Ngộ độc khí CO hay ngộ độc do khói than là tình trạng ngộ độc do hít phải khí carbon monoxide (CO) khá phổ biến và xảy ra với nhiều người. Khí carbon monoxide là loại khí không màu, không mùi nhưng lại cực kỳ nguy hiểm cho con người. Người bị ngộ độc khí CO nếu như không được phát hiện và cấp cứu kịp thời sẽ rất nguy hiểm tới tính mạng.
1. Tìm hiểu chung về ngộ độc khí CO
Carbon monoxide (CO) là loại khí độc không màu, không mùi, không vị và không gây kích ứng. Các nguồn CO được tìm thấy phổ biến như: trong hệ thống lò sưởi, khí đốt, lò nung, bình đun nước nóng, bếp lò đốt bằng gỗ hoặc than và đốt dầu hỏa, máy phát điện chạy bằng xăng dầu. Nguy cơ bị ngộ độc khí carbon monoxide cũng sẽ tăng cao nếu như sử dụng các thiết bị bếp lò hay các nguồn có chứa khí CO trong một không gian kín và không có thông khí.
Ngộ độc CO hay ngộ độc do khói than là trường hợp ngộ độc gây tử vong cao hay gặp phải với nhiều người hiện nay. Khi trong không khí có quá nhiều khí carbon monoxide thì có thể làm giảm khả năng hấp thụ khí oxy vì CO có ái lực với Hb trong máu lớn hơn là với oxy.
Vậy nên, CO khi được hấp thu qua phổi sẽ dẫn đến làm tổn thương phổi và các mô khác trong cơ thể do máu không thể làm nhiệm vụ vận chuyển oxy đến các cơ quan. Cuối cùng dẫn tới ngộ độc khí CO và có nguy cơ gây tử vong cao. Carbon monoxide cũng chính là một nguyên nhân ngộ độc tử vong hàng đầu từ các chất độc không chủ ý.
Các dấu hiệu của ngộ độc khí CO cũng rất khác nhau và thường không đặc hiệu, tùy vào mức độ nặng nhẹ. vì thế, việc phát hiện và cấp cứu kịp thời người bị ngộ độc khí carbon monoxide cần phải ngay tức khắc để tránh được những thiệt hại về sức khỏe.
2. Các dấu hiệu để nhận biết khi bị ngộ độc khí CO
Triệu chứng của ngộ độc khí CO thường không đặc hiệu và khá giống với một vài bệnh thông thường khác như cảm cúm. Việc nhận biết bị ngộ độc do khói than qua các dấu hiệu, triệu chứng sau đây:
- Chậm chạp, nhức đầu là dấu hiệu phổ biến nhất
- Yếu đuối, mệt mỏi
- Chóng mặt, buồn nôn
- Không tập trung
- Ói mửa
- Đau ngực
- Mất ý thức, đầu óc lẫn lộn
- Rối loạn hành vi
- Cảm giác khó chịu
- Gặp các vấn đề về mắt như nhìn mờ đi
- Khó thở
- Loạn nhịp tim
- Co thắt cơ, co giật
- Hôn mê, ngất xỉu
Các yếu tố nguy cơ có thể làm gia tăng nguy cơ bị ngộ độc khí carbon monoxide từ những đối tượng dễ bị tác động bao gồm:
- Phụ nữ đang mang thai
- Trẻ nhỏ
- Những người cao tuổi
- Người có thói quen hút thuốc lá
- Những người có bệnh về tim mạch, bệnh thiếu máu hoặc các vấn đề có liên quan tới đường hô hấp
- Những người làm việc trong xưởng, nhà máy khép kín có nhiều động cơ máy móc thải ra nhiều khí CO.
Ngộ độc khí carbon monoxide có thể sẽ rất nguy hiểm với những người đang ngủ hoặc say rượu. Thậm chí có thể gây tử vong mà không phát hiện ra dấu hiệu nào. Vì thế, nếu như nghi ngờ bị ngộ độc khí CO hoặc thấy ai đó có dấu hiệu bị ngộ độc. Hãy nhanh chóng rời khỏi nơi có nhiều khí CO rồi đến nơi thông thoáng, sau đó lập tức tìm kiếm sự chăm sóc tế.
3. Chẩn đoán và điều trị
Nếu như nghi ngờ bị ngộ độc khí CO, các bác sĩ sẽ khám lâm sàng và có thể yêu cầu làm làm xét nghiệm máu để đo lượng khí cacbon monoxit có trong máu để đo lượng khí carbon monoxide có trong máu.
Về phương pháp điều trị: ngộ độc khí CO là một cấp cứu y tế. Việc điều trị sẽ nhằm mục đích thay thế khí carbon monoxide có trong máu bằng khí oxy càng nhanh càng tốt, để loại bỏ kịp thời khí CO. Trong bệnh viện, có thể để cho bệnh nhân hít thở khí oxy nguyên chất thông qua mặt nạ đặt trên mũi và miệng. Điều này sẽ giúp lưu thông khí oxy đến các cơ quan và các mô.
Trong một số trường hợp khác, việc điều trị oxy tăng áp là được khuyến khích. Với phương pháp trị liệu này, các bác sĩ sẽ sử dụng đặt một khoang điều áp toàn thân. Bên trong khoang này, áp suất không khí sẽ nhiều hơn hai đến ba lần như áp suất khí quyển bình thường. Như vậy giúp ra tốc độ thay thế khí carbon monoxide bằng khí oxy trong máu.
4. Biện pháp phòng tránh ngộ độc khí CO
Để phòng tránh ngộ độc khí CO ta cần phải thực hiện những biện pháp sau:
- Kiểm tra các nguồn đốt trong nhà để đảm bảo rằng chúng được lắp đặt đúng cách và được thông gió ra bên ngoài.
- Các đường dẫn ống khí thải nên được kiểm tra định kỳ nếu có vấn đề rò rỉ. Khi khởi động bất kỳ thiết bị nào như xe ô tô thì nên mở cửa nhà xe thông thoáng, không được phép chạy trong một gara đóng kín cửa.
- Cần lắp đặt các thiết bị dò khí carbon monoxide bởi vì chúng sẽ giúp cảnh báo sớm rằng sự xuất hiện của khí CO trong không khí.
- Nếu như nghi ngờ có CO trong nhà, lập tức làm thông thoáng căn nhà bằng cách mở cửa sổ ra. Và người trong nhà cần phải được di tản đến nơi thông thoáng khác.
- Không sử dụng bếp ga, lò sưởi hay bếp đun bằng than hoặc củi trong nhà.
- Không chạy máy phát điện trong không gian hẹp và kín.
Ngộ độc khí carbon monoxide là cực kỳ nguy hiểm tới tính mạng của con người. Nếu như bạn nhận thấy có bất kỳ dấu hiệu nào của ngộ độc khí CO thì cần phải gọi ngay cho trung tâm y tế để nhận được sự trợ giúp. Việc thực hiện các biện pháp để phòng tránh khí ngộ độc do khói than là rất quan trọng, nó sẽ giúp cho giảm thiểu được những rủi ro nguy hiểm có thể xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.