Đau đầu - Những dấu hiệu cảnh báo

Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Thị Minh Phương - Bác sĩ Chuyên khoa Thần Kinh, Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Đau đầu là triệu chứng hay gặp nhất trong cuộc sống. Mỗi chúng ta ai cũng bị đau đầu ít nhất một vài lần trong đời, và hầu hết mọi người bị đau đầu nhiều lần. Không phải lúc nào triệu chứng đau đầu cũng khiến bạn phải đi gặp bác sĩ, vì đa phần đau đầu nhẹ có thể điều trị bởi các thuốc giảm đau không cần kê đơn, thay đổi lối sống hoặc nghỉ ngơi thư giãn.

Tuy nhiên trong một số trường hợp đau đầu có thể là dấu hiệu cảnh báo một tình trạng bệnh nguy hiểm tiềm ẩn phía dưới, và nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.

1. Các dạng đau đầu

Đau đầu được chia làm 3 nhóm:

  • Đau đầu nguyên phát: là đau đầu xảy ra do rối loạn chức năng hoặc hoạt động quá mức của các cấu trúc nhạy cảm đau ở đầu, không liên quan tới một bệnh tiềm ẩn phía dưới. Các dạng hay gặp nhất là đau đầu Migraine, đau đầu dạng căng thẳng, đau đầu từng cụm.
  • Đau đầu thứ phát: là tình trạng đau đầu do tổn thương cấu trúc giải phẫu hoặc tình trạng nhiễm trùng ở vùng đầu, cổ. Có rất nhiều nguyên nhân gây đau đầu thứ phát, từ viêm răng, viêm xoang cho tới các bệnh lý có thể gây nguy hiểm tính mạng như viêm động mạch thái dương, xuất huyết não, viêm não - viêm màng não, hay u não.
  • Đau thần kinh sọ, đau mặt và các loại đau đầu khác

Một số dạng đau đầu phổ biến hiện nay
Một số dạng đau đầu phổ biến hiện nay

2. Các dấu hiệu cảnh báo đau đầu nguy hiểm

Nếu bạn có một trong các dấu hiệu dưới đây, bạn cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt:

  • Đau đầu khởi phát lần đầu sau tuổi 50.
  • Thay đổi tính chất hoặc kiểu đau đầu so với trước.
  • Đau đầu dữ dội bất thường.
  • Đau đầu tăng khi ho hoặc khi vận động.
  • Đau đầu ngày một nặng dần.
  • Đau đầu kèm thay đổi tính cách, hành vi hoặc chức năng tầm thần.
  • Đau đầu kèm theo sốt, cứng gáy, lẫn lộn, giảm trí nhớ, giảm sự tỉnh táo, hoặc có triệu chứng thần kinh như nói khó, yếu tay chân, cơn co giật, rối loạn thị lực...
  • Đau đầu kèm theo đỏ nhức mắt.
  • Đau đầu kèm theo đau và tăng nhạy cảm đau vùng thái dương.
  • Đau đầu sau khi bị va đập vào đầu.
  • Đau đầu xảy ra ở người bị ung thư hoặc suy giảm miễn dịch.

Để có thể chẩn đoán được chính xác nguyên nhân gây đau đầu, ngoài việc hỏi kỹ bệnh sử, tính chất đau đầu, bác sĩ cần thăm khám thần kinh toàn diện , và tùy từng trường hợp sẽ chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết khác như chụp CT/ Cộng hưởng từ sọ não, khám mắt, soi đáy mắt, hoặc xét nghiệm máu.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đưa vào sử dụng máy chụp cộng hưởng từ 3.0 Tesla công nghệ Silent. Máy chụp cộng hưởng từ 3.0 Tesla với công nghệ Silent của hãng GE Healthcare (Hoa Kỳ).


Hệ thống máy chụp cộng hưởng từ MRI 3.0 Tesla hiện đại tại Bệnh viện Vinmec
Hệ thống máy chụp cộng hưởng từ MRI 3.0 Tesla hiện đại tại Bệnh viện Vinmec

  • Công nghệ Silent đặc biệt có lợi cho các trường hợp người bệnh là trẻ em, người già, người bệnh sức khỏe yếu và người bệnh đang phẫu thuật
  • Hạn chế gây ra tiếng ồn, tạo sự thoải mái và giảm căng thẳng cho khách hàng trong quá trình chụp, giúp cho việc thu hình đạt chất lượng tốt hơn và rút ngắn thời gian chụp.
  • Công nghệ chụp cộng hưởng từ là công nghệ được áp dụng trong phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến, an toàn bậc nhất hiện nay bởi sự chính xác, không xâm lấn và không dùng tia X.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe