Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh có thể bị vàng da sinh lý hoặc vàng da bệnh lý. Những dấu hiệu vàng da sinh lý thường sẽ biến mất sau một thời gian ngắn. Trong khi đó, nếu trẻ bị vàng da bệnh lý sẽ rất nguy hiểm, vì vậy các bậc cha mẹ cần tìm hiểu và biết cách phát hiện vàng da ở trẻ sơ sinh.
Vàng da sơ sinh là tình trạng hồng cầu trong cơ thể của trẻ bị vỡ làm cho chức năng chuyển hóa bilirubin của gan chưa hoàn thiện. Trường hợp trẻ bị vàng da bệnh lý có thể gây biến chứng vàng da nhân não, có thể khiến trẻ tử vong hoặc để lại di chứng chậm phát triển ở trẻ.
Dấu hiệu vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh:
- Mức độ vàng da nhẹ và chỉ vàng da vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn
- Không kết hợp các triệu chứng bất thường khác như: Thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ...
- Nồng độ bilirubin/máu không quá 12mg% ở trẻ đủ tháng và không quá 14mg% ở trẻ non tháng... Tốc độ tăng bilirubin/máu không quá 5mg% trong 24 giờ.
- Nước tiểu của trẻ có màu tối hoặc màu vàng và phân nhạt màu
Dấu hiệu vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh:
- Xuất hiện sớm, 24h sau sinh, với màu vàng da ở trẻ sơ sinh đậm
- Mức độ vàng da ở trẻ sơ sinh là toàn thân, đặc biệt vàng ở lòng bàn tay, bàn chân và kết mạc mắt
- Vàng da không hết sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng
- Vàng da đậm đi kèm các triệu chứng khác: Trẻ lừ đừ, bỏ bú, có thể co giật hoặc không. Tuy nhiên, một số ít trẻ bị vàng bệnh lý không xuất hiện các triệu chứng đi kèm, khiến cha mẹ khó phát hiện
- Xét nghiệm bilirubin trong máu tăng hơn ngưỡng bình thường
Hiện tượng vàng da trẻ sơ sinh rất dễ nhận biết bằng mắt thường ở nơi có đủ ánh sáng. Vì vậy, hàng ngày các bà mẹ cần quan sát màu da toàn thân của trẻ ở nơi sáng. Trong trường hợp khó nhận biết (da trẻ đỏ hồng hoặc đen), nên ấn nhẹ ngón tay cái lên da trẻ trong vài giây, sau đó buông ra, nếu trẻ bị vàng da nơi ấn ngón tay sẽ có màu vàng rõ rệt. Khi trẻ có biểu hiện nghi là vàng da sơ sinh, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để kiểm tra.