Thiếu sắt ở trẻ là một trong những vấn đề đang nhận được sự quan tâm từ nhiều bậc phụ huynh. Khi bị thiếu máu thiếu sắt, cơ thể trẻ sẽ trở nên suy nhược, xanh xao và dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe nghiêm trọng khác. Việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa thiếu sắt ở trẻ ngay từ sớm sẽ giúp bé phát triển khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
1. Sắt có vai trò gì trong cơ thể trẻ?
Sắt được xem là một trong 3 vi chất quan trọng của cơ thể, ngoài vitamin A và i-ốt. Theo nghiên cứu cho thấy, sắt giữ nhiều chức năng thiết yếu như:
- Kết hợp cùng protein giúp tạo nên huyết sắc tố Hemoglobin nhằm vận chuyển lượng oxy cần thiết từ phổi đến các cơ quan khác trong cơ thể.
- Sắt tham gia vào quá trình hình thành nên sắc tố hô hấp của cơ (Myoglobin).
- Tham gia vào quá trình cấu tạo nên nhiều enzyme hệ miễn dịch.
- Sắt đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển trí não của trẻ nhỏ, đồng thời giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các vi khuẩn gây hại.
Nếu cơ thể không nhận đủ sắt, trẻ sẽ có nguy cơ gặp phải các rối loạn về tâm thần và vận động. Ngoài ra, thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển thể chất cũng như tinh thần của trẻ. Bởi vậy, việc nhận biết kịp thời các dấu hiệu trẻ thiếu sắt sẽ giúp ngăn ngừa đáng kể những hệ lụy sức khoẻ trên.
2. Nhận biết dấu hiệu trẻ thiếu sắt
Khi trẻ bị thiếu sắt, bé sẽ có các biểu hiện đặc trưng sau:
- Cơ thể xanh xao, thấy rõ nhất ở trên vành tai, lòng bàn tay, bàn chân hoặc niêm mạc họng.
- Trẻ thường xuyên có triệu chứng mệt mỏi hoặc chậm chạp.
- Kết mạc mắt trông nhợt nhạt.
- Trẻ thường xuyên buồn ngủ và kém tập trung.
- Vận động kém hơn so với những đứa trẻ cùng lứa tuổi.
- Rối loạn tiêu hoá hoặc sụt cân.
- Trẻ dễ mắc phải một số bệnh lý nhiễm trùng.
- Trẻ dễ cáu gắt hoặc trí nhớ kém.
- Khi thiếu sắt nặng, trẻ thường có biểu hiện chóng mặt, hoa mắt, khó thở khi gắng sức, tăng nhịp tim hoặc sưng ở bàn tay và chân.
- Một số trẻ gặp phải hội chứng Pica khi thiếu sắt, dễ ăn những chất lạ như sơn, đất sét, chất bụi bẩn,... Điều này khiến trẻ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng, ngộ độc chì và gặp phải một số biến chứng khác.
- Đau nhức trong xương, dễ rụng tóc hoặc bạc tóc.
3. Nguyên nhân nào gây thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em?
Thực tế, tình trạng thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
- Trẻ bị sinh non, sinh thiếu cân hoặc sinh đôi thường khó nhận đủ lượng chất sắt được cung cấp qua nhau thai.
- Trẻ sơ sinh bị thiếu sắt do lượng sắt cung cấp qua đường sữa mẹ không đủ.
- Trẻ uống sữa công thức thay vì sữa mẹ, tuy nhiên không bổ sung đầy đủ lượng sắt.
- Trẻ ăn bột bị thiếu hụt các thức ăn có nguồn gốc từ động vật.
- Khả năng hấp thu sắt kém do trẻ gặp phải một số tình trạng như tiêu chảy kéo dài, rối loạn hấp thu, thiểu toan dạ dày hoặc dị dạng dạ dày ruột.
- Trẻ đến tuổi dậy thì có nhu cầu sắt cao tuy nhiên không được cung cấp đầy đủ.
- Trẻ bị mất máu quá nhiều dẫn đến thiếu sắt, chẳng hạn như mất máu do xuất huyết đường tiêu hoá hoặc thương tích.
4. Các xét nghiệm chẩn đoán thiếu sắt ở trẻ
Để xác định rõ liệu trẻ có đang bị thiếu sắt hay không, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán sau:
- Tổng phân tích tế bào máu của trẻ.
- Xét nghiệm nồng độ sắt huyết thanh hoặc Ferritin huyết thanh.
- Xét nghiệm tổng khả năng liên kết sắt hoặc Transferrin.
- Xét nghiệm máu trong phân.
- Xét nghiệm nước tiểu tìm hemoglobin hoặc máu.
5. Cần làm gì khi trẻ có dấu hiệu thiếu sắt?
Khi nhận thấy có bất kỳ dấu hiệu thiếu sắt ở trẻ, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến khám bác sĩ để sớm có biện pháp điều trị. Nhằm xử trí thành công tình trạng thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em, bác sĩ có thể đề nghị bổ sung lượng sắt phù hợp cho trẻ. Quá trình để trẻ hồi phục trở về trạng thái bình thường sẽ mất ít nhất 6 tháng.
Ngoài ra, trong thời gian bổ sung chất sắt cho trẻ, bạn cần lưu ý một số khuyến cáo sau:
- Không tự ý mua thuốc điều trị thiếu sắt cho trẻ ở bên ngoài khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Điều này có thể khiến trẻ gặp phải các tác dụng phụ ngoại ý khi nạp sắt sai cách hoặc bổ sung lượng sắt dư thừa.
- Nên bổ sung sắt cho trẻ trong khoảng thời gian dạ dày còn trống hoặc lúc trẻ đói nhằm thúc đẩy quá trình hấp thu sắt hiệu quả hơn.
- Không nên cho trẻ uống chung sữa với sắt vì điều này có thể làm giảm khả năng hấp thu sắt của cơ thể.
- Tăng cường bổ sung cho bé các loại thực phẩm giàu vitamin C như bưởi, ổi, cam hoặc quýt,... nhằm giúp trẻ hấp thu sắt hiệu quả hơn.
- Đưa bé đi khám dinh dưỡng ngay nếu việc điều trị thiếu sắt tại nhà không mang lại hiệu quả. Bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân lên phác đồ điều trị dinh dưỡng khoa học và phù hợp nhất.
6. Cách phòng ngừa nguy cơ thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em
Để phòng ngừa tình trạng thiếu sắt và đảm bảo phát triển toàn diện, trẻ cần được cung cấp đầy đủ chất sắt ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Sau khi sinh, lượng sắt mà trẻ hấp thu sẽ đến chủ yếu từ nguồn sữa mẹ. Vì vậy, trong khoảng thời gian cho con bú, các bà mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng thường ngày của mình để giúp trẻ nạp được lượng sắt cần thiết.
Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên có thể kết hợp cả bú mẹ và ăn dặm hợp lý nhằm bổ sung nhu cầu sắt đầy đủ. Ở trẻ lớn hơn, bữa ăn cần có đủ cả về chất lượng và số lượng, nhất là những thực phẩm giàu chất sắt. Mỗi ngày, khẩu phần ăn của bé cần đa dạng các loại thực phẩm chứa nhiều sắt có nguồn gốc từ động vật như thịt lợn, thịt bò, gan gà, sữa, trứng, cua, tôm, ốc, cá,... Hầu hết các loại thực phẩm này đều có nguồn chất sắt dồi dào với tỷ lệ hấp thu cao, hơn nữa đây cũng là nguồn cung cấp chất đạm rất tốt cho trẻ.
Bên cạnh đó, trẻ cũng cần tích cực bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như các loại họ đậu, sữa đậu nành, đậu phụ, đậu đen, đậu xanh, lạc hoặc vừng. Muốn trẻ hấp thu sắt tối ưu nhất, bạn cần bổ sung cho bé những thực phẩm giàu vitamin C, bao gồm rau muống, rau ngót, quả đậu, mồng tơi, đu đủ, cam, chuối hoặc bưởi.
Không chỉ chú trọng đến chế độ dinh dưỡng, để phòng ngừa thiếu sắt ở trẻ, bạn cần cho bé tẩy giun định kỳ. Ngoài ra, môi trường sống cũng như khâu vệ sinh ăn uống của trẻ cũng cần thực hiện thận trọng nhằm phòng tránh nguy cơ trẻ bị nhiễm giun móc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.