Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ân - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ là người rất tâm huyết với công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em và có kinh nghiệm điều trị thành công nhiều ca bệnh nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh.
Dây rốn mềm dẻo có chức năng mang các chất dinh dưỡng và máu từ mẹ để nuôi dưỡng thai nhi trong thai kỳ. Sau khi sinh, dây rốn sẽ được kẹp và cắt sát rốn, để lại cuống rốn. Cuống rốn thường rụng trong một đến ba tuần sau sinh. Trong quá trình sinh và kẹp, cắt, vi trùng có thể xâm nhập vào dây và gây nhiễm trùng. Vậy dấu hiệu rốn trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng như thế nào?
1. Triệu chứng rốn trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng
Khi cuống rốn khô lại và lành, nó có thể có màu nâu, xám hoặc đen, đó là bình thường. Hoặc thậm chí có thể chảy một ít máu xung quanh gốc của rốn khi nó đã sẵn sàng rụng và máu sẽ tự cầm hoặc ngừng chảy nhanh hơn khi bạn ấn nhẹ vào rốn.
Mặc dù chảy máu nhẹ là bình thường nên bố mẹ không có gì phải lo lắng, tuy nhiên cần lưu ý các dấu hiệu nhiễm trùng rốn như:
- Da đỏ, sưng, ấm hoặc mềm xung quanh dây rốn
- Có mủ màu vàng xanh chảy ra từ xung quanh chân dây rốn
- Có mùi hôi từ dây
- Trẻ bị sốt trên 37.5 c
- Trẻ quấy khóc, khó chịu, hay buồn ngủ
- Rốn trẻ sơ sinh rụng rồi nhưng vẫn ướt
Do dây rốn đi trực tiếp vào máu của trẻ nên ngay cả một nhiễm trùng nhẹ ở rốn cũng có thể trở nên nghiêm trọng nhanh chóng. Khi nhiễm trùng xâm nhập vào máu và gây nhiễm khuẩn huyết, nó có thể gây tổn thương các cơ quan và mô của cơ thể, thậm chí đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Vì vậy, bố mẹ cần liên lạc với bác sĩ nhi khoa ngay lập tức nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của rốn trẻ sơ sinh bị viêm và nhiễm trùng được đề cập ở trên. Trẻ sinh non có nguy cơ cao bị biến chứng nặng do có hệ miễn dịch yếu.
2. Rốn trẻ sơ sinh bị ướt phải làm sao?
Nếu trẻ chỉ bị ướt rốn mà không có các dấu hiệu của nhiễm trùng đã ở trên thì bố mẹ có thể yên tâm. Trẻ thường bị ướt rốn đó là do bố mẹ hoặc người chăm sóc vô tình làm ướt khi tắm hoặc thay tã. Trong trường hợp này, bố mẹ hoặc người chăm sóc cần thực hiện các bước như sau:
- Dùng gạc thấm một ít cồn để làm sạch rốn và dùng gạc khô để lau khô rốn sau mỗi lần tắm hoặc thay tã. Các nhà nghiên cứu cho biết, cồn sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn và khiến dây rốn khô, dễ dàng rụng. Bố mẹ cần lưu ý là không nên sử dụng cồn i ốt để làm sạch do loại dung dịch sát khuẩn này có thể làm tổn thương các tế bào non của trẻ.
- Luôn giữ rốn khô và gập mặt trên của tã xuống để tránh che cuống rốn. Hạn chế nước chạm vào cuống rốn gây ướt.
- Để rốn tự rụng, bố mẹ không nên chạm hay cố tình kéo rốn.
- Bố mẹ nên cho trẻ mặc quần áo rộng, khô thoáng và sạch sẽ. Nếu nhận thấy áo hoặc quần bị bẩn do thức ăn hoặc chất thải của trẻ (phân và nước tiểu) thì cần thay ngay để tránh gây nhiễm trùng cho rốn.
Khoa Nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi ở trẻ,... Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.
Để được thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa nhi có kinh nghiệm tại Vinmec. Quý khách vui lòng đặt lịch tại website để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: healthline.com