Lần đầu có kinh nguyệt có thể làm nhiều bạn trẻ bối rối. Tuy nhiên, bạn nên hiểu đây là kết quả của sự phát triển sinh lý bình thường trong cơ thể con người. Hãy thư giãn và học cách làm quen, nhận biết các hiệu sắp có kinh lần đầu để biết cách xử trí kịp thời.
1. Dấu hiệu sắp có kinh lần đầu
Dấu hiệu sắp có kinh nguyệt lần đầu có thể không có với một số người, khi hoàn toàn không có biểu hiện gì khác ngày thường. Bên cạnh đó, những người khác có thể có biểu hiện của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) vào những ngày trước khi bắt đầu có kinh nguyệt.
Các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), hay dấu hiệu nhận biết sắp có kinh nguyệt lần đầu bao gồm:
- Mọc mụn
- Chướng bụng
- Đau ở vú
- Đau lưng
- Táo bón
- Tiêu chảy
- Mệt mỏi hơn bình thường
- Dễ xúc động hoặc cáu kỉnh
- Thèm ăn, đặc biệt là đồ ngọt
- Tiết dịch âm đạo trong hoặc trắng
Khi các triệu chứng này xảy ra, bạn nên trang bị trước các vật dụng sau để đề phòng khi kinh nguyệt đến bất cứ lúc nào:
- Quần lót sạch
- Băng vệ sinh
- Khăn ướt
- Thuốc giảm đau, chẳng hạn như acetaminophen (Tylenol)
XEM THÊM: Đau ngực có phải dấu hiệu sắp đến chu kỳ kinh nguyệt?
2. Tại sao lại có kinh nguyệt?
Kinh nguyệt là kết quả của quá trình phát triển bình thường của cơ thể. Kể từ thời điểm có kinh nguyệt lần đầu, cơ thể người phụ nữ bắt đầu có khả năng sinh sản.
Nồng độ estrogen tăng lên, điều này giúp làm dày niêm mạc tử cung. Niêm mạc tử cung dày lên nhằm hỗ trợ trứng thụ tinh và phát triển thành bào thai.
Nếu trứng không được thụ tinh, hàng tháng lớp niêm mạc sẽ bị bong ra và trứng được đẩy ra khỏi tử cung. Điều này dẫn đến chảy máu, hay còn gọi là hiện tượng kinh nguyệt.
3. Tuổi nào bắt đầu có kinh?
Hầu hết mọi người bắt đầu có kinh trong độ tuổi từ 12 đến 13. Tuy nhiên, đối với một số người, kinh nguyệt cũng có thể đến sớm hơn hoặc muộn hơn một chút.
Theo nguyên tắc chung, kinh nguyệt sẽ bắt đầu khoảng 2 năm sau khi ngực của bạn bắt đầu phát triển.
4. Lần đầu có kinh kéo dài bao lâu?
Kỳ kinh đầu tiên của bạn có thể chỉ kéo dài vài ngày. Có thể mất vài tháng để chu kỳ kinh nguyệt trở nên đều đặn. Một khi kinh nguyệt đã đều đặn, nó có thể kéo dài từ 2 - 7 ngày mỗi tháng.
5. Lần đầu có kinh ra bao nhiêu máu?
Đa số có kinh lần đầu thường nhẹ nhàng, chỉ có một vài đốm màu nâu đỏ trong suốt cả tuần. Tuy nhiên, với một số người, kinh nguyệt có thể ra nhiều ngay từ kỳ đầu tiên.
Kinh nguyệt sẽ đều đặn dần khi nồng độ nội tiết tố trong máu ổn định. Một người bình thường mất khoảng 6 muỗng canh máu trong mỗi kỳ kinh nguyệt, tương đương với 1⁄3 cốc nước.
Máu kinh nhiều hơn mức trung bình thường không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy mất quá nhiều máu trong lần đầu hành kinh, hãy nói với người thân hoặc với nhân viên y tế tại trường học. Ngoài ra, bạn cũng nên báo lại với họ khi:
- Phải thay băng vệ sinh, tampon hoặc cốc nguyệt san cứ sau 1 - 2 giờ
- Cảm thấy đau đầu, choáng váng
- Cảm thấy tim đập thình thịch
- Hành kinh kéo dài trên 7 ngày
Các triệu chứng của bạn sẽ được gia đình nói lại với bác sĩ. Họ sẽ xác định xem bạn có bị mất máu quá nhiều hay không và cung cấp thuốc để giảm các triệu chứng đó.
6. Có phải có kinh là mang thai được không?
Kể từ khi có kinh lần đầu, bạn có thể mang thai nếu tinh dịch tiếp xúc với âm đạo khi quan hệ tình dục.
Trong một số trường hợp, người phụ nữ có thể có khả năng có thai trước khi có kinh nguyệt. Đó là khi hormone gây rụng trứng được tiết ra từ rất lâu trước khi bắt đầu hành kinh. Sử dụng bao cao su hoặc các hình thức ngừa thai khác là cách tốt nhất để tránh thai.
7. Cách đối phó khi kinh nguyệt đến bất ngờ
Nếu kinh nguyệt xảy đến mà không có miếng lót phòng vệ, bạn đừng lo lắng. Hãy tạo một miếng lót tạm thời từ giấy vệ sinh trước khi tìm thấy miếng lót. Cách thực hiện như sau:
- Lấy một đoạn giấy vệ sinh dài (ít nhất 10 ô vuông) và gấp các lớp chồng lên nhau
- Đặt giấy vệ sinh lên quần lót, dọc theo giữa hai chân của bạn
- Lấy một đoạn giấy vệ sinh khác và quấn nó quanh quần lót một vài vòng. Điều này giúp giữ nguyên khăn giấy tại chỗ.
- Nhét phần cuối của khăn giấy vào đầu của tấm lót đã hoàn thành. Giờ thì bạn đã có một miếng lót tạm thời.
Nếu bạn đang ở trường, bạn có thể cân nhắc việc hỏi giáo viên hoặc nhân viên y tế cho một miếng đệm lót hoặc băng vệ sinh.
8. Loại băng vệ sinh cho ngày hành kinh
8.1. Quần lót chống tràn
Quần lót chống tràn có cấu tạo tương tự quần lót thông thường, nhưng đặc biệt hơn với loại vải có khả năng thấm hút và ngăn máu kinh tràn ra.
Mỗi loại quần lót chống tràn có một mức độ thấm hút khác nhau. Nếu hành kinh mức độ nhẹ, bạn có thể chỉ cần mặc quần lót chống tràn là đủ. Nhưng với những người hành kinh ở mức độ nhiều hơn, sử dụng quần lót chống tràn như một sản phẩm hỗ trợ kết hợp với miếng lót bên trong sẽ tốt hơn.
8.2. Băng vệ sinh
Băng vệ sinh là miếng lót thấm hút được dán vào quần lót. Một số loại có thêm “cánh” để gấp qua các mép của đồ lót nhằm giữ cho miếng lót đúng vị trí.
Băng vệ sinh nên được thay sau khoảng 4 - 8 giờ sử dụng hoặc khi hành kinh ở mức độ nhiều. Theo đó, băng vệ sinh có nhiều kích cỡ khác nhau. Mỗi kích cỡ lại phù hợp với một mức độ hành kinh khác nhau. Nhưng nhìn chung, miếng lót càng nhỏ thì khả năng chứa máu kinh càng ít.
Băng vệ sinh có độ thấm hút tốt là cần thiết vào ngày đầu hành kinh và vào ban đêm. Sau đó, bạn có thể chuyển qua sử dụng các loại băng có độ thấm hút nhẹ hơn khi máu chảy ít đi.
8.3. Tampon
Tampon là băng vệ sinh dạng ống, được đưa vào âm đạo để chứa dịch kinh nguyệt trước khi chảy vào quần lót. Một số loại tampon có thể bán kèm theo ống bôi trơn bằng nhựa hoặc bằng giấy cứng. Các ống này được thiết kế để giúp bạn trượt tampon vào âm đạo. Tất cả các loại tampon đều có một sợi dây ở một đầu để kéo nó ra.
Giống như băng vệ sinh, tampon cũng có nhiều kích cỡ và khả năng thấm hút khác nhau. Một số loại tampon được sản xuất có mùi thơm nhưng không được khuyên dùng vì nước hoa có thể gây kích ứng bên trong âm đạo.
Sử dụng tampon bằng cách đẩy nó nhẹ nhàng vào ống âm đạo cho đến khi chỉ còn sợi dây bên ngoài. Tampon phải được thay tối đa 8 giờ/lần, nếu không sẽ làm tăng nguy cơ bị kích ứng hoặc nhiễm trùng.
8.4. Cốc nguyệt san
Tương tự như băng vệ sinh, cốc nguyệt san được đưa vào âm đạo để đón dịch kinh nguyệt trước khi nó ra khỏi âm đạo. Cốc có hai loại kích thước là nhỏ và lớn được phân loại dựa trên độ tuổi và kinh nghiệm nuôi con.
Hướng dẫn sử dụng cốc nguyệt san tương tự như tampon. Tuy nhiên, khác với tampon, hầu hết cốc nguyệt san đều có thể tái sử dụng. Điều này có nghĩa là khi thay cốc, bạn chỉ cần lấy cốc ra, làm sạch và lắp lại.
Cốc nguyệt san không được lưu lại lâu trong âm đạo trên 12 giờ/lần. Để cốc trên 12 giờ có thể làm tăng nguy cơ bị kích ứng hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn. Tùy thuộc vào thương hiệu, tuổi thọ của một cốc nguyệt san kéo dài từ 6 tháng đến 10 năm nếu được chăm sóc thích hợp.
9. Làm gì khi bị tràn băng?
Có kinh lần đầu có thể khiến bạn cần có thêm thời gian để tìm hiểu về lượng dịch kinh nguyệt và thời điểm dịch kinh ra nhiều nhất để ngăn ngừa tràn băng. Trong giai đoạn này, tốt nhất là bạn nên giữ một vài khăn lau vết bẩn trong túi. Khăn lau có thể giúp làm sạch vải tạm thời cho đến khi bạn về nhà để giặt vải đúng cách.
Ngoài ra, bạn có thể chọn giải pháp khác là buộc áo khoác hoặc áo len quanh eo để che vết bẩn cho đến khi có thể thay đồ.
Tại nhà, bạn có thể chọn các giải pháp sau để làm sạch vải bẩn:
- Ngâm phần vải bị ố vào nước lạnh càng sớm càng tốt. Nước ấm hoặc nước nóng sẽ khiến vết bẩn bám vào vải, vì vậy hãy đảm bảo nước lạnh.
- Nếu có sản phẩm tẩy vết bẩn tiện dụng, hãy xịt lên vải. Đảm bảo vùng bị bẩn được ngâm đủ thời gian theo khuyến nghị của nhà sản xuất.
- Chà xà phòng vào vùng bị ảnh hưởng. Rửa cho đến khi vết bẩn bong ra.
- Giặt quần áo trong máy giặt nếu vết bẩn không được loại sạch hết với điều kiện sử dụng nước lạnh thay vì nước ấm hoặc nước nóng.
- Để quần áo khô tự nhiên trong nắng. Việc sấy khô có thể làm các vết bẩn còn sót lại bám lâu dài hơn.
10. Đang hành kinh, có ai biết được không?
Không ai có thể phát hiện bạn đang hành kinh trừ khi ngửi thấy mùi hôi do miếng lót để quá lâu. Nếu lo lắng về mùi hôi trong ngày hành kinh, hãy nhẹ nhàng rửa sạch vùng âm đạo bằng nước ấm.
Băng vệ sinh có mùi thơm và các sản phẩm kinh nguyệt khác có thể gây kích ứng âm đạo. Do đó, bạn cần chọn kỹ trước khi mua sản phẩm này.
11. Đi bơi hay chơi thể thao vào ngày hành kinh được không?
Bạn hoàn toàn có thể đi bơi hoặc chơi thể thao vào ngày có kinh nguyệt. Trên thực tế, việc tập thể dục có thể làm giảm đau bụng và cảm giác khó chịu do kinh nguyệt gây ra.
Khi đi bơi hoặc chơi thể thao, hãy sử dụng băng vệ sinh hoặc cốc nguyệt san có độ thấm hút tốt để tránh tràn băng dưới nước và trong khi tập luyện.
12. Đau bụng vào ngày hành kinh thì sao?
Đau bụng kinh có thể được điều trị bằng các phương pháp sau:
- Sử dụng thuốc không kê đơn, như ibuprofen (Advil) hoặc naproxen sodium (Aleve) theo hướng dẫn trên bao bì
- Sử dụng túi chườm nóng, đệm sưởi bằng vải đặt trên bụng hoặc lưng
- Ngâm mình trong bồn tắm nước nóng
Trong trường hợp cảm thấy buồn nôn, không thể ra khỏi giường, không thể tham gia các hoạt động hàng ngày, bạn nên báo với người thân để được đưa đi khám để loại trừ nguyên nhân bệnh lý như lạc nội mạc tử cung.
13. Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt bằng cách nào?
Một số ứng dụng dưới đây bạn có thể tham khảo sử dụng để theo dõi chu kỳ kinh nguyệt:
- Clue Period Tracker & Calendar
- Flo Period & Ovulation Tracker
- Eve Period Tracker App
- Fitbits
14. Kinh nguyệt có phải có suốt phần đời còn lại?
Kinh nguyệt không xảy ra trong suốt phần đời còn lại nhưng sẽ có trong một khoảng thời gian khá dài cho đến khi bước qua tuổi mãn kinh. Tuổi mãn kinh thường bắt đầu từ 45 đến 55 tuổi.
Nếu muốn ngưng kinh nguyệt hoàn toàn, bạn có thể trao đổi với bác sĩ về biện pháp ngừa thai bằng nội tiết tố hoặc các hình thức ngừng kinh khác.
15. Khi nào nên khám bác sĩ?
Bạn nên thông báo với người thân để được họ đưa đi khám sớm trong các trường hợp:
- Chưa có kinh nguyệt khi đã bước sang tuổi 15
- Có kinh nguyệt được 2 năm nhưng không đều đặn
- Hành kinh 2 lần/tháng
- Đau bụng dữ dội ảnh hưởng đến hoạt động sống hàng ngày
- Chảy máu nhiều đến mức phải thay băng vệ sinh 1 - 2 giờ/lần
- Kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày
Khi đến khám, bạn có thể được hỏi về các vấn đề sau:
Ngày bắt đầu và kết thúc hành kinh gần nhất cách đây bao lâu
- Lần đầu thấy ra máu bất thường và các triệu chứng khác
16. Làm sao để hướng dẫn trẻ trong kỳ kinh nguyệt đầu tiên?
Là cha mẹ hoặc người giám hộ, thật khó để biết cách hướng dẫn trẻ làm quen tốt nhất với các kỳ kinh nguyệt. Dưới đây là một số cách mà các bậc cha mẹ có thể sử dụng tham khảo:
- Đảm bảo với trẻ rằng có kinh là một phần bình thường của cuộc sống
- Giải thích về các sản phẩm kinh nguyệt khác nhau và cách để trẻ lựa chọn loại phù hợp với mình
- Giúp trẻ tạo 1 bộ vật dụng cho kỳ kinh nguyệt gồm một bộ quần áo llots, khăn lau vết bẩn, băng vệ sinh để trẻ dễ dàng cất vào ba lô hoặc tủ cá nhân.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể cung cấp thêm các kinh nghiệm dựa trên kỳ kinh nguyệt của bản thân đã trải qua nhiều năm như:
- Loại thuốc giảm đau sử dụng tốt cho chứng đau bụng kinh
- Các biện pháp giảm đầy hơi, chướng bụng
- Sử dụng baking soda hoặc các sản phẩm khác để tẩy sạch vết bẩn trên quần áo
Dấu hiệu sắp có kinh lần đầu có thể khác nhau ở mỗi người, vì thế trong trường hợp chưa biết cách xử trí khi có kinh lần đầu, bạn có thể nhờ sự trợ giúp từ người thân. Khi có dấu hiệu bất thường cần sớm đến các trung tâm y tế để thăm khám và sàng lọc bệnh lý phụ khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, .medicalnewstoday.com