Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, BS. Đặng Mạnh Cường - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Tình trạng áp-xe các tạng trong ổ bụng nếu không được điều trị có thể dẫn tới nhiễm khuẩn huyết hoặc sốc nhiễm khuẩn. Dẫn lưu áp xe ổ bụng dưới hướng dẫn của X-quang tăng sáng là phương pháp điều trị hữu hiệu cho bệnh nhân.
1. Tổng quan về áp-xe các tạng trong ổ bụng
1.1 Áp-xe ổ bụng là gì?
Áp-xe là một túi mô viêm có chứa đầy mủ. Áp xe có thể hình ảnh ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể. Áp-xe ổ bụng (áp xe trong phúc mạc) là tình trạng tụ mủ hoặc có vật liệu nhiễm bệnh trong ổ bụng. Áp-xe ổ bụng có thể phân bố ở trung thành bụng, phần sau của ổ bụng hoặc xung quanh các cơ quan trong ổ bụng như gan, tụy, thận,...
Áp-xe ổ bụng thường do các vi khuẩn xâm nhập vào bụng do hậu quả của chấn thương, vỡ ruột hoặc sau phẫu thuật ổ bụng và dạ dày. Khi bị áp-xe ổ bụng, bệnh nhân thường có các biểu hiện như: Cảm thấy mệt mỏi, đau bụng, sốt, buồn nôn và nôn mửa, ăn không ngon miệng.
1.2 Chẩn đoán và điều trị áp-xe các tạng trong ổ bụng
Các triệu chứng của áp-xe ổ bụng không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với triệu chứng của một số bệnh lý khác. Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ cần đến các phương pháp như xét nghiệm máu, chụp X-quang bụng, siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc phân tích mẫu dịch áp xe.
Để điều trị áp-xe các tạng trong ổ bụng, dẫn lưu dịch là lựa chọn đầu tiên nhằm thoát mủ từ áp-xe. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ sử dụng X-quang tăng sáng, chụp cắt lớp vi tính, siêu âm hoặc chụp số hóa xóa nền để chích kim xuyên da, đi vào trực tiếp ổ áp-xe rồi dùng bơm hút hết dịch. Sau khi rút hết ổ áp-xe, bác sĩ sẽ gửi mẫu dịch cho phòng thí nghiệm để phân tích và đưa ra chỉ định sử dụng kháng sinh phù hợp.
Ngoài ra, một số trường hợp khác cần phẫu thuật để: Làm sạch ổ áp-xe, nếu áp-xe khó tiếp cận bằng kim chọc hút hoặc một cơ quan trong ổ bụng đã bị vỡ. Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ gây mê toàn thân bệnh nhân, sau đó rạch da bụng, xác định vị trí áp-xe. Sau đó, bác sĩ làm sạch áp-xe, gắn ống dẫn lưu vào để dẫn lưu dịch mủ ra ngoài. Ống dẫn lưu được đặt cho tới khi áp-xe lành lại.
2. Giới thiệu kỹ thuật dẫn lưu áp-xe các tạng trong ổ bụng dưới X quang tăng sáng
2.1 Chỉ định
Các trường hợp áp-xe ở các tạng khác nhau trong cơ thể như gan, thận, lách, tụy, quanh thận, áp xe trong ổ bụng, sau phúc mạc hoặc trong cơ.
2.2 Chống chỉ định
- Bệnh nhân rối loạn đông máu, tỷ lệ prothrombin dưới 60%, số lượng tiểu cầu dưới 50 G/l;
- Bệnh nhân suy gan, suy thận, suy hô hấp và tuần hoàn nặng.
2.3 Chuẩn bị trước khi thực hiện
- Người thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ phụ, kỹ thuật viên điện quang, bác sĩ gây mê, điều dưỡng;
- Phương tiện kỹ thuật: Máy X-quang tăng sáng truyền hình; máy siêu âm có đầu dò phẳng và cong; phim, máy in phim và hệ thống lưu trữ hình ảnh; bộ áo chì, tạp dề, che chắn tia X, túi nilon kháng khuẩn bọc đầu dò siêu âm;
- Thuốc: Thuốc gây tê tại chỗ hoặc thuốc gây mê toàn thân (nếu có chỉ định), thuốc đối quang iod tan trong nước, dung dịch sát khuẩn da và niêm mạc;
- Vật tư y tế thông thường: Bơm tiêm; nước muối sinh lý hoặc nước cất; găng tay, áo, mũ và khẩu trang phẫu thuật; bông, gạc, băng dính phẫu thuật; bộ dụng cụ can thiệp vô trùng (dao, kéo, kẹp, bát kim loại, khay quả đậu, khay đựng dụng cụ); hộp thuốc và các dụng cụ cấp cứu tai biến thuốc đối quang iod;
- Vật tư y tế đặc biệt: Kim Chiba; dây dẫn tương ứng với kim Chiba; dây nối bơm thuốc; ống thông dẫn lưu pigtail; chỉ khâu cố định ống thông;
- Bệnh nhân: Được giải thích về thủ thuật; nhịn ăn và uống trước 6 giờ, có thể uống dưới 50ml nước; tại phòng can thiệp bệnh nhân nằm ngửa, nằm sấp hoặc nằm nghiêng tùy vị trí dẫn lưu, đồng thời lắp máy theo dõi (nhịp thở, huyết áp, mạch, điện tâm đồ, SpO2), sát trùng da rồi phủ khăn vô khuẩn có lỗ. Có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc an thần nếu quá kích thích, không nằm yên;
- Phiếu xét nghiệm: Gồm hồ sơ bệnh án, phiếu chỉ định thực hiện thủ thuật, phim chụp X-quang, cộng hưởng từ, cắt lớp vi tính nếu có.
2.4 Quy trình thực hiện
- Đánh giá trước can thiệp: Siêu âm và/hoặc chụp cắt lớp vi tính để đánh giá ổ áp-xe; xác định vị trí, giới hạn và tính chất ổ áp xe. Sau đó đánh dấu vị trí dự kiến sẽ tiếp cận ổ áp-xe;
- Bộc lộ đường vào: Sát khuẩn rộng tại vị trí chọc kim, gây tê tại chỗ, rạch vết nhỏ trên da bằng dao phẫu thuật;
- Tiếp cận ổ áp-xe: Chọc kim dẫn đường qua vị trí rạch da vào trong ổ áp-xe. Tiếp theo, bơm thuốc đối quang vào ổ áp-xe nhằm xác định đầu kim đã ở trong ổ áp xe. Sau đó, rút dịch trong ổ áp xe để nuôi cấy, phân lập vi sinh vật, lập kháng sinh đồ rồi đưa dây dẫn đường vào ổ áp xe qua kim dẫn đường;
- Đặt ống dẫn lưu: Dùng ống nong đưa vào ổ áp-xe theo dây dẫn đường để nong rộng đường vào, cỡ tăng dần tùy theo đường kính ống thông dự định sẽ đặt. Tiếp theo, đặt ống dẫn lưu pigtail vào trong ổ áp-xe theo dây dẫn, cố định ống thông bằng kim chỉ khâu phẫu thuật. Cuối cùng dùng nước muối sinh lý vô khuẩn để bơm rửa ổ áp xe tới khi dịch trong.
2.5 Nhận định kết quả và theo dõi sau thủ thuật
- Ống thông cố định chắc chắn vào thành bụng - ngực, đầu xa của ống thông nằm trong ổ áp-xe;
- Đánh giá vị trí chọc và dịch dẫn lưu qua ống thông;
- Theo dõi mạch, huyết áp và nhiệt độ của bệnh nhân.
2.6 Tai biến và cách xử trí
- Chảy máu nhiều: Xử trí bằng cách truyền máu hoặc phẫu thuật;
- Choáng do đau hoặc sốc thuốc: Cần ngừng thủ thuật và điều trị chống sốc theo phác đồ chuẩn;
- Chảy dịch áp-xe vào ổ bụng, rò tiêu hóa: Lựa chọn tiếp tục dẫn lưu và phẫu thuật tùy từng trường hợp cụ thể;
- Nhiễm khuẩn: Nên điều trị kháng sinh hoặc phẫu thuật tùy từng trường hợp cụ thể.
Dẫn lưu áp-xe các tạng trong ổ bụng dưới X quang tăng sáng là biện pháp điều trị hữu hiệu cho tình trạng này, giảm nguy cơ gặp phải những biến chứng nghiêm trọng. Bệnh nhân khi được chỉ định kỹ thuật này cần phối hợp với mọi hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Trước khi nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park từ tháng 12 năm 2017, Bác sĩ Đặng Mạnh Cường có trên 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu âm – chẩn đoán hình ảnh ở các Bệnh viện Giao thông vận tải Hải Phòng, Phòng MRI bệnh viện Nguyễn Tri Phương và khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Quốc tế Becamex.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.