Bướu cổ ở trẻ em hiếm gặp hơn so với người lớn, hầu hết bệnh bướu cổ trẻ em thường lành tính. Bệnh bao gồm các thể loại khác nhau về hình thể và chức năng. Triệu chứng của bệnh bướu cổ ở trẻ em tuỳ thuộc vào nguyên nhân và chức năng tuyến giáp. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc thông tin về dấu hiệu bướu cổ ở trẻ và một số nguyên nhân gây bệnh thường gặp.
1. Tổng quan về bệnh bướu cổ ở trẻ em
Hầu hết trẻ em và thanh thiếu niên bị bướu cổ có chức năng tuyến giáp bình thường, nhưng một vài trường hợp có thể có suy giáp hoặc cường giáp, tùy thuộc vào nguyên nhân và giai đoạn của bệnh.
Ở Mỹ và các khu vực được cung cấp đủ iod khác trên thế giới, nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh bướu cổ mắc phải ở trẻ em và thanh thiếu niên là viêm tuyến giáp tự miễn (Hashimoto) và bướu giáp keo. Trong khi đó nhiều nơi khác trên thế giới, nguyên nhân bệnh bướu cổ do thiếu iod phổ biến hơn. Khi phát hiện bướu cổ ở trẻ, cần xác định nguyên nhân và đánh giá chức năng tuyến giáp, 2 yếu tố này sẽ quyết định việc điều trị bệnh cho trẻ.
Bướu cổ là sự tăng lên về kích thước của tuyến giáp, phương pháp để xác định chính xác thể tích tuyến giáp là siêu âm. Thể tích tuyến giáp ở trẻ em nên được so sánh với khoảng tham chiếu theo tuổi để xác định xem nó là bình thường hay phì đại. Bên cạnh đó siêu âm còn hỗ trợ đánh giá nguyên nhân gây ra bướu cổ ở trẻ em
Bệnh bướu cổ có thể do một số cơ chế khác nhau gây ra:
- Tăng tiết hormone kích thích tuyến giáp (TSH), nguyên nhân do suy giảm chức năng giáp, trong đó TSH hoạt động như một yếu tố tăng trưởng tuyến giáp.
- Kích hoạt các thụ thể TSH, dẫn đến tăng sản tuyến giáp và tăng tiết hormone tuyến giáp. Điều này có thể được gây ra bởi các kháng thể kích thích thụ thể TSH (như trong bệnh Graves) hoặc do đột biến gen kích hoạt thụ thể TSH.
- Các cơ chế không phụ thuộc vào hormon TSH, chẳng hạn như viêm tuyến giáp, các khối u lành và ác tính.
2. Triệu chứng bướu cổ ở trẻ em
Trường hợp không có triệu chứng:
- Bướu cổ có thể được phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ. Trong những trường hợp khác, khối sưng to ở cổ có thể được người chăm sóc hoặc đứa trẻ phát hiện. Hầu hết trẻ bị bướu cổ không có triệu chứng được phát hiện tình cờ có chức năng tuyến giáp bình thường.
Trường hợp có triệu chứng:
- Ít phổ biến hơn, trẻ có các triệu chứng suy giáp, cường giáp hoặc đau ở vùng cổ. Hiếm gặp bướu cổ lớn có thể gây nên các triệu chứng chèn ép các cấu trúc lân cận, như khó nuốt, khó thở, ho và thay đổi giọng nói.
Khám tuyến giáp cần chú ý đến kích thước của tuyến giáp, sự hiện diện của các nốt ở tuyến giáp, có kèm theo đau vùng cổ không. Ngoài ra cần đánh giá sự phát triển thể chất, chiều cao và cân nặng theo tuổi của trẻ hoặc chỉ số khối cơ thể BMI và quá trình dậy thì ở tuổi thanh thiếu niên.
Một số dấu hiệu bướu cổ ở trẻ em bao gồm:
- Phì đại tuyến giáp lan tỏa: Gặp trong bướu giáp đơn thuần, viêm tuyến giáp mãn tính tự miễn dịch (Hashimoto), Basedow.
- Bướu giáp nhân: Hình thành các nốt riêng biệt, nhỏ và phát triển trên nền tuyến giáp bình thường. Tùy vào số lượng nhân trong tuyến giáp mà được phân loại thành bướu đơn nhân hay đa nhân. Ở trẻ em, phần lớn là nhân giáp lành tính, nhân giáp ác tính (hay ung thư tuyến giáp) rất hiếm gặp.
- Tuyến giáp nhạy đau: Hầu hết các loại bướu cổ ở trẻ em không đau khi sờ nắn. Cảm giác đau khi sờ là dấu hiệu của viêm tuyến giáp u hạt bán cấp (bệnh de Quervain) và viêm tuyến giáp cấp tính.
- Các triệu chứng chèn ép: Một số trẻ bị bướu cổ rất lớn có thể phát triển các triệu chứng chèn ép, bao gồm khó nuốt (do chèn ép thực quản), khó thở, ho (do chèn ép khí quản) và nói khàn (chèn ép dây thần kinh quặt ngược).
- Triệu chứng của suy giáp: Trẻ mắc suy giáp có chậm phát triển thể chất, nặng dần theo tuổi, lùn tuyến giáp. Trường hợp suy giáp kéo dài có thể dẫn đến trẻ có vóc dáng thấp. Ít phổ biến hơn, một số trẻ em sẽ có biểu hiện của dậy thì sớm, biểu hiện bởi sự phát triển của vú và có kinh nguyệt sớm ở trẻ nữ và tinh hoàn to ở trẻ nam. Các biểu hiện khác không đặc hiệu như tăng cân, mệt mỏi và táo bón.
- Triệu chứng của cường giáp: Tăng biến dưỡng như mệt mỏi, sợ nóng, toát mồ hôi, gầy khát, ăn nhiều. Triệu chứng tim mạch như nhịp tim nhanh, hồi hộp, thở mệt khi gắng sức. Triệu chứng thần kinh - cơ bao gồm kích thích, run chi, teo cơ, nhược cơ, phản xạ gân xương nhanh, ngắn. Triệu chứng tiêu hóa như tăng nhu động ruột, tiêu chảy. Rối loạn tâm thần, bệnh mắt Graves, gầy mòn, chậm dậy thì, mất kinh hay kinh ít, móng dễ gãy, tóc mảnh dễ rụng, thành tích học tập của trẻ giảm sút.
3. Nguyên nhân gây ra bướu cổ trẻ em
Sau đây là một số nguyên nhân có thể gây nên bệnh bướu cổ trẻ em:
- Bệnh Basedow
Là bệnh tuyến giáp tự miễn do các tự kháng thể kích thích tuyến giáp hoạt động tăng sản xuất hormone, gây nên các triệu chứng cường giáp ở trẻ em. Lâm sàng thường có bướu giáp, rối loạn tính tình, rối loạn giấc ngủ, giảm sức học, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, trẻ giảm cân nhanh và nhiều, tăng phát triển chiều cao, tiết mồ hôi nhiều, sợ nóng, run tay, lồi mắt, tiêu chảy.
Basedow là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh cường giáp ở trẻ lớn, đặc biệt là bé gái.
- Viêm tuyến giáp Hashimoto
Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh bướu cổ ở vùng không có bướu cổ địa phương. Các tự kháng thể kháng tuyến giáp trong cơ thể gây viêm mạn tính ở tuyến giáp.
Trẻ có nguy cơ cao mắc viêm tuyến giáp Hashimoto bao gồm: Tiền sử gia đình có người mắc bệnh, trẻ có nhiễm sắc thể bất thường như hội chứng Down. Bệnh có liên quan đến bệnh lý tự miễn khác như bệnh suy thượng thận nguyên phát, viêm khớp dạng thấp ở thanh thiếu niên, đái tháo đường tuýp 1. Tuyến giáp có thể phì đại lan tỏa, sưng to nhìn như một khối u ở cổ, bề mặt láng.
Chức năng tuyến giáp có thể bình thường trong giai đoạn đầu của bệnh, bệnh có thể tự hồi phục với bướu giáp nhỏ dần hoặc biến mất. Tuy nhiên một số trường hợp sẽ tiến triển suy giáp với tuyến giáp teo nhỏ, ảnh hưởng đến phát triển trí não và chiều cao, thể trạng của trẻ.
- Bướu cổ vị thành niên
Trẻ em trong độ tuổi dậy thì, tuyến giáp có thể to bất thường để đáp ứng với nhu cầu sản xuất hormon giáp. Tuyến giáp sẽ hoạt động bình thường và nhỏ dần theo thời gian mà không cần điều trị.
- Trẻ bị bướu cổ do thiếu iod
Thường gặp ở trẻ em vùng núi cao, có chế độ ăn thiếu iod. Phần lớn, tuyến giáp lớn đơn thuần và không ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp.
- Trẻ bị bướu cổ bẩm sinh
Trẻ bị rối loạn hormone tuyến giáp bẩm sinh di truyền từ gia đình hoặc rối loạn tổng hợp hormon giáp khi còn trong bụng mẹ. Trước khi mang thai, mẹ dùng một số loại thuốc ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp của trẻ.
- Nang tuyến giáp
Nang giáp thường xảy ra khi các túi nang trong tuyến giáp đột ngột lớn hơn khiến tuyến giáp to lên bất thường, có thể nhìn hoặc sờ thấy được. Nang tuyến giáp đơn giản là lành tính và thường không cần điều trị.
- Viêm tuyến giáp do vi khuẩn hoặc virus
Bướu cổ có thể do tuyến giáp bị viêm sưng mà nguyên nhân do vi khuẩn hoặc virus.
- Bệnh bướu cổ do sử dụng thuốc, các yếu tố vi lượng
Trẻ sử dụng thuốc có chứa lithium trong điều trị các bệnh lý tâm thần kinh, ảnh hưởng đến tổng hợp hormon tuyến giáp gây ra bướu cổ.
Trẻ uống nguồn nước có độ cứng cao (nguồn nước chứa khoáng chất dưới dạng ion quá mức cho phép như Ca, Mangan, Flo) cũng có thể bị bướu cổ.
Trên đây là triệu chứng của bệnh bướu cổ ở trẻ em, tuỳ thuộc vào thể loại khác nhau về hình thể và chức năng mà sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Do đó, nếu có dấu hiệu hoặc nghi ngờ trẻ bị bướu cổ, phụ huynh nên đưa con tới cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.