Bài viết bởi Bác sĩ Lại Thị Nguyệt Hằng - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Đặt vòng tránh thai hay còn gọi là đặt dụng cụ tử cung là một trong những biện pháp tránh thai lâu dài và hiệu quả. Tại Việt Nam đặt vòng tránh thai là phương pháp được nhiều chị em lựa chọn vì tính ưu việt của phương pháp này.
1. Đặt vòng tránh thai là như thế nào? Có mấy loại vòng tránh thai?
Đặt vòng tránh thai là đưa một thiết bị nhỏ (vòng tránh thai thường có hình chữ T) vào buồng tử cung để ngăn không cho trứng gặp tinh trùng và làm tổ ở tử cung của phụ nữ. Vòng tránh thai có 2 loại là vòng tránh thai có chứa đồng và vòng tránh thai nội tiết.
1.1 Vòng tránh thai hình chữ T chứa đồng
Là loại dụng cụ tử cung có hình dạng hình chữ T được đặt vào tử cung để ngăn ngừa quá trình thụ tinh của tinh trùng với trứng. Đây cũng là loại vòng tránh thai được sử dụng thông dụng nhất trong hiện nay, vòng có hình chữ T và hình cánh cung, có quấn đồng. Đuôi vòng có hai dây nhỏ thò ra âm đạo độ 2 - 3 cm để giúp bạn có thể kiểm tra xem vòng còn ở đúng vị trí hay không.
Cơ chế hoạt động: Chất đồng được gắn lên vòng tránh thai sẽ tác động lên các enzym tham gia vào quá trình xâm nhập của tinh trùng vào lớp niêm mạc tử cung, ngăn cản quá trình thụ thai. Đồng thời, các ion đồng được giải phóng ra hàng ngày sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình di chuyển của tinh trùng và thay đổi môi trường tử cung, khiến tinh trùng không thể gặp trứng để làm tổ.
Ưu điểm
- Hiệu quả tránh thai cao đến 97%,
- Có thể tránh thai trong thời gian dài: Thời gian tác dụng của vòng tránh thai chữ T sẽ tùy thuộc vào từng loại vòng. Với vòng Tcu 380, hiệu quả tránh thai là 8 - 10 năm, còn với loại vòng Multiload hiệu quả là 5 - 6 năm.
- Dùng được khi cho con bú: Vòng tránh thai không ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ.
- Chi phí thấp: Do vòng tránh thai chỉ cần đặt một lần, hiệu quả kéo dài trong nhiều năm nên chi phí giảm hẳn so với những phương pháp tránh thai khác.
- Không ảnh hưởng khả năng làm mẹ: Khi muốn sinh con, phụ nữ có thể tháo bỏ vòng tránh thai dễ dàng.
- Không cần phải nhớ hàng ngày như dùng thuốc tránh thai hàng ngày
- Không làm giảm khoái cảm khi quan hệ tình dục
Nhược điểm
- Khi mới đặt vòng tránh thai, có thể cảm thấy đau bụng, vướng víu, ra máu, có thể tác động đến chu kỳ kinh nguyệt, thời gian kinh nguyệt dài hơn, ra máu nhiều hơn, đau bụng nhiều hơn trong chu kỳ.
- Một vài trường hợp có triệu chứng ra khí hư bất thường và số lượng nhiều hoặc có một số tác dụng phụ có thể gặp như đau đầu, nổi mụn trứng cá, đau lưng...
Trắc nghiệm: Bạn đã biết cách tránh thai an toàn chưa?
Có rất nhiều biện pháp tránh thai an toàn nhưng không phải ai cũng biết được điều đó. Trả lời đúng những câu hỏi trắc nghiệm dưới đây chứng tỏ bạn có kiến thức tốt về các biện pháp ngừa thai an toàn.2.2 Vòng tránh thai nội tiết
Loại vòng này cũng có hình chữ T nhưng thay vì chứa đồng, chúng sẽ chứa hormone nội tiết, thường dùng loại Mirena và Liletta.
Cơ chế hoạt động: Lượng hormone nội tiết sẽ được giải phóng từ từ trong tử cung nhằm ngăn cản sự rụng trứng, đồng thời làm chất nhầy ở tử cung dày, đặc quánh tạo nên rào cản ngăn sự xâm nhập của tinh trùng; đồng thời làm lớp niêm mạc tử cung mỏng đi ngăn cản quá trình thụ thai.
Ưu điểm
- Hiệu quả tránh thai cao đến 98 – 99%, thời gian tác dụng 3 – 5 năm. Phần nội tiết từ vòng tránh thai chỉ tác động tại niêm mạc tử cung nên không gây ảnh hưởng đến toàn cơ thể.
- Đặt vòng tránh thai nội tiết, chu kỳ kinh nguyệt ổn định hơn, ít đau bụng hơn, lượng máu ra ít hơn so với vòng tránh thai chứa đồng.
- Biện pháp đặt vòng tránh thai nội tiết tương đối an toàn, không làm ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và sinh sản, có thể lấy vòng ra bất cứ lúc nào để mang thai, sinh nở khi có nhu cầu.
- Ngoài tác dụng ngừa thai, vòng tránh thai nội tiết còn được coi như một phương pháp điều trị hiệu quả những trường hợp rong kinh cơ năng liên quan đến nội tiết và những trường hợp rong kinh do u xơ tử cung, hay lạc nội mạc tử cung.
Nhược điểm:
- Chi phí cao và thời gian sử dụng ngắn hơn so với vòng tránh thai chứa đồng.
- Không có tác dụng ngay và nhanh chóng do lượng hormone cần thời gian để giải phóng. Do đó, sau khi đặt vòng nội tiết, cần sử dụng thêm các biện pháp tránh thai khác: bao cao su, thuốc tránh thai...
- Một số người có thể có hiện tượng rối loạn kinh nguyệt, tăng cân, nổi mụn, căng tức ngực, đau đầu, buồn nôn, tính khí thất thường... khi mới đặt vòng.
2. Những lưu ý khi đặt vòng tránh thai
Vòng tránh thai không phải phù hợp với tất cả phụ nữ. Do đó, cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám trước khi đặt, đảm bảo quá trình đặt vòng được tiến hành trong môi trường vệ sinh, đúng kỹ thuật, không gây tổn thương tử cung và các loại vòng tránh thai được sử dụng đảm bảo chất lượng.
- Phụ nữ còn trẻ chưa sinh con, có dự định sinh con trong một vài năm nên sử dụng biện pháp tránh thai khác.
- Phụ nữ có nhiều bạn tình không nên sử dụng phương pháp đặt vòng tránh thai vì vòng tránh thai không có khả năng ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Những người lỗ tử cung quá lỏng lẻo, cổ tử cung bị rách, sa tử cung ở trên độ 2 (khi đó đặt vòng tránh thai vào dễ long tuột rơi ra).
- Những phụ nữ cổ tử cung quá hẹp hoặc cứng quá, không thể long rộng ra, cũng không thể sử dụng vòng tránh thai.
- Khi bị các bệnh viêm nhiễm phần phụ nên chữa viêm nhiễm triệt để, sau đó mới đặt vòng tránh thai.
- Các trường hợp đang có khối u sinh dục: u xơ tử cung, u buồng trứng
- Chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân, đang có thai hoặc nghi có thai...
3. Thời điểm đặt vòng tránh thai
Thời gian đặt vòng tránh thai tốt nhất là ngay sau khi hết kinh nguyệt, 6 tuần sau khi sinh hoặc ngay sau khi nạo hút thai.
- Trong và sau khi đặt vòng tránh thai, người phụ nữ có thể có cảm giác hơi bị chuột rút.
- Nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng trong tuần đầu tiên.
- Kiêng sinh hoạt tình dục 1 tháng sau khi đặt vòng tránh thai.
- Tái khám 1 tháng sau khi đặt vòng tránh thai và khám định kỳ theo yêu cầu của bác sỹ.
- Nếu cảm thấy bất ổn về sức khỏe cần đến bệnh viện để kiểm tra ngay.
4. Đặt vòng tránh thai lâu có ảnh hưởng gì không?
Mỗi loại vòng, nhà sản xuất có đưa ra thời hạn sử dụng nhất định. Những phụ nữ đặt vòng tránh thai nếu để quá lâu so với thời hạn quy định thì sẽ có những nguy cơ như: vòng gãy và xuyên thủng cơ tử cung; nguy cơ “dính” thai, vì hiệu quả tránh thai của vòng hết hạn sẽ giảm đi hoặc không còn...
Trong thực tế, các bác sĩ Sản phụ khoa thường gặp những trường hợp phụ nữ để vòng tránh thai trong tử cung rất lâu, sau tuổi mãn kinh, tuổi đã về hưu. Với những phụ nữ để vòng quá lâu mà lâu nay không đi kiểm tra, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, cần đi khám phụ khoa, làm siêu âm để xem vòng có còn nằm trong tử cung hay không...
Nếu đặt vòng tránh thai trong thời gian quá dài, có thể vòng tránh thai bị rơi ra ngoài mà người phụ nữ không biết, dẫn đến có thai ngoài ý muốn hoặc vòng đi vào ổ bụng, thậm trí vòng xuyên vào bàng quang
Những phụ nữ đang sử dụng phương pháp đặt vòng để tránh thai nên đến cơ sở y tế uy tin khám để các bác sĩ khám kiểm tra định kỳ và cho lời khuyên nên tháo vòng tránh thai vào thời điểm nào là thích hợp.
Để giúp khách hàng phát hiện và điều trị sớm các bệnh phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có Gói khám, sàng lọc bệnh lý phụ khoa cơ bản, giúp khách hàng phát hiện bệnh sớm các bệnh lý viêm nhiễm giúp điều trị dễ dàng, không tốn kém. Sàng lọc phát hiện sớm ung thư phụ khoa (Ung thư cổ tử cung) ngay cả khi chưa có triệu chứng.
Gói khám, sàng lọc bệnh lý phụ khoa cơ bản dành cho khách hàng là nữ giới, không giới hạn độ tuổi và có thể có những triệu chứng như sau:
- Chảy máu bất thường vùng âm đạo
- Gặp vấn đề về kinh nguyệt: chu kỳ kéo dài bất thường, kinh nguyệt không đều
- Dịch âm đạo bất thường (có mùi hôi, màu sắc khác bình thường)
- Đau, ngứa vùng kín
- Khách hàng nữ có một vài yếu tố nguy cơ như vệ sinh cá nhân không tốt, quan hệ tình dục không an toàn, nạo phá thai,...
- Khách hàng nữ có triệu chứng khác như: Dịch âm đạo bất thường, ngứa, đau vùng kín, chảy máu âm đạo bất thường.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY