Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Tim mạch can thiệp, khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Khi tổn thương động mạch vành ở một mức độ nào đó thì dòng máu nuôi tim sẽ không đủ, dẫn đến tình trạng thiếu máu cơ tim. Vì vậy, người bệnh động mạch vành cần được chẩn đoán sớm để có phương pháp can thiệp kịp thời. Phương pháp chẩn đoán bằng kỹ thuật đo phân suất dự trữ lưu lượng vành (FFR) là một biện pháp xâm nhập đánh giá tình trạng thiếu máu cơ tim chính xác, hiệu quả.
1. Bệnh thiếu máu cơ tim do tổn thương động mạch vành
Bệnh thiếu máu cơ tim (hay còn gọi là thiếu máu cục bộ cơ tim) là bệnh lý xảy ra khi lưu lượng máu đến tim bị giảm, khiến cho tim không tiếp nhận đủ lượng oxy cần thiết cho hoạt động co bóp tống máu.
Lượng máu đến tim giảm là hậu quả của sự tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ các nhánh của động mạch vành. Thiếu máu cơ tim làm giảm khả năng bơm của tim, gây tổn thương cơ tim, nhiều trường hợp dẫn đến loạn nhịp tim và nhồi máu cơ tim. Hẹp động mạch vành có thể gây ra nhồi máu cơ tim.
2. Ảnh hưởng của tổn thương động mạch vành
Tổn thương động mạch vành sẽ gây ra tình trạng thiếu máu cơ tim, tình trạng này có thể kéo dài lâu ngày. Người bệnh sẽ bị đau ngực, suy tim, rối loạn nhịp tim và nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cấp là rất cao.
Khi các mảng xơ vữa trong lòng động mạch vành vỡ ra sẽ làm bít tắc hoàn toàn động mạch vành và gây ra thiếu máu cơ tim cấp tính, hoại tử cơ tim (hay còn được gọi là nhồi máu cơ tim cấp). Tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim cấp rất cao. Người bệnh nếu qua được cơn nhồi máu cơ tim cấp có thể sẽ tiếp tục bị suy tim và rối loạn nhịp tim sau nhồi máu cơ tim.
Các biến chứng của bệnh động mạch vành có thể dẫn đến:
- Đau thắt ngực: Khi hẹp động mạch vành, tim có thể không nhận đủ máu khi nhu cầu là lớn nhất, đặc biệt là trong hoạt động thể chất. Điều này có thể gây ra đau thắt ngực hoặc khó thở;
- Đau tim: Các mảng bám cholesterol vỡ và đông máu tắc nghẽn hoàn toàn động mạch tim có thể kích hoạt một cơn đau tim. Việc thiếu lưu lượng máu tới tim có thể thiệt hại cho cơ tim. Thiệt hại này phụ thuộc một phần vào việc được điều trị như thế nào;
- Suy tim: Thường xảy ra ngay sau cơn nhồi máu cơ tim do hoại tử cơ tim hoặc hậu quả của tình trạng thiếu máu cơ tim kéo dài. Biểu hiện của suy tim là người bệnh thường xuyên ho, khó thở, mệt mỏi;
- Nhịp tim bất thường, loạn nhịp: Thiếu máu để cung cấp cho tim hoặc thiệt hại cho các mô tim có thể can thiệp với xung điện tim, gây nên nhịp tim bất thường.
3. Đánh giá mức độ tổn thương động mạch vành bằng phương pháp FFR
3.1 Phương pháp FFR là gì?
Mặc dù chụp động mạch vành qua da được xem như tiêu chuẩn trong chẩn đoán bệnh động mạch vành, nhưng phương pháp này chỉ đơn thuần giúp bác sĩ đánh giá được mức độ hẹp đường kính lòng mạch mà không trả lời được câu hỏi liệu tổn thương đó có gây thiếu máu cơ tim hay không.
Do vậy, kỹ thuật đo phân suất dự trữ lưu lượng vành (Fractional Flow Reserve, viết tắt: FFR) là một thông số được đo trong quá trình chụp động mạch vành, giúp thầy thuốc trả lời câu hỏi liệu tổn thương hẹp có ảnh hưởng đến huyết động mạch vành và cần phải can thiệp tái tưới máu hay không.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ rõ ưu điểm của phương pháp FFR sẽ cho hiệu quả lâu dài tốt hơn những bệnh nhân không được áp dụng phương pháp FFR. Hay nói cách khác, FFR là một biện pháp xâm nhập đánh giá tình trạng thiếu máu cơ tim chính xác, hiệu quả, có ý nghĩa rất lớn với những bệnh nhân bệnh thiếu máu cơ tim ổn định mà triệu chứng đau ngực trên lâm sàng không điển hình.
3.2 Phương pháp FFR chỉ định trong trường hợp nào?
Phương pháp này chỉ định đối với:
- Bệnh nhân hẹp động mạch vành mức độ vừa (hẹp từ 40-70%) trên hình ảnh chụp mạch qua đường ống thông, tính cả những trường hợp tái hẹp trong stent cũ động mạch vành;
- Bệnh nhân có hẹp nhiều nhánh động mạch vành mà không thể xác định được nhánh nào là thủ phạm gây thiếu máu cơ tim;
- Bệnh nhân hẹp lan tỏa nhiều vị trí trên cùng một nhánh động mạch vành, nhằm xác định vị trí nào là hẹp đáng kể nhất;
- Bệnh nhân có hẹp tại chỗ phân nhánh và cần quyết định có can thiệp vào nhánh bên không;
- Theo dõi sau khi can thiệp nong/stent động mạch vành để đánh giá kết quả và đánh giá ảnh hưởng tới nhánh bên.
Phương pháp này không có các chống chỉ định tuyệt đối, nên cân nhắc chống chỉ định tương đối ở một số trường hợp sau:
- Những tổn thương hẹp ở phía quá xa không thích hợp về mặt giải phẫu để đo FFR;
- Nhồi máu cơ tim cấp, bệnh cơ tim phì đại, có nhiều tuần hoàn bàng hệ, cầu cơ động mạch vành... do khó đánh giá chính xác được mức độ ảnh hưởng huyết động.
4. Thực hiện kỹ thuật đo phân suất dự trữ lưu lượng vành FFR ở đâu?
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng, kỹ thuật đo phân suất dự trữ lưu lượng vành được thực hiện bằng hệ thống máy đo phân số dự trữ lưu lượng vành chuẩn quốc tế; trang thiết bị hiện đại, tối ưu. Đặc biệt kỹ thuật do đội ngũ bác sĩ chuyên ngành tim mạch có trình độ chuyên môn và tay nghề cao của Vinmec Hải Phòng thực hiện như:
- Thạc sĩ. Bác sĩ Bùi Tiến Đạt: được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực tim mạch và hồi sức cấp cứu tim mạch tại trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ đã có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu – tim mạch.
Ngoài ra, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng còn có Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi về thăm khám thường xuyên. Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi có gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khám và chữa các bệnh lý về tim mạch, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại các bệnh viện lớn như: Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam và Hiện đang là cố vấn cao cấp tại Trung tâm tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Thế mạnh trong việc khám và điều trị các bệnh lý tim mạch của Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi là khám, chẩn đoán, điều trị, cấp cứu các bệnh Tim mạch và Nội khoa; siêu âm tim; chỉ đạo tổ chức can thiệp tim mạch.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.