Đánh giá mức độ nặng của COPD bằng FEV1

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Văn Mạnh - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long .

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật và tử vong trên thế giới. Tuy nhiên, chẩn đoán COPD và điều trị sớm bệnh có thể làm giảm diễn biến nặng nề của bệnh, giảm nguy cơ tử vong và giảm gánh nặng lên kinh tế - xã hội.

1. Tìm hiểu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease - COPD) là bệnh có đặc trưng bởi sự tắc nghẽn đường thở tiến triển ngày một nặng dần. Bệnh liên quan tới phản ứng viêm bất thường của đường thở và nhu mô phổi bởi các phần tử, khí độc hại. Các đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh cùng mắc phải có thể làm tăng mức độ nặng ở bệnh nhân. Đây là nguyên nhân gây tàn tật, tử vong ở người, làm gia tăng đáng kể gánh nặng kinh tế - xã hội.

Tuy là căn bệnh nguy hiểm và có nhiều biến chứng nhưng căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị được. Theo đó, việc phát hiện và điều trị sớm COPD có thể giảm diễn biến nặng của bệnh, giảm nguy cơ tai biến, tử vong ở bệnh nhân. Tùy mức độ đánh giá của COPD bằng FEV1 để đưa ra kết luận chính xác và có phương án điều trị phù hợp.

2. Đánh giá mức độ nặng của COPD bằng FEV1


Đánh giá COPD bằng FEV1 để xác định mức độ nặng của bệnh
Đánh giá COPD bằng FEV1 để xác định mức độ nặng của bệnh

Việc đánh giá COPD nhằm mục đích xác định mức độ nặng của bệnh, các tác động lên tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, nguy cơ trong tương lai (cơn kịch phát, nhập viện, tử vong) để có biện pháp dự phòng, điều trị phù hợp. Các khía cạnh được đánh giá gồm triệu chứng, mức độ tắc nghẽn đường thở, nguy cơ đợt cấp của bệnh và đánh giá các bệnh lý kèm theo.

2.1 FEV1 là gì?

Hô hấp ký là phương pháp đo chức năng hô hấp giúp đánh giá hoạt động của phổi thông qua việc hít vào và thở ra, chẩn đoán các bệnh lý của phổi, phổ biến nhất là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Đồng thời, hô hấp ký cũng được sử dụng để theo dõi mức độ nặng - nhẹ của bệnh phổi và theo dõi hiệu quả điều trị bệnh.

Máy hô hấp ký đo được thể tích và tốc độ dòng khí bệnh nhân hít vào - thở ra. Các thông số được ghi nhận bởi thiết bị bao gồm:

  • Thể tích khí thở ra gắng sức trong 1 giây đầu tiên (FEV1 - viết tắt của Forced expiratory volume in one second). Nếu phổi và đường thở bình thường, một người có thể thổi ra hầu hết không khí ra khỏi phổi trong vòng 1 giây;
  • Dung tích sống gắng sức (FVC): Thể tích khí có thể thổi ra tối đa;
  • Chỉ số FEV1/FVC: Tỷ lệ giữa 2 thông số trên, giúp đánh giá tình trạng tắc nghẽn phổi.

2.2 Đánh giá mức độ nghiêm trọng của COPD bằng FEV1


Các giai đoạn phát triển của copd
Các giai đoạn phát triển của copd

Đo hô hấp ký có thể chẩn đoán tình trạng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD. Cụ thể, nếu đường hô hấp bị hẹp hoặc tắc nghẽn, nó sẽ làm lượng không khí thở ra giảm xuống. Như vậy, chỉ số FEV1 sẽ giảm, tỷ lệ FEV1/FVC thấp hơn so với bình thường. Theo đó, các giá trị FEV1 chẩn đoán mức độ nặng của COPD là:

  • Giai đoạn nhẹ: Chỉ số FEV1 >80% số lý thuyết, tỷ lệ FEV1/FVC <70%; có thể có hoặc không có triệu chứng mạn tính của bệnh như ho, khạc đờm,...;
  • Giai đoạn trung bình: 50%< chỉ số FEV1 <80% số lý thuyết, tỷ lệ FEV1/FVC <70%; có thể có hoặc không có triệu chứng mạn tính của bệnh như ho, khạc đờm, khó thở thường xuyên và tiến triển,...;
  • Giai đoạn nặng: 30%< chỉ số FEV1 <50% số lý thuyết, tỷ lệ FEV1/FVC <70%; có triệu chứng khó thở tăng và tái diễn bùng phát thành nhiều đợt, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân,...;
  • Giai đoạn rất nặng: Chỉ số FEV1 <30% số lý thuyết, tỷ lệ FEV1/FVC <70% hoặc FEV1 <50% số lý thuyết nhưng kèm theo suy hô hấp hoặc có dấu hiệu suy tim phải.

Có thể chẩn đoán, đánh giá mức độ nặng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD bằng giá trị FEV1. Và khi có dấu hiệu cảnh báo bệnh, tốt nhất bệnh nhân nên đi thăm khám để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, tránh nguy cơ gặp phải những biến chứng khó lường.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe