Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thi Diễm Thúy - Bác sĩ tư vấn vắc-xin - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Tất cả người trưởng thành cần tiêm chủng để giúp họ ngăn ngừa và hạn chế lây lan các bệnh nghiêm trọng có thể dẫn đến sức khỏe kém, bỏ lỡ công việc, tăng chi phí Y tế và không thể chăm sóc gia đình.
1. Tiêm vắc xin cúm
Tất cả người lớn được khuyến cáo cần tiêm vắc-xin cúm hàng năm, vắc xin này đặc biệt quan trọng đối với những người mắc bệnh mãn tính, phụ nữ có thai và người lớn tuổi.
Tiêm vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván: Ở người lớn, nên tiêm nhắc 1 mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván mỗi 10 năm nếu lúc nhỏ đã tiêm đủ. Trong trường hợp lúc nhỏ chưa được tiêm hoặc tiêm không đầy đủ hoặc không nhớ đã tiêm hay chưa thì cần tiêm 3 mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván (mũi 2 cách mũi đầu tiên 1 tháng, mũi 3 cách mũi hai 5 tháng)
2. Người lớn từ 19 đến 26 tuổi
Ngoài vắc-xin cúm theo mùa và vắc-xin Td hoặc Tdap (uốn ván, bạch hầu và ho gà), bạn cũng nên tiêm vắc-xin HPV, bảo vệ chống lại các loại vi-rút papilloma ở người (HPV) gây ra các bệnh ở cổ tử cung, hậu môn và các loại khác ung thư, cũng như mụn cóc sinh dục. Tại Việt Nam, khuyến nghị tiêm vắc xin cho nữ như sau:
- Tiêm vắc-xin HPV cho trẻ lúc 11 hoặc 12 tuổi (có thể được bắt đầu từ 9 tuổi).
- Tiêm vắc-xin HPV cho người dưới 26 tuổi, nếu chưa được tiêm phòng trước đó.
- Ở một số nước khác, có thể có khuyến cáo một số người trưởng thành từ 27 đến 45 tuổi nếu chưa được tiêm phòng có thể cân nhắc tiêm vắc-xin HPV sau khi bác sĩ đánh giá về nguy cơ nhiễm trùng HPV và những lợi ích có thể có của việc tiêm phòng. Tiêm vắc-xin HPV ở độ tuổi này mang lại ít lợi ích hơn, vì nhiều người đã nhiễm với vi-rút HPV.
Một số vắc-xin có thể được khuyến nghị cho người lớn vì các yêu cầu đặc biệt liên quan đến công việc hoặc trường học, tình trạng sức khỏe, lối sống hoặc các yếu tố khác. Ví dụ, một số nơi yêu cầu sinh viên muốn nhập học vào các trường cao đẳng và đại học phải được tiêm vắc-xin viêm màng não do các đối tượng này có nguy cơ mắc bệnh và có thể lây lan cho sinh viên khác khi sống trong khu tập thể hoặc ký túc xá.
3. Người từ 50 tuổi trở lên
Tại Mỹ cứ 1 trong số 3 người ở Hoa Kỳ sẽ bị bệnh zona ít nhất 1 lần trong đời. Nguy cơ mắc bệnh zona tăng lên khi bạn già đi, ngoài ra, hơn 60% ca nhập viện liên quan đến cúm mùa xảy ra ở những người từ 65 tuổi trở lên.
Khi cơ thể già đi, hệ thống miễn dịch có xu hướng suy yếu theo thời gian, khiến chúng ta có nguy cơ cao mắc một số bệnh nhất định. Đây là lý do tại sao, ngoài vắc-xin cúm mùa và vắc-xin Td hoặc Tdap (uốn ván, bạch hầu và ho gà), bạn cũng nên tiêm:
- Vắc-xin bệnh zona, giúp bảo vệ chống lại bệnh zona và các biến chứng do bệnh (khuyến cáo cho người lớn khỏe mạnh từ 50 tuổi trở lên)
- Vắc-xin phế cầu khuẩn, bảo vệ chống lại bệnh phế cầu khuẩn, bao gồm nhiễm trùng phổi và máu (khuyến cáo cho tất cả người lớn trên 65 tuổi và cho người lớn dưới 65 tuổi có một số bệnh mãn tính)
4. Người lớn mắc bệnh
Tất cả người lớn đều cần tiêm vắc-xin cúm mùa và vắc-xin Td hoặc Tdap (uốn ván, bạch hầu và ho gà) nhưng có thể có sử dụng thêm vắc-xin được khuyến nghị dành riêng cho từng đối tượng. Người bệnh cần tìm hiểu kỹ về tiêm vắc-xin nếu có bất kỳ các bệnh nào sau đây:
- Thiếu lá lách
- Bệnh tiểu đường type 1 và type 2
- Bệnh tim, đột quỵ hoặc bệnh tim mạch khác
- Nhiễm HIV
- Bệnh gan
- Bệnh phổi bao gồm hen suyễn
- Bệnh thận
- Hệ thống miễn dịch suy yếu
Nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác để tìm ra loại vắc-xin nào được khuyến nghị cho bạn dựa trên tình trạng sức khỏe, tuổi tác và lối sống cụ thể của bạn.
5. Phụ nữ mang thai
Nếu bạn đang mang thai, có hai loại vắc-xin được khuyến cáo phụ nữ mang thai cần tiêm trong mỗi lần mang thai là:
- Vắc-xin Tdap (từ 27 đến 36 tuần của thai kỳ - tốt nhất là trong giai đoạn đầu của khoảng thời gian này) để giúp cơ thể chống lại bệnh ho gà
- Tiêm phòng cúm (trong mùa cúm, từ tháng 10 đến tháng 5).
6. Nhân viên Y tế
Nhân viên y tế có nguy cơ tiếp xúc với các bệnh nghiêm trọng, đặc biệt là các bệnh lây nhiễm. Nếu bạn làm việc trực tiếp với bệnh nhân hoặc xử lý các vật liệu lây nhiễm, bạn nên tiêm một số loại vắc-xin để giảm khả năng mắc bệnh hoặc lây lan bệnh. Ngoài vắc-xin cúm mùa và vắc-xin Td hoặc Tdap (uốn ván, bạch hầu và ho gà), bạn cũng nên tiêm phòng:
- Vắc xin Viêm gan B: Nếu bạn chưa hoàn thành lộ trình tiêm vắc-xin hepB hoặc nếu xét nghiệm máu cho thấy bạn chưa có miễn dịch với viêm gan B thì bạn nên tiêm 3 mũi vắc xin viêm gan B (liều đầu tiên là thời điểm bây giờ, mũi thứ 2 sau 1 tháng và mũi thứ 3 khoảng 5 tháng sau tính từ liều thứ 2). Sau 1-2 tháng tính từ mũi thứ 3, bạn nên xét nghiệm lại để đánh giá hiệu quả của việc tiêm chủng.
- Vắc xin MMR (Sởi, Quai bị & Rubella): Nếu bạn sinh năm 1957 trở về trước mà chưa được tiêm vắc-xin MMR, hoặc xét nghiệm máu cho thấy bạn chưa có miễn dịch với bệnh sởi, quai bị và rubella thì sẽ được khuyến cáo tiêm 2 mũi MMR, mỗi mũi cách nhau 4 tuần.
- Bệnh thủy đậu: Nếu bạn chưa bị thủy đậu hoặc nếu bạn chưa tiêm vắc-xin thủy đậu hoặc xét nghiệm máu cho thấy bạn chưa có miễn dịch với bệnh thủy đậu thì nên tiêm 2 liều vắc-xin thủy đậu, mỗi mũi cách nhau 4 tuần.
- Viêm màng não: Những người thường xuyên tiếp xúc với các chủng vi khuẩn N. meningitidis nên tiêm một mũi vắc xin viêm màng não.
7. Người đi du lịch
Nếu bạn đang có kế hoạch đi du lịch hoặc sinh sống ở nước ngoài, CDC cũng khuyến cáo bạn nên tiêm một số loại vắc xin để phòng ngừa các bệnh phổ biến ở quốc gia mà bạn đang có dự định tới.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec sử dụng nguồn vắc xin chất lượng cao, có xuất xứ rõ ràng, phù hợp theo độ tuổi cần tiêm chủng, đảm bảo an toàn từ khâu kiểm nhập, bảo quản đến khi sử dụng. Trước khi tiêm phòng, tất cả khách hàng được khám sàng lọc trước tiêm với các bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo sức khỏe tốt nhất khi tiêm chủng. 100% khách hàng tiêm chủng được theo dõi và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về. Đặc biệt, Phòng theo dõi sau tiêm chủng được trang bị đầy đủ các phương tiện cấp cứu; đội ngũ bác sĩ - điều dưỡng được đào tạo về xử trí cấp cứu phản vệ nhằm đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Cdc.gov