Dấu hiệu của bệnh lạc nội mạc tử cung

Bệnh lạc nội mạc tử cung là một căn bệnh khá phổ biến, cứ 10 phụ nữ thì có 1 người mắc phải. Tuy nhiên, quá trình chẩn đoán bệnh thường gặp nhiều khó khăn do các triệu chứng ban đầu không rõ ràng và có thể bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Điều này khiến việc phát hiện và điều trị bệnh trở nên khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của nhiều phụ nữ.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Lạc nội mạc tử cung là gì?

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng các mô nội mạc tử cung (mô hình thành nên niêm mạc tử cung) phát triển bất thường ở các vị trí bên ngoài tử cung. Vị trí xuất hiện lạc nội mạc tử cung phổ biến nhất là hai bên buồng trứng và ống dẫn trứng, ngoài ra cũng có thể lan đến các tạng khác trong vùng tiểu khung.

Lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng có thể dẫn đến sự hình thành các u nang buồng trứng dạng lạc nội mạc. Những vị trí lạc nội mạc này thường bị kích thích, dẫn đến hình thành mô sẹo và gây dính các mô với các cơ quan trong vùng tiểu khung.

Bệnh lạc nội mạc tử cung được chia thành 4 giai đoạn (Cần lưu ý rằng việc phân chia giai đoạn này không dựa trên mức độ triệu chứng):

  • Giai đoạn I (rất nhẹ): Số lượng mô cấy ít, nhỏ, thường nằm trên bề mặt các cơ quan hoặc mô lót trong vùng chậu/bụng. Giai đoạn này ít hoặc không có sẹo.
  • Giai đoạn II (nhẹ): Số lượng mô cấy nhiều hơn giai đoạn I, nằm sâu hơn trong mô và có thể bắt đầu hình thành mô sẹo.
  • Giai đoạn III (trung bình): Có nhiều mô cấy sâu, xuất hiện u nội mạc tử cung và sẹo xung quanh buồng trứng hoặc vòi trứng.
  • Giai đoạn IV (nặng): Là giai đoạn nặng nhất, với nhiều mô cấy sâu, dính dày, sẹo lan rộng xung quanh buồng trứng, vòi trứng, thậm chí giữa tử cung và phần dưới của ruột.

Bệnh lạc nội mạc tử cung gây ra các triệu chứng như đau đớn, đôi khi đau dữ dội, đặc biệt là trong kỳ kinh nguyệt, đồng thời xuất hiện các vấn đề đe dọa khả năng sinh sản của phụ nữ. Tuy nhiên, hiện nay đã có những phương pháp điều trị hiệu quả giúp các chị em kiểm soát tình trạng này. 

Bệnh lạc nội mạc tử cung ở phụ nữ
Bệnh lạc nội mạc tử cung ở phụ nữ

2. Dấu hiệu bệnh lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung thường gây ra những cơn đau ở vùng tiểu khung, đặc biệt liên quan đến kỳ kinh nguyệt. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Đau bụng kinh dữ dội: Cơn đau dữ dội ở vùng tiểu khung có thể xuất hiện trước và kéo dài vài ngày trong kỳ kinh, kèm theo đau lưng dưới và đau bụng.
  • Đau khi quan hệ: Bệnh lạc nội mạc tử cung thường gây đau khi quan hệ, bao gồm cả trong và sau khi quan hệ.
  • Cơn đau xảy ra khi có nhu động đại tràng hoặc khi bệnh nhân đi tiểu tiện, thường xuất hiện trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Ra máu quá mức: Lạc nội mạc tử cung có thể dẫn đến hiện tượng cường kinh hoặc chảy máu bất thường giữa các chu kỳ kinh.
  • Vô sinh: Lạc nội mạc tử cung có thể được phát hiện khi phụ nữ đi khám hiếm muộn và tìm kiếm phương pháp điều trị.
  • Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp thêm các triệu chứng như mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón, chướng bụng) và buồn nôn, thường xuất hiện trong thời gian hành kinh. 
Một trong những dấu hiệu bệnh lạc nội mạc tử cung là ra máu quá mức.
Một trong những dấu hiệu bệnh lạc nội mạc tử cung là ra máu quá mức.

Do triệu chứng đau vùng tiểu khung tương đồng với một số bệnh lý khác như viêm vùng chậu, u nang buồng trứng nên lạc nội mạc tử cung thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý trên.  

Ngoài ra, lạc nội mạc tử cung cũng rất khó phân biệt với hội chứng ruột kích thích, một hội chứng cũng gây các tình trạng đau bụng quặn, táo bón, tiêu chảy. Hơn nữa, hội chứng ruột kích thích và lạc nội mạc tử cung có thể cùng xuất hiện với nhau, làm cho việc xác định chính xác bệnh lý thêm phức tạp.

3. Bệnh lạc nội mạc tử cung có nguy hiểm không?

Lạc nội mạc tử cung gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản và sức khỏe phụ nữ. Khoảng 40% phụ nữ khó mang thai do bệnh này.  

Viêm do lạc nội mạc ảnh hưởng đến chất lượng trứng và tinh trùng, gây tắc vòi tử cung, cản trở quá trình thụ thai. Bệnh gây đau đớn dữ dội, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, khiến người bệnh trầm cảm, lo âu, nghỉ học, nghỉ làm. Lạc nội mạc tử cung còn làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng, vú và ung thư biểu mô tuyến.

4. Chẩn đoán lạc nội mạc tử cung

Để chẩn đoán lạc nội mạc tử cung và các nguyên nhân gây đau vùng tiểu khung khác, bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám lâm sàng, khai thác thông tin bệnh sử và chỉ định chị em phụ nữ thực hiện các xét nghiệm cần thiết.  

Các xét nghiệm thường được bác sĩ chỉ định bao gồm:

  • Khám âm đạo giúp bác sĩ quan sát và tìm kiếm các dấu hiệu bất thường ở khu vực tiểu khung, điển hình như u nang. Tuy nhiên, lạc nội mạc tử cung kích thước nhỏ thường rất khó phát hiện. Chỉ khi các mô lạc nội mạc phát triển thành u nang, bác sĩ mới có thể dễ dàng quan sát và chẩn đoán chính xác hơn.
  • Siêu âm có thể được bác sĩ chỉ định để kiểm tra các cơ quan sinh sản. Hai phương pháp siêu âm thường được sử dụng là siêu âm ổ bụng và siêu âm đầu dò âm đạo. Tuy siêu âm không thể khẳng định hoàn toàn việc bệnh nhân có bị lạc nội mạc tử cung hay không, nhưng phương pháp này có thể phát hiện ra các u nang do bệnh này gây ra.
  • Kết quả chụp cộng hưởng từ (Magnetic Resonance Imaging - MRI) cung cấp cho bác sĩ hình ảnh chi tiết về các cơ quan bên trong cơ thể, từ đó giúp xác định chính xác vị trí, kích thước của lạc nội mạc tử cung. Nhờ vậy, bác sĩ có thể lên kế hoạch điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
  • Nội soi ổ bụng là kỹ thuật giúp bác sĩ quan sát trực tiếp và chẩn đoán chính xác bệnh lạc nội mạc tử cung. Đồng thời, phương pháp này còn cho phép thực hiện các can thiệp điều trị ngay trong quá trình nội soi. 
Kết quả chụp cộng hưởng từ (Magnetic Resonance Imaging - MRI) cung cấp cho bác sĩ hình ảnh chi tiết về vị trí, kích thước của lạc nội mạc tử cung.
Kết quả chụp cộng hưởng từ (Magnetic Resonance Imaging - MRI) cung cấp cho bác sĩ hình ảnh chi tiết về vị trí, kích thước của lạc nội mạc tử cung.

5. Điều trị lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và mong muốn mang thai trong tương lai của bệnh nhân. Ưu tiên hàng đầu là áp dụng điều trị bảo tồn, chỉ khi không hiệu quả mới cân nhắc phẫu thuật.

5.1 Thuốc giảm đau

Thuốc giảm đau đóng vai trò quan trọng trong việc giúp phụ nữ giảm nhẹ triệu chứng đau trong chu kỳ kinh nguyệt. Nhóm thuốc được sử dụng phổ biến là thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs) như ibuprofen hay naproxen sodium. Đối với những đối tượng không có ý định mang thai, liệu pháp nội tiết tố có thể kết hợp với thuốc giảm đau.

5.2 Liệu pháp nội tiết tố

Mặc dù liệu pháp nội tiết tố mang lại hiệu quả giảm đau đáng kể cho bệnh nhân lạc nội mạc tử cung, tuy nhiên phương pháp này chỉ đóng vai trò làm thuyên giảm triệu chứng chứ không thể loại bỏ hoàn toàn bệnh. Do vậy, sau khi kết thúc liệu pháp, các triệu chứng có thể tái xuất hiện.

5.3 Phẫu thuật

Bệnh nhân lạc nội mạc tử cung mong muốn mang thai có thể được phẫu thuật loại bỏ mô lạc nội mạc nhưng vẫn giữ lại tử cung và buồng trứng để tăng khả năng thụ thai. Phẫu thuật thường được cân nhắc khi bệnh nhân xuất hiện các cơn đau dữ dội, tuy nhiên tình trạng lạc nội mạc tử cung vẫn có thể tái phát sau đó. 

Bệnh nhân lạc nội mạc tử cung mong muốn mang thai có thể được phẫu thuật loại bỏ mô lạc nội mạc nhưng vẫn giữ lại tử cung và buồng trứng để tăng khả năng thụ thai.
Bệnh nhân lạc nội mạc tử cung mong muốn mang thai có thể được phẫu thuật loại bỏ mô lạc nội mạc nhưng vẫn giữ lại tử cung và buồng trứng để tăng khả năng thụ thai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe