Dấu hiệu nhiễm trùng chân răng và cách chữa

Nhiễm trùng chân răng là một biến chứng nghiêm trọng của điều trị sâu răng không triệt để. Nếu không được xử trí kịp thời, tình trạng này có thể dẫn tới áp xe răng, nhiễm trùng huyết, thậm chí dẫn tới tử vong. Vì vậy, nhận biết các dấu hiệu nhiễm trùng chân răng và cách chữa trị là rất cần thiết để hạn chế những biến chứng nguy hiểm.

1. Dấu hiệu nhiễm trùng chân răng là gì?

Nhiễm trùng chân răng là một tình trạng hay gặp trong nha khoa và đang có xu hướng tăng. Đây là biến chứng nguy hiểm bắt nguồn từ viêm tủy và tủy răng bị hoại tử do mẻ răng, sâu răng không được điều trị triệt để. Các vi khuẩn gây bệnh không được loại bỏ sẽ xâm nhập vào sâu trong răng và nhanh chóng lây lan sang các vùng răng miệng xung quanh. Vậy dựa vào triệu chứng nào để nhận biết nhiễm trùng chân răng?

1.1. Đau răng

Đau răng là triệu chứng điển hình của nhiễm trùng chân răng. Tại răng nhiễm trùng sẽ xuất hiện các cơn đau từ nhẹ đến dữ dội, đau âm ỉ, kéo dài nhiều ngày kèm theo ê buốt. Khi bệnh nặng hơn, cơn đau có xu hướng lan rộng ra cả hàm, khu vực tai, thái dương, đầu.

Một số người bệnh chủ quan không chữa trị mà để nhiễm trùng chân răng nặng khiến vùng đau lan rộng, không xác định được vị trí răng đau, Khi đó, người bệnh sẽ phải chụp X-quang để chẩn đoán chính xác đâu là răng nhiễm trùng.

1.2. Răng nhạy cảm hơn

Răng nhiễm trùng sẽ trở nên nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với nhiệt độ nóng hoặc lạnh, cảm giác ê buốt kéo dài hơn bình thường. Điều này là do răng có các lỗ nhỏ trên men răng.

Ngoài ra, răng nhiễm trùng cũng bị đau khi ăn đồ ngọt vì đường có khả năng gây kích ứng trên răng bị tổn thương và gây đau. Việc này có thể ảnh hưởng đến tủy răng và dẫn đến viêm toàn bộ mạch máu, dây thần kinh.

Động tác nhai, cắn thức ăn cũng tạo áp lực lên răng nhiễm trùng và hàm khiến người bệnh đau đớn, cơn đau có thể tiếp tục khi người bệnh đã ngừng ăn.

1.3. Lợi mưng mủ, sưng tấy

Lợi bị sưng tấy, mưng mủ là một trong những triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng chân răng. Tại vị trí răng đau, lợi chuyển sang màu đỏ sậm, sưng, thậm chí có mủ. Nốt mủ nếu không được xử trí kịp thời sẽ vỡ ra, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công những răng khác và khiến hơi thở có mùi hôi.

1.4. Răng đổi màu

Chiếc răng nhiễm trùng không còn giữ được màu trắng sáng nước mà chuyển sang màu nâu đậm hoặc xám. Nguyên nhân của sự đổi màu răng là do tủy răng đã chết sinh ra các chất độc, thối rữa bám trên bề mặt răng thông qua các lỗ nhỏ ở răng.

1.5. Sưng hạch

Sưng hạch là một trong những dấu hiệu để nhận biết nhiễm trùng chân răng. Tình trạng nhiễm trùng có thể lan rộng sang các vùng lân cận, đặc biệt là khi không được điều trị triệt để; ví dụ như ảnh hưởng đến xoang, hàm hoặc hạch bạch huyết dưới hàm, cổ. Lúc này, các hạch có thể sưng, đau, nhức.

1.6. Sốt

Sốt là một phản ứng của cơ thể khi có nhiễm trùng, lúc này nhiệt độ cơ thể có thể tăng trên 38 độ C. Ngoài ra, nhiễm trùng chân răng còn gây ra các triệu chứng khác như đau đầu, ớn lạnh, buồn nôn, mệt mỏi, mất nước, ...

2. Nhiễm trùng răng có nguy hiểm không?

Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, nhiễm trùng răng có nguy hiểm không?

  • Mất răng: Nhiễm trùng nặng lên sẽ lan từ chân răng ra xương hàm, vào mô mềm. Nếu không được xử trí triệt để, sẽ không thể bảo tồn răng, phải nhổ đi chiếc răng nhiễm trùng.
  • Nang răng: Nhiễm trùng chân răng có thể phát triển thành một khoang chứa đầy dịch ở chân răng.
  • Nhiễm trùng xoang hàm: Xảy ra khi bị nhiễm trùng ở các răng hàm trên có vị trí gần xoang.
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng: Nếu vi khuẩn từ răng bị bệnh xâm nhập vào mạch máu có thể dẫn đến viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.
  • Hoại tử sàn miệng: Là một biến chứng nghiêm trọng của nhiễm trùng chân răng. Nhiễm trùng có thể lan rộng xuống vùng dưới lưỡi, hàm, cầm, thậm chí gây tử vong.
  • Tắc nghẽn đường thở và tử vong.

3. Cách chữa nhiễm trùng chân răng

Nhiễm trùng chân răng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Cách chữa nhiễm trùng chân răng như thế nào phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, cơ địa, tình trạng sức khỏe của từng người. Thông thường, để điều trị răng nhiễm trùng cần:

  • Biện pháp áp dụng tại nhà: Dùng nước muỗi pha loãng để súc miệng, cách làm này chỉ giúp giảm đau tạm thời, không thể chữa khỏi nhiễm trùng chân răng. Sau đó, người bệnh cần đến khám tại cơ sở nha khoa uy tín để điều trị triệt để vì bệnh có thể diễn biến và lan rộng rất nhanh.
  • Dùng thuốc giảm đau, tránh để nhiễm trùng lan sang các răng lành.
  • Điều trị tại nha khoa: Mục đích loại bỏ ổ nhiễm trùng, bảo tồn răng tối đa. Người bệnh sẽ được khám tổng quát và chụp X-quang để đánh giá mức độ nhiễm trùng chân răng. Bác sĩ sẽ tiến hành chích rạch để hút sạch mủ, giảm đau nhức cho người bệnh. Trong một số trường hợp, người bệnh sẽ được chữa tủy, trám răng, phục hình răng sứ để bảo tồn răng. Nếu tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng, răng sẽ được nhổ để tránh lây lan sang các răng lành và giảm đau nhanh chóng.

4. Phòng ngừa nhiễm trùng chân răng như thế nào?

Nhiễm trùng chân răng hoàn toàn có thể được phòng ngừa dựa vào các biện pháp sau:

  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đúng cách: Chải răng 2 lần / ngày. Lựa chọn bàn chải phù hợp, có lông mềm và thay bàn chải mới mỗi 3 tháng. Chải răng với lực nhẹ nhàng, chải theo chiều dọc hoặc xoay tròn bàn chải.
  • Dùng chỉ tơ nha khoa sau khi ăn, súc miệng bằng nước muối để làm sạch kẽ răng. Không xỉa răng vì có thể làm tổn thương nướu.
  • Bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin và khoáng chất.
  • Hạn chế tiêu thụ đồ ăn nhanh, thức ăn chứa nhiều đường như bánh kẹo ngọt, đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh, ...
  • Tránh hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích, nước có gas, cà phê,...
  • Khám răng miệng và lấy cao răng định kỳ. Thông qua các lần khám, bác sĩ có thể phát hiện sớm các bệnh lý răng miệng nguy hiểm và điều trị kịp thời.

Đừng để nhiễm trùng chân răng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như đau răng, sưng nướu, khó thở, khó nuốt, ... bạn nên đi khám ngay và điều trị triệt để.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe