Hiện đang có nhiều người lựa chọn phương pháp dán răng sứ Veneers. Dán sứ Veneer là một phương pháp giúp tăng tính thẩm mỹ cho răng, đảm bảo chức năng ăn nhai mà không gây xâm lấn.
1. Dán sứ Veneer là gì?
Mặt dán sứ Veneer (Laminate sứ) là vật liệu có dạng vỏ mỏng với độ dày từ 0.3 - 0.5mm, giống với màu răng, được gắn lên bề mặt ngoài của răng, ôm vừa khít toàn thân răng. Nó giúp cải thiện hình dáng răng và đạt được tính thẩm mỹ như mong muốn. Veneer thường được làm từ sứ, composite hoặc nhựa tổng hợp, được gắn vĩnh viễn lên răng.
Phương pháp dán sứ Veneer cũng có thể được sử dụng trong điều trị một số vấn đề về thẩm mỹ. Cụ thể, những đối tượng nên dán răng sứ Veneer gồm:
- Người sở hữu răng bị mòn cạnh;
- Người có răng bị nứt, mẻ do chấn thương;
- Người có răng mọc thưa, giữa các răng có khe hở;
- Người bị lệch răng nhẹ, phát triển không đều, hình dạng bất thường;
- Người có răng bị ố màu do hút thuốc, dùng thuốc kháng sinh hoặc tẩy trắng răng không có tác dụng.
Một số đối tượng không nên dán sứ Veneer gồm:
- Người bị bệnh nha chu;
- Người có răng mọc lệch hoặc bị sai khớp cắn nặng;
- Bệnh nhân có lỗ sâu răng lớn, răng bị mòn hết men răng.
Khi thực hiện dán sứ Veneer, bác sĩ chỉ mài 1 lớp mỏng trên bề mặt răng, không tác động tới ngà răng hay các mô nhạy cảm quanh răng. Trong quá trình thực hiện, người bệnh sẽ được gây tê để giảm cảm giác ê nhức.
2. Dán sứ Veneer có ưu điểm gì?
Phương pháp dán sứ Veneer được đánh giá cao vì:
- Độ thẩm mỹ cao: Phương pháp dán răng sứ làm thay đổi màu sắc, hình dáng và kích thước của răng, giúp răng đều và đẹp hơn. Đồng thời, màu sứ Veneer khá tự nhiên nên giúp bạn tươi tắn, tự tin hơn khi mỉm cười;
- Ít tác động đến răng thật: Khi dán sứ Veneer, bạn chỉ cần mài rất ít mô răng nên không gây tổn hại tới răng. Đồng thời, phương pháp này hiếm khi gây chết tủy hay phải chữa tủy;
- Đảm bảo chức năng ăn nhai: Nha sĩ chỉ mài ở mặt ngoài răng một chút khi dán sứ Veneer nên không tác động nhiều tới cấu trúc giải phẫu của mô răng. Do đó, chức năng ăn nhai của bạn sẽ không bị ảnh hưởng. Đặc biệt, phương pháp này không loại bỏ nhiều mô răng, không xâm lấn đến tủy răng nên hạn chế tối đa tình trạng ê buốt răng;
- Độ bền cao: Dán răng sứ Veneer có độ bền cao với tuổi thọ trung bình 10 - 15 năm nếu được thực hiện bởi bác sĩ tay nghề cao, phòng nha thiết bị hiện đại và người bệnh chăm sóc răng tốt.
3. Phân biệt giữa dán sứ Veneer và bọc răng sứ
3.1 Về trường hợp thực hiện
Dán sứ Veneer và bọc răng sứ được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Dán sứ Veneer: Dùng trong trường hợp răng bị sậm màu, ố vàng, bị mòn hoặc vỡ ở mức độ tương đối (không quá 1⁄3 thân răng);
- Bọc răng sứ: Dùng trong trường hợp khôi phục răng bị hư hỏng nặng như màu răng quá xấu, răng không đều, răng gãy vỡ, sâu răng nặng hoặc mất gần như toàn bộ răng, khớp cắn sai lệch.
3.2 Về kỹ thuật thực hiện
Sự khác biệt về kỹ thuật thực hiện giữa 2 phương pháp như sau:
- Dán sứ Veneer: Nha sĩ mài 1 lớp mỏng trên bề mặt ngoài của răng (khoảng 0.3 - 0.5mm) rồi dán miếng sứ Veneer lên. Phần lớn men răng và các mô nhạy cảm quanh răng đều không bị ảnh hưởng;
- Bọc răng sứ: Nha sĩ sẽ mài khoảng 1 - 2mm mô răng rồi gắn mão sứ lên trên. Quá trình này có thể ảnh hưởng tới tủy răng, thậm chí phải lấy tủy răng nên chỉ áp dụng phương pháp này nếu răng đã bị hư hỏng nặng.
3.3 Về độ bền
Nếu được chăm sóc tốt, tuổi thọ của răng được dán sứ Veneer có thể kéo dài 10 - 15 năm. Còn tuổi thọ của bọc răng sứ có thể lên tới 20 năm. Để đảm bảo độ bền, bạn cần chăm sóc răng miệng kỹ càng, nên từ bỏ những thói quen xấu như hút thuốc lá, lười đánh răng, ăn đồ cứng,...
4. Quy trình dán sứ Veneer
Quy trình dán sứ Veneer như sau:
- Kiểm tra răng: Nha sĩ sẽ kiểm tra xem hàm răng của bạn có phù hợp để thực hiện phương pháp dán sứ Veneer không. Đồng thời, bác sĩ sẽ thăm khám tổng quát tình trạng răng miệng của bệnh nhân, chụp phim X-quang nhằm kiểm tra các khiếm khuyết, xác định nguyên nhân hư tổn và số lượng răng cần phục hình. Trường hợp bị sâu răng, cao răng hoặc mất răng thì bác sĩ sẽ điều trị trước khi dán sứ;
- Mài bớt men răng: Để chuẩn bị làm răng thì bác sĩ thường sẽ mài bỏ một lượng nhỏ men răng, tạo chỗ để dán sứ Veneer vào răng;
- Lấy dấu hàm, chọn màu răng: Bác sĩ sẽ lấy dấu hàm răng bằng cao su lấy dấu, chọn màu sắc miếng dán sứ Veneer phù hợp với hàm răng của bệnh nhân;
- Tạo hình mô phỏng cho Veneer: Mẫu lấy dấu hàm răng được gửi tới phòng labo nha khoa nhằm tạo hình mô phỏng sao cho mặt dán sứ phù hợp với răng bệnh nhân. Thời gian thực hiện thường mất vài ngày nên bác sĩ có thể gắn răng tạm cho người bệnh trong lúc chờ đợi;
- Dán Veneer lên răng: Ở lần khám tiếp theo, bác sĩ sẽ đặt miếng Veneer lên răng bệnh nhân để kiểm tra mức độ phù hợp, điều chỉnh theo hình dạng của răng. Sau khi xử lý hoàn tất thì bác sĩ làm sạch răng, dán Veneer.
Khi dán sứ xong, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách vệ sinh răng miệng và có chế độ ăn uống hợp lý để răng duy trì được màu sắc lâu dài.
5. Chăm sóc sau khi dán sứ Veneer
Một số lưu ý người bệnh cần nhớ sau khi dán răng sứ Veneer là:
- Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh để đảm bảo tuổi thọ cho mặt sứ và sức khỏe răng miệng. Bạn không nên hút thuốc lá để tránh gây hại cho răng miệng. Đồng thời, bạn nên tránh uống nước màu sẫm để đảm bảo độ bền, đẹp của răng. Bạn cũng nên phân chia lực cắn vào cả 2 bên hàm, tránh sử dụng nhiều 1 bên hàm. Đặc biệt, bạn nên hạn chế ăn đồ ngọt, dai, cứng, không dùng răng để mở nắp chai, xé bao bì hay cắn móng tay,...;
- Bạn nên chăm sóc răng miệng thường xuyên để có thể bảo vệ khoang miệng. Lưu ý là bạn nên dùng bàn chải mềm đánh răng 2 lần/ngày; dùng nước súc miệng để làm sạch mảng bám trong khoang miệng và dùng chỉ nha khoa, tăm nước để loại bỏ thức ăn thừa ở các kẽ răng;
- Sau khi dán sứ Veneer, bạn nên đi thăm khám định kỳ để được tư vấn, kiểm tra về răng, khớp cắn và độ bám keo. Đồng thời, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào xảy ra.
Dán sứ Veneer là phương pháp giúp bệnh nhân sớm sở hữu hàm răng trắng sáng, khỏe đẹp như ý. Khi chọn phương pháp này, bạn nên tìm đến cơ sở y tế uy tín, bác sĩ giàu kinh nghiệm để đảm bảo tính thẩm mỹ và độ bền dài lâu của mặt sứ Veneer.