Dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng tiểu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Nhiễm trùng tiết niệu là tình trạng viêm nhiễm xảy ra trên đường tiết niệu do vi khuẩn gây ra. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm nhiễm như từ đường máu hoặc bạch huyết, các cơ quan lân cận nhưng phổ biến nhất là sự xâm nhập ngược dòng từ niệu đạo đi lên của vi khuẩn, đặc biệt là các vi khuẩn đường ruột ( E.coli,...). Đây là một bệnh dễ điều trị nếu phát hiện sớm.

1. Nguyên nhân nhiễm trùng tiểu

  • Nguyên nhân nhiễm trùng trong bệnh viện

Ngoài những người vào viện để điều trị viêm đường tiết niệu, thì nguyên nhân thường gặp ở bệnh viện là do bệnh nhân phải đặt ống thông niệu đạo bàng quang. Tác nhân hay gặp là E. Coli, Klebsiella spp., Proteus mirabilis, Staphylococci và các vi khuẩn Enterobacteriaceae.

  • Nguyên nhân nhiễm trùng trong cộng đồng

Nhiễm trùng trong cộng đồng thường gặp là do bệnh nhân vệ sinh không đúng cách sau khi đi ngoài. Đó là, sau khi đi ngoài, bệnh nhân lau từ dưới lau lên khiến cho vi khuẩn ở hậu môn đi ngược lên niệu đạo, cũng vì lí do này mà phụ nữ dễ bị viêm đường tiểu hơn đàn ông. Vì vậy, vi khuẩn hay gặp là Escherichia coli, Klebsiella spp. Đối với nhiễm trùng tiểu phức tạp thì tác nhân hay gặp là Proteus, Pseudomonas và Enterobacter.

2. Triệu chứng nhiễm trùng tiết niệu


Nếu nước tiểu có mùi hôi, hay máu, mủ thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu
Nếu nước tiểu có mùi hôi, hay máu, mủ thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu

2.1 Màu và mùi của nước tiểu

Ở hầu hết người khỏe mạnh, nước tiểu trong, không màu hoặc có màu vàng nhạt, không mùi hoặdfsac có mùi amoniac nhẹ. Khi bạn ngửi thấy nước tiểu mình có mùi bất thường như mùi hôi, hay thấy nước tiểu có máu, mủ, để lâu ở đáy bô sẽ lắng cặn mủ dính lại. Đây là dấu hiệu gợi ý bạn bị nhiễm trùng đường tiết niệu, do các bạch cầu kéo đến mô viêm để loại trừ vi khuẩn bảo vệ cơ thể, nước tiểu đi qua kéo theo các bạch cầu gây ra biểu hiện đái mủ. Bạn nên đi khám và điều trị trước khi có thêm những triệu chứng khác, nhằm nâng cao tỷ lệ điều trị thành công.

2.2 Tiểu nhiều lần

Bình thường ở người lớn, dung tích bàng quang khoảng 300ml, khi lượng nước tiểu gần đầy gây ra phản xạ muốn đi tiểu. Tùy vào mỗi người và số lượng nước đưa vào cơ thể mỗi ngày, trung bình đi từ 2 đến 3 lần 1 ngày. Nếu bạn thấy số lượng nước đưa vào không thay đổi nhưng số lần đi tiểu tăng lên, đây cũng là một dấu hiệu của viêm đường tiểu.

2.3 Tiểu buốt, tiểu rắt

Đây là cảm giác của người bệnh. Họ cảm thấy khó chịu, buốt rát ở đường tiết niệu trước, trong và sau khi đi tiểu. Bệnh nhân khó chịu, đừng ngồi không yên. Trẻ em thường la khóc, đây là dấu hiệu giúp bố mẹ phát hiện bệnh của con mình. Tiểu buốt thường có kèm theo tiểu dắt.

Đây cũng là đánh giá khách quan của bệnh nhân. Bệnh nhân tiểu nhiều lần trong ngày. Số lượng mỗi lần rất ít, từ vài giọt đến vài ml. Ban đi tiểu xong không có cảm giác thoải mái mà sau một thời gian ngắn lại có cảm giác muốn đi tiểu nhưng lại không đi được giọt nào.

Nguyên nhân của tiểu buốt, tiểu rắt là do bàng quang bị kích thích bởi các yếu tố gây viêm, hoặc nước tiểu đi qua gây kích thích các mô viêm gây đau.

2.4 Tiểu không tự chủ, tiểu dầm

  • Tiểu không tự chủ là một trạng thái bệnh lý mà người bệnh không chủ động trong việc đi tiểu, nước tiểu tự rỉ ra và bạn không nhận biệt được để vào nhà vệ sinh.
  • Tiểu dầm là tiểu vào lúc đang ngủ và bản thân không biết mình đi tiểu.
  • Nguyên nhân là do bàng quang bị viêm nên quá nhạy cảm với sức căng, cơ thắt của bàng quang tự động mở khiến cho nước trong bàng quang tự chảy ra ngoài.

2.5 Đau bụng hạ vị (vùng bụng dưới)

Có nhiều nguyên nhân gây đau bụng dưới, một trong số đó là do nhiễm trùng đường tiết niệu. Biểu hiện thường là đau âm ỉ, không liên tục. Vì thế, dấu hiệu này thường bị bỏ qua. Nếu bạn có đau bụng âm ỉ và kèm theo các triệu chứng trên bạn cần đi khám chuyên khoa về tiết niệu để các bác sĩ khám và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất cho mình.


Tiểu không tự chủ là một trạng thái bệnh lý mà người bệnh không chủ động trong việc đi tiểu
Tiểu không tự chủ là một trạng thái bệnh lý mà người bệnh không chủ động trong việc đi tiểu

3. Phòng chống bệnh nhiễm trùng tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiểu thường hay gặp, nhưng không khó để điều trị và dễ phòng tránh. Để phòng chống bệnh, bạn nên giữ gìn vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục, thay băng vệ sinh thường xuyên khi đến chu kỳ kinh, dùng bao cao su cũng là một biện pháp để phòng các bệnh lây qua đường tình dục.

Ngoài ra, bạn nên uống nhiều nước ít nhất là 1,5 lít mỗi ngày giúp làm loãng nước tiểu, loại bỏ vi khuẩn ra ngoài theo đường tiểu. Cũng bởi thế, bạn không nên nhịn tiểu, nước tiểu bị ứ lại tạo môi trường cho vi khuẩn sinh trưởng. Bạn cũng nên hạn chế mặc quần áo bó sát, không thấm hút mồ hôi vì ẩm ướt là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển.

Khi bạn đã có những triệu chứng trên, bạn nên đến phòng khám hoặc bệnh viện có chuyên khoa tiết niệu khám và tư vấn về tình trạng của mình. Bạn không nên sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có Gói Khám sàng Lọc bệnh lý tiết niệu với nhiều tiện ích, bao gồm: Phát hiện sớm khả năng có thể mắc các bệnh tiết niệu. Đặc biệt là các bệnh lý về tiền liệt tuyến (phì đại lành tính tiền liệt tuyến, ung thư tiền liệt tuyến). Các bệnh lý sỏi tiết niệu.... từ đó giúp khách hàng có những biện pháp dự phòng bệnh.

Khi đăng ký Gói khám sàng lọc bệnh lý tiết niệu, khách hàng sẽ được khám chuyên khoa ngoại tiết niệu, siêu âm, cấy nước tiểu...để phát hiện bệnh chính xác và kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe