giác mạc, nó có thể làm hình thành nên các vết loét trên giác mạc, tăng nguy cơ để lại sẹo và gây mất thị lực vĩnh viễn.
4. Phương pháp chẩn đoán viêm kết mạc dị ứng ở trẻ em
Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành khám mắt và đánh giá tiền sử dị ứng của bệnh nhi. Nếu lòng trắng của mắt trẻ có dấu hiệu đỏ và xuất hiện những nốt sưng nhỏ bên trong mí mắt thì đây có thể là biểu hiện cảnh báo bệnh viêm kết mạc dị ứng. Sau đó, bác sĩ có thể đề nghị cho bệnh nhi thực hiện một trong những xét nghiệm dưới đây:
- Xét nghiệm dị ứng da: Để da trẻ tiếp xúc với các chất gây dị ứng cụ thể nhằm kiểm tra các phản ứng của cơ thể và tìm kiếm các dấu hiệu như sưng hoặc đỏ.
- Xét nghiệm máu: Giúp phát hiện xem liệu cơ thể trẻ có đang sản xuất protein hay những kháng thể để tự bảo vệ mình khỏi các chất gây dị ứng như bụi hoặc nấm mốc hay không.
- Lấy mô kết mạc: Giúp kiểm tra các tế bào bạch cầu ái toan có đang được kích hoạt hay không. Nếu nhận thấy sự hiện diện của bạch cầu ái toan cho thấy trẻ có nguy cơ cao bị viêm kết mạc dị ứng.
5. Cách điều trị viêm kết mạc dị ứng ở trẻ em
Hiện nay có nhiều biện pháp giúp điều trị hiệu quả bệnh viêm kết mạc dị ứng ở trẻ em, bao gồm:
Điều trị chăm sóc tại nhà
Các biện pháp điều trị tại nhà có vai trò vô cùng quan trọng, giúp trẻ giảm bớt các triệu chứng khó chịu do viêm kết mạc dị ứng gây ra. Phụ huynh có thể áp dụng thử một số cách sau cho trẻ, bao gồm:
- Tránh để trẻ ra ngoài trời vào giữa buổi sáng và đầu buổi tối, bởi đây là thời điểm mật độ phấn hoa tăng cao nhất.
- Sử dụng máy lọc không khí thay vì quạt bởi quạt có thể hút nấm mốc và phấn hoa từ ngoài trời vào.
- Khi trẻ ở ngoài trời, hãy cho bé đeo kính râm hoặc sử dụng các thiết bị bảo vệ mắt khác nhằm hạn chế nguy cơ tiếp xúc mắt với phấn hoa.
- Thường xuyên giặt bộ đồ giường bằng nước nóng, nhất là gối nhằm hạn chế mạt bụi.
- Sử dụng khăn hoặc giẻ ẩm để lau sàn và lau bụi.
- Khuyến khích trẻ rửa sạch tay sau khi tiếp xúc hoặc vuốt ve động vật.
- Không cho thú cưng vào phòng ngủ của trẻ khi bé đang bị viêm kết mạc dị ứng nhằm ngăn ngừa nguy cơ mắt trẻ tiếp xúc với lông động vật.
- Dọn dẹp sạch sẽ những khu vực ẩm ướt trong nhà, chẳng hạn như tầng hầm, nhà bếp và phòng tắm để loại bỏ nấm mốc.
- Khuyên trẻ không nên dụi mắt ngay cả khi ngứa mắt.
- Khi trẻ tiếp xúc với chất gây dị ứng, bạn cần nhanh chóng dùng khăn ướt hoặc nước để rửa sạch chúng ra khỏi mắt trẻ. Sau đó, chườm mát lên vùng mắt đang sưng ngứa.
Điều trị viêm kết mạc dị ứng ở trẻ em bằng thuốc
Ngoài việc thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà, bạn cũng có thể tham khảo một số loại thuốc theo lời khuyên của bác sĩ để điều trị viêm kết mạc dị ứng cho trẻ. Dưới đây là những loại thuốc mà trẻ em bị viêm kết mạc dị ứng có thể sử dụng:
- Thuốc nhỏ mắt kháng histamin hoặc thuốc nhỏ mắt co mạch giúp giảm cơn đau rát mắt trong vòng vài giờ. Ngoài ra, có thể cho trẻ điều trị viêm kết mạc dị ứng bằng thuốc nhỏ mắt không kê đơn, tuy nhiên chỉ nên dùng trong vòng 2 – 3 ngày, tránh sử dụng kéo dài, vì có thể khiến mắt bị kích ứng trầm trọng hơn.
- Thuốc kháng histamin dạng uống được dùng nếu việc sử dụng thuốc nhỏ mắt không mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, cần trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi cho trẻ dùng thuốc này bởi một số loại thuốc kháng histamin đường uống có nguy cơ gây kích ứng và khô mắt nhiều hơn. Thậm chí, một số loại thuốc thuộc nhóm này còn dẫn đến những tác dụng phụ khó chịu cho trẻ như chóng mặt, buồn ngủ hoặc kích thích.
- Kết hợp sử dụng thuốc kháng histamin với chất ổn định tế bào Mast.
- Thuốc nhỏ mắt chống viêm không steroid.
- Thuốc nhỏ mắt corticosteroid, tuy nhiên thuốc này dễ gây ra các tác dụng phụ, do đó chỉ nên cho trẻ dùng chúng trong thời gian ngắn và dưới sự theo dõi của bác sĩ nhãn khoa.
Mặc dù bệnh viêm kết mạc dị ứng ở trẻ em là tình trạng có thể phòng ngừa và điều trị được. Tuy nhiên, không vì thế mà các bậc phụ huynh lơ là và kém cảnh giác khi trẻ mắc phải căn bệnh về mắt này. Việc điều trị chậm chễ có thể khiến tình trạng viêm kết mạc dị ứng tiến triển trầm trọng hơn, dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho thị lực của trẻ. Vì vậy, cha mẹ hãy trang bị những kiến thức dự phòng và điều trị viêm kết mạc dị ứng cho trẻ để giúp con bảo vệ đôi mắt luôn tinh anh và khỏe mạnh.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.