Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lê Đức Hoàng - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Đặt mặt nạ thanh quản cấp cứu (mask thanh quản) là phương pháp giúp kiểm soát đường thở nhanh chóng, góp phần nâng cao cơ hội sống và giảm tỷ lệ tai biến của bệnh nhân trong các trường hợp nguy hiểm.
1. Đặt mặt nạ thanh quản cấp cứu là gì?
Mặt nạ thanh quản là một phương tiện làm thông đường thở trên với cấu tạo gồm một ống nòng to, đầu dưới có một bóng chèn có hình elip. Sau khi đặt mặt nạ thanh quản và bơm hơi, bóng chèn sẽ úp kín với áp lực thấp qua lối vào thanh quản - tạo thành một lớp giống như mặt nạ.
Mặt nạ thanh quản cổ điển được phát minh bởi bác sĩ Archie Brain vào năm 1981 và bắt đầu được sử dụng từ năm 1988. Đến nay, mặt nạ thanh quản đã được cải tiến nhiều lần, có thêm nhiều loại mặt nạ thanh quản khác nhau trên cơ sở mask thanh quản cổ điển.
Mặt nạ thanh quản tiện lợi, có tính chất kiểm soát đường thở dễ hơn so với đặt ống nội khí quản nên mask thanh quản đã được đưa vào phác đồ cấp cứu đường thở khó, đặc biệt là trong các trường hợp không đặt ống nội khí quản được, không thông khí được. Bên cạnh đó, mask thanh quản còn được sử dụng để kiểm soát đường thở trong gây mê và cấp cứu hồi sức thay cho các phương pháp truyền thống như đặt ống nội khí quản hay dùng mask hở. Một số loại phẫu thuật có thể áp dụng gây mê bằng mask thanh quản gồm: U vú, ung thư tuyến giáp, ung thư vú, khối u vùng cổ hoặc một số ca đặt nội khí quản khó.
Ưu điểm của phương pháp đặt mặt nạ thanh quản:
- Dễ đặt hơn so với những dụng cụ kiểm soát đường thở trên thanh môn khác;
- Cho phép kiểm soát đường thở nhanh chóng và chính xác với tỷ lệ kiểm soát chắc chắn đường thở trong 98,5% trường hợp;
- Đảm bảo cung cấp oxy tốt hơn khi so sánh với phương pháp dùng mask hở;
- Mask thanh quản ít gây phản xạ ho rướn như khi dùng nội khí quản. Mask thanh quản cũng ít hoặc không gây phản xạ giao cảm như tăng nhịp tim, tăng huyết áp khi so sánh với đặt/rút nội khí quản;
- Làm giảm nhu cầu thuốc mê, giảm tỷ lệ đau họng so với đặt ống nội khí quản.
Nhược điểm của phương pháp đặt mặt nạ thanh quản:
- Phải đảm bảo độ mê sâu hơn các phương pháp kiểm soát đường thở khác;
- Bệnh nhân có nguy cơ trào ngược và hít sặc.
2. Chỉ định/chống chỉ định đặt mặt nạ thanh quản cấp cứu
2.1 Chỉ định
- Phẫu thuật trong thời gian ngắn và trung bình (dưới 2 giờ);
- Phẫu thuật cho bệnh nhân có nguy cơ tim mạch cao;
- Phẫu thuật cho bệnh nhân ngoại trú;
- Lựa chọn cho trường hợp đặt nội khí quản khó.
2.2 Chống chỉ định
- Dạ dày đầy;
- Có bệnh lý ở họng;
- Chấn thương cột sống cổ;
- Cần thông khí có áp lực đẩy vào trên 20 cm H2O (các trường hợp bị co thắt phế quản, béo bệu hoặc nằm sấp,...).
3. Thực hiện đặt mặt nạ thanh quản cấp cứu
3.1 Chuẩn bị
Nhân sự thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa và nhân viên y tế hỗ trợ;
- Bệnh nhân: Được trao đổi trước về mục đích, quy trình thực hiện thủ thuật (hoặc trao đổi với người nhà), chuẩn bị tư thế chuẩn và các thủ tục cần thiết trước can thiệp;
- Dụng cụ: Ống, bóng chèn, bóng bóp, đèn soi thanh quản, thuốc hồi sức, mặt nạ thanh quản,... Cần chọn cỡ mặt nạ thanh quản phù hợp, định lượng khí bơm và kiểm tra bóng không hở. Mặt nạ thanh quản có từ cỡ 1 - cỡ 5, dành cho các đối tượng có cân nặng khác nhau.
3.2 Quy trình thực hiện
- Hút xẹp bóng, bôi trơn mặt sau mặt nạ thanh quản;
- Khởi mê đủ sâu bằng thuốc gây mê phù hợp;
- Để bệnh nhân ngửa đầu tối đa, mở miệng bệnh nhân;
- Luồn mặt nạ thanh quản qua miệng, đẩy mặt nạ thanh quản xuống sâu hạ họng tới điểm phù hợp, bơm bóng đủ lượng khí trong lúc giữa ống để mặt nạ nằm đúng vị trí;
- Giữ ống, kiểm tra bằng cách bóp nhẹ, ngực phập phồng, nghe đều 2 bên phổi,...;
- Duy trì mê đủ sâu, có thể để bệnh nhân tự thở qua mặt nạ hoặc thông khí cơ học nếu áp lực đẩy vào dưới 20 cmH2O hoặc luồn nội khí quản nhỏ hơn qua mặt nạ để thay thế;
- Rút mặt nạ thanh quản: Khi bệnh nhân hồi phục phản xạ bảo vệ đường thở (há miệng, nuốt theo lệnh) thì hút cho bóng xẹp bớt và rút mặt nạ thanh quản, bóng sẽ kéo theo cả đờm dãi trong cổ họng. Cần tránh hút họng, tháo bóng hay rút mặt nạ thanh quản khi bệnh nhân chưa tỉnh. Sau đó, luồn cuộn gạc hoặc canun Guedel cạnh ống, dùng băng dính dán ống bên mép bệnh nhân và ngang qua nhân trung.
4. Theo dõi sau đặt mặt nạ thanh quản
Đảm bảo mặt nạ thanh quản không bị tuột: Vạch đen dọc ống luôn hướng lên môi trên, nghe ở cổ có hở khí, đo thể tích khí thở ra và theo dõi EtCO2 (nếu có).
5. Một số tai biến và cách xử trí
- Khó đặt mặt nạ thanh quản: Không nên cố đẩy vào. Cần kiểm tra đầu mặt nạ thanh quản, đảm bảo không cuộn hay tì vào sau thành họng. Sau đó, để đầu bệnh nhân ngửa tối đa, đẩy hàm dưới ra trước và thực hiện lại;
- Lệch, tắc mặt nạ thanh quản: Nên rút ra đặt lại;
- Tỉnh trong phẫu thuật và co thắt thanh quản: Tai biến này xảy ra do gây mê nông, thì phẫu thuật đau hoặc di động mặt nạ thanh quản. Trong trường hợp này, cách xử trí là thông khí oxy 100% và nhanh chóng gây mê sâu hơn cho bệnh nhân;
- Hít chất nôn vào phổi: Nên xử trí bằng cách bóp bóng oxy 100%, hút kĩ ống, thay ống mask thanh quản bằng ống nội khí quản, soi hút phế quản và thở PEEP.
Đặt mặt nạ thanh quản cấp cứu là thủ thuật đơn giản, nhanh chóng nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tai biến nên bệnh nhân cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để tránh gặp phải vấn đề không mong muốn.
XEM THÊM