Dấu hiệu và cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm đường hô hấp trên

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Chung Thị Mộng Thuý - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Trẻ sơ sinh rất dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên đặc biệt là giai đoạn chuyển mùa, tiết trời se lạnh hoặc trẻ môi trường ô nhiễm. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi mắc bệnh cũng gây nhiều biến chứng hơn so trẻ lớn. Do đó việc chăm sóc trẻ sơ sinh khi bệnh viêm hô hấp trên phụ huynh cần phải lưu ý một số điều đặc biệt. Cha mẹ cần phải nắm vững các dấu hiệu của bệnh để phát hiện can thiệp sớm nhằm hạn chế biến chứng nặng và cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm đường hô hấp để giúp con nhanh khỏi bệnh.

1. Bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh là gì?

Hệ hô hấp trong cơ thể con người được xác định bắt đầu từ cửa mũi trước tới các phế nang trong phổi. Đường hô hấp trên bao gồm mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản. Chức năng của hệ hô hấp trên là lấy không khí bên ngoài, làm ẩm, sưởi ấm và lọc không khí trước khi đưa vào phổi. Khi bị viêm trẻ có thể mắc các bệnh như viêm mũi, viêm họng, viêm amygdale, viêm thanh quản, viêm phế quản...

Trong thực tế, một trẻ khỏe mạnh hoàn toàn có thể bị viêm đường hô hấp trên vào bất kỳ độ tuổi hoặc ở bất kỳ thời gian nào trong năm. Thậm chí, một nghiên cứu quan sát đã thống kê rằng hầu hết các trẻ đều bị ít nhất 7 lần cảm lạnh trước ngày sinh nhật đầu tiên. Nếu trẻ ở các lớp trông giữ trẻ, lớp học hay có tiếp xúc với trẻ khác mắc bệnh viêm hô hấp trên thì khả năng lây nhiễm bệnh càng tăng cao.

Trẻ sơ sinh hệ miễn dịch còn kém , đặc biệt trẻ sinh non hoặc trẻ không được bú mẹ vì một bệnh lý đặc biệt của mẹ ( như mẹ bệnh ung thư đang điều trị hóa chất hoặc mẹ bệnh lao tiến triển...) hoặc mẹ không có sữa. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm virus gây bệnh hô hấp (dân gian hay dùng cảm lạnh ).


Trẻ sơ sinh dễ bị viêm đường hô hấp trên
Trẻ sơ sinh dễ bị viêm đường hô hấp trên

2. Các dấu hiệu viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Trẻ sơ sinh bị viêm đường hô hấp trên thường có các triệu chứng chảy mũi, hắt hơi, ngạt mũi, sốt nhẹ, ho ít và nôn trớ ít, khò khè. Đa phần bệnh khởi phát thường nhẹ, trong một số trường hợp, chúng có thể tiến triển nặng hơn, gây viêm đường hô hấp dưới kèm theo. Nếu trẻ bị viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi nặng dần mà không kiểm soát được, có thể dẫn đến suy hô hấp và nguy kịch đến tính mạng.

Triệu chứng viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh đầu tiên thông thường là chảy mũi nước trong suốt, lỏng và lượng ít nhưng về sau nếu có thể bị bội nhiễm kèm theo sẽ chuyển sang đục hơn, đặc hơn và có màu vàng, màu xanh trong vài ngày kế tiếp. Khi trẻ bị bội nhiễm cần đưa trẻ đến bác sĩ kiểm tra thăm khám và can thiệp y tế sớm phòng biến chứng nặng sau này.

Ngoài ra, các triệu chứng viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh có thể có các triệu chứng khác kèm theo như:

● Quấy khóc

● Sốt

● Ho, đặc biệt là vào ban đêm, ho khan hay ho có đờm

● Hắt hơi

● Bú kém hay bỏ bú

● Khó thở, thở nhanh

● Thở khò khè

● Khó ngủ

● Lừ đừ

● Đỏ mắt, chảy nước mắt nhiều


Sốt là một trong các dấu hiệu viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh
Sốt là một trong các dấu hiệu viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh

3. Nguyên nhân gì gây ra viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh?

Trong không khí, có hơn 200 loại virus đang được lưu hành, là tác nhân có thể gây bệnh viêm đường hô hấp trên trẻ sơ sinh. Hầu hết các chủng siêu vi này chủ yếu khởi phát bệnh vào mùa thu – đông và một khi đã nhiễm phải cơ thể trẻ sẽ tạo miễn dịch thụ động giúp trẻ tăng đề kháng ở những lần nhiễm sau.

Tác nhân gây bệnh này có ở mọi nơi trong không khí và rất dễ lây lan bằng đường hô hấp, dịch tiết từ người này qua người khác. Khi một người nhiễm virus, ngay cả có đang biểu hiện bệnh hay không, giọt bắn khi ho, hắt hơi, dịch mũi đều có chứa virus, từ đó gây bệnh cho người khác. Đặc biệt, virus còn có thể tồn tại rất lâu trên các bề mặt như bàn ghế, tay nắm cửa, sàn nhà, đồ chơi. Nói một cách khác, nếu cha mẹ hay người chăm sóc trẻ đang mắc bệnh hay chăm sóc trẻ với đôi bàn tay nhiễm bệnh thì có thể lây bệnh cho trẻ.

Trong sữa mẹ chứa kháng thể IgG, enzyme cùng nhiều dưỡng chất quan trọng khác có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch cho trẻ tạo điều kiện giúp trẻ chống lại bệnh tật, phát triển khỏe mạnh. Đây là hàng rào bảo vệ giúp trẻ tránh được các tác nhân gây bệnh nhiễm siêu vi , vi trùng.

4. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm đường hô hấp trên tại nhà như thế nào?

Vì tác nhân gây bệnh đường hô hấp cho trẻ là do virus nên việc điều trị và chăm sóc chủ yếu làm giảm thiểu triệu chứng, giúp cho trẻ cảm thấy thoải mái hơn, nhanh chóng thuyên giảm các triệu chứng bệnh. Sau đây là các hướng dẫn về những việc cha mẹ, người chăm sóc nên làm và không nên làm:

4.1 Những việc nên làm

● Vệ sinh bàn tay thường xuyên đúng cách với dung dịch sát khuẩn nhanh hay xà phòng dưới vòi nước chảy ít nhất 20 giây khi chăm sóc và sau khi vệ sinh cho trẻ để phòng ngừa viêm đường hô hấp trên lây sang trẻ khác.

● Nâng đầu bé nằm cao hơn phần thân và chân một chút để giúp trẻ thở dễ dàng hơn. Cha mẹ thực hiện bằng một chiếc gối mềm đặt dưới đầu, lót đệm mỏng với cả phần lưng cho trẻ theo dưới xuôi dần đến chân.

● Cung cấp đủ nước, dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Đảm bảo trẻ nhận đủ lượng sữa trong ngày và thậm chí tăng lên 10-20% so nhu cầu hằng ngày nếu trẻ bị sốt hay quấy khóc nhiều, khò khè nghẹt mũi nhiều.

● Giữ thông thoáng vùng mũi họng. Hút chất nhầy trong mũi, họng bé khi nghe trẻ thở khò khè, nghẹt mũi bằng các dụng cụ chuyên dùng cho trẻ sơ sinh. Có thể dùng thêm nước muối sinh lý nếu đàm nhớt đặc để giúp cho chất nhầy loãng ra và dễ thao tác.

● Giữ ẩm không khí bằng máy tạo độ ẩm, giảm kích ứng cho niêm mạc hô hấp, hạn chế tăng tiết, phù nề. Bảo đảm nhiệt độ phòng phù hợp với trẻ, không quá lạnh không quá nóng, trung bình 26-28 độ C

● Mặc quần áo mỏng thoáng nếu trẻ có sốt. Hạ sốt cho trẻ tích cực bằng acetaminophen khi trẻ sốt cao > 38,5 độ với liều lượng tùy vào cân nặng của trẻ. Nếu trẻ quấy khóc hay bị nôn ói, có thể dùng dạng bào chế viên đạn đặt hậu môn. Kết hợp với việc cho trẻ uống thêm nước (nước chín đun sôi, sữa mẹ....) sẽ giúp tình trạng hạ sốt của trẻ mau chóng đạt hiệu quả tốt hơn.


Phụ huynh hạ sốt cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ
Phụ huynh hạ sốt cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ

4.2 Những việc không nên làm

● Tùy tiện cho trẻ uống thuốc kháng sinh. Do kháng sinh không có tác dụng đối với virus nên không có chỉ định dùng để điều trị viêm đường hô hấp trên đơn thuần mà chưa có bằng chứng bội nhiễm. Thậm chí, việc sử dụng kháng sinh bừa bãi sẽ làm tăng khả năng kháng thuốc kháng sinh về sau.

● Không tự ý cho trẻ dùng vượt quá liều hạ sốt khi chưa kiểm soát được. Không bao giờ được dùng aspirin để hạ sốt cho trẻ nhỏ khi không có chỉ định bác sĩ.

● Thuốc chống ho và thuốc cảm lạnh không được dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.

● Không cho trẻ nằm sấp khi ngủ, vì tư thế này sẽ làm tăng nguy cơ tắc nghẽn đường thở, dễ dẫn đến ngưng thở trong lúc ngủ khi trẻ đang bị viêm đường hô hấp.

Tóm lại, viêm đường hô hấp trên với tác nhân là do virus rất thường gặp ở trẻ sơ sinh. Ngay cả những trẻ được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn cũng có khả năng mắc bệnh, mặc dù tỉ lệ nhiễm bệnh thấp hơn trẻ bú sữa công thức do khả năng miễn dịch của chúng tốt hơn. Vì viêm đường hô hấp trên đơn thuần có thể tiến triển thành những bệnh lý nghiêm trọng hơn, cha mẹ cần chăm sóc trẻ đúng cách, theo dõi sát trẻ khi có các dấu hiệu viêm đường hô hấp trên chuyển nặng để đưa trẻ đi khám và được can thiệp kịp thời.

Cha mẹ cũng nên bổ sung thêm một số thực phẩm hỗ trợ có chứa thành phần lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất đồng thời hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, cảm cúm,...

Lysine rất cần thiết đối với sự phát triển của trẻ, Lysine thúc đẩy sản xuất men tiêu hóa để kích thích trẻ ăn ngon hơn và tiêu hóa dễ dàng, hiệu quả, gia tăng chuyển hóa thức ăn, hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng từ thực phẩm.Tăng cường lysine cho bé còn giúp cơ thể tạo kháng thể, phát triển sức đề kháng giúp làm giảm ho, loãng đờm ở trẻ.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe