Đái tháo đường và con đường dẫn tới bệnh thận mạn giai đoạn cuối

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Đái tháo đường là một trong những bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có khoảng 20-40% bệnh nhân mắc đái tháo đường dẫn tới bệnh thận mạn giai đoạn cuối.

1. Bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường hay còn gọi là bệnh tiểu đường là một bệnh mãn tính với biểu hiện lượng đường trong máu của người bệnh luôn cao hơn mức bình thường. Do cơ thể của người bệnh bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn tới rối loạn chuyển hóa đường trong máu.

Đái tháo đường được chia làm hai loại chính :

  • Đái tháo đường type 1: người mắc bệnh bị thiếu insulin do tổn thương tế bào beta tuyến tụy không sản xuất insulin. Đái tháo đường typ 1 hiếm gặp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, người trẻ chiếm 5-10% trong số bệnh nhân mắc bệnh.
  • Đái tháo đường type 2: những người bị đái tháo đường typ 2 bị đề kháng với insulin. Tức là cơ thể vẫn có thể sản xuất ra insulin nhưng nó không thể chuyển hóa được glucose. Tiểu đường type 2 chiếm khoảng 90-95% trong số người bệnh bị tiểu đường.

Khi mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể sẽ không chuyển hóa các chất glucose từ thực phẩm một cách hiệu quả để tạo ra năng lượng. Vì vậy, gây ra tình trạng lượng đường tích tụ tăng dần trong máu. Lượng đường trong máu sẽ thường xuyên cao, lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh thận, tim mạch, gây ra tổn thương các cơ quan khác như thần kinh, mắt, hay những bệnh lý nghiêm trọng khác trong đó có bệnh thận mạn giai đoạn cuối.


Tiểu đường lâu năm làm tăng nguy cơ bị mắc các bệnh lý về thận
Tiểu đường lâu năm làm tăng nguy cơ bị mắc các bệnh lý về thận

2. Bệnh thận mạn do đái tháo đường

Bệnh thận mạn do đái tháo đường hay còn gọi là bệnh thận đái tháo đường, thuộc nhóm biến chứng mạch máu nhỏ, tổn thương chính nằm ở cầu thận. Trong đó, cầu thận là nơi máu được lọc qua để tạo thành nước tiểu, các chất được lọc qua cầu thận bao gồm: nước, các chất điện giải kali, natri, các chất thải trong quá trình chuyển hóa,...

Đối với người bệnh đái tháo đường typ 1, bệnh thận đái tháo đường sẽ diễn biến theo từng giai đoạn bao gồm:

  • Giai đoạn 1: đường huyết tăng cao, lượng máu đến thận tăng. Thận tăng kích thước.
  • Giai đoạn 2: chưa có triệu chứng rõ trên lâm sàng. Bắt đầu có những thay đổi mô học ở cầu thận.
  • Giai đoạn 3: tiểu albumin (dân gian thường gọi albumin là lòng trắng trứng). Đây là dấu chỉ điểm bệnh thận diễn tiến nặng hơn. Nếu không điều trị, khoảng 20-40% sẽ tiến đến bệnh thận rõ trên lâm sàng
  • Giai đoạn 4: bệnh thận rõ trên lâm sàng. Bệnh nhân sẽ tiểu đạm. Albumin trong nước tiểu 24 giờ lớn hơn 300mg. Chức năng lọc của thận bắt đầu suy giảm. Huyết áp bệnh nhân bắt đầu tăng.
  • Giai đoạn 5: bệnh thận giai đoạn cuối. Nếu không điều trị khoảng 20% sẽ bị bệnh thận giai đoạn cuối, cần phải lọc thận hoặc thay thận để duy trì cuộc sống.

Bệnh thận đái tháo đường có những đặc điểm sau:

  • Tiểu albumin liên tục >300mg/ ngày, được xác định ít nhất 2 lần trong vòng 3-6 tháng.
  • Chức năng lọc của cầu thận giảm dần
  • Tăng huyết áp có thể xuất hiện trong giai đoạn đầu của bệnh đái tháo đường typ 2 hoặc chậm hơn.

Bệnh thận đái tháo đường có tỉ lệ tiểu albumin liên tục trên 300mg/ngày
Bệnh thận đái tháo đường có tỉ lệ tiểu albumin liên tục trên 300mg/ngày

3. Nguyên nhân đái tháo đường dẫn tới bệnh thận mạn

Nguyên nhân bệnh đái tháo đường dẫn tới bệnh thận mạn là do:

  • Do tổn thương động mạch thận: đái tháo đường lâu ngày gây xơ vữa các mạch máu lớn, trong đó có động mạch thận. Hậu quả làm tắc hẹp mạch máu gây ra tăng huyết áp và suy thận.
  • Do tổn thương các mạch máu nhỏ trong thận: người bệnh đái tháo đường kéo dài tạo ra các chất oxy hóa, lâu ngày làm tổn thương đến các mạch máu nhỏ ở thận. Đồng thời lượng đường trong máu cao, thận phải làm việc quá tải trong nhiều ngày, làm cho các lỗ lọc to ra gây rò rỉ albumin vi niệu ra ngoài nước tiểu. Sau một thời gian dài albumin niệu nhiều hơn và xuất hiện cả protein niệu.
  • Do tổn thương hệ thần kinh: với bệnh nhân đái tháo đường, việc truyền tín hiệu thần kinh từ não đến các cơ quan bị ảnh hưởng. Bàng quang bị giảm kích thích và không có cảm giác khi bàng quang đầy nước tiểu, ứ đọng lâu ngày sẽ dẫn tới nhiễm trùng đường tiết niệu. Vi khuẩn sẽ đi ngược lên làm thận bị tổn thương và dẫn tới bệnh thận mạn.

4. Các cách phòng ngừa đái tháo đường dẫn tới bệnh thận mạn

Bệnh nhân bị tiểu đường ngoài việc kiểm soát tốt đường huyết và huyết áp, cần có một chế độ ăn và lối sống lành mạnh, giúp ngăn ngừa gây ra những biến chứng nguy hiểm cũng như dẫn tới bệnh thận mạn giai đoạn cuối. Một số chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường như:

  • Hạn chế tinh bột như cơm, khoai tây, khoai nướng, miến,...

Bệnh nhân đái tháo đường nên hạn chế sử dụng tinh bột trong thực đơn hàng ngày
Bệnh nhân đái tháo đường nên hạn chế sử dụng tinh bột trong thực đơn hàng ngày
  • Tránh đồ ăn ngọt như bánh kẹo, hay những loại hoa quả có lượng đường cao như na, mít, nhãn,...
  • Ăn nhiều rau xanh, và các loại hoa quả ít đường
  • Giảm lượng muối, không ăn những thực phẩm chế biến sẵn như mì tôm, thịt muối, lạp xưởng, xúc xích, cá khô,...
  • Hạn chế chất đạm theo chỉ định của bác sĩ như: trứng, nội tạng động vật,...
  • Hạn chế mỡ và bơ động vật
  • Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, không nên ăn quá no. Tuy nhiên vẫn cần đảm bảo đủ năng lượng.
  • Hạn chế các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê,...
  • Tập thể dục đều đặn thường xuyên, vừa sức, tránh những hoạt động gắng sức.
  • Giữ cân nặng ở mức độ lý tưởng, phù hợp. Nếu béo phì cần thực hiện chế độ giảm cân.

Tóm lại, đái tháo đường dẫn tới bệnh thận mạn giai đoạn cuối là một trong những biến chứng nguy hiểm. Người bệnh có thể hoàn toàn kiểm soát và ngăn ngừa được nếu có một chế độ sinh hoạt phù hợp. Ngoài ra, việc thăm khám thường xuyên định kỳ có thể phát hiện sớm những biến chứng và có biện pháp can thiệp phù hợp ngăn ngừa bệnh nặng thêm.

Tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec luôn triển khai gói sàng lọc đái tháo đường, rối loạn mỡ máu nhằm giúp phát hiện sớm tình trạng tiền đái tháo đường, phân loại chính xác type tiểu đường, xây dựng chế độ dinh dưỡng, theo dõi giảm thiểu các nguy cơ, biến chứng do tiểu đường gây ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe