Hiện tượng kinh nguyệt xảy ra hàng tháng sẽ xuất hiện khi phụ nữ bước vào tuổi dậy thì vaf có vai trò quan trọng đối với sức khỏe sinh sản. Vì vậy, phụ nữ cần trang bị các kiến thức về sinh lý kinh nguyệt giúp theo dõi cũng như kiểm soát sức khỏe ở giai đoạn này.
1. Thế nào là sinh lý kinh nguyệt?
Chu kỳ kinh nguyệt được biết đến như sự thay đổi về mặt sinh lý được thực hiện bởi hệ thống hormon sinh dục của cơ thể ở nữ giới, bao gồm Estrogen và Progesterone. Hiện tượng sinh lý chu kỳ kinh nguyệt gắn liền với sự chảy máu có tính chất chu kỳ hàng tháng từ tử cung ra bên ngoài cơ thể. Nguyên nhân do bong niêm mạc tử cung bởi ảnh hưởng của sự thay đổi đột ngột các hormone sinh dục trong cơ thể. Hiện tượng này hoàn toàn được xem như quá trình phát triển bình thường ở nữ giới.
Sinh lý kinh nguyệt được diễn ra bởi hoạt động của hệ trục dưới đồi, tuyến yên và buồng trứng. Hoạt động của hệ trục này xảy ra và tác động lên tử cung gây ra hiện tượng kinh nguyệt ở phụ nữ. Hormone GnRH được giải phóng từ vùng đồi tác động lên thuỳ trước của tuyến yên, kích thích sản sinh ra FSH và LH. Hormone FSH kích thích các nang noãn ở buồng trứng phát triển lớn dần. Mức độ LH tăng cao sẽ cùng FSH làm cho nang noãn chín, kích thích quá trình phóng noãn.
Khi các nang noãn đã lớn dần lên, các tế bào hạt ở vỏ nang sẽ tiết chế hormone sinh dục Estrogen. Sau khi quá trình phóng noãn xảy ra, hoàng thể được hình thành tại nơi nang noãn vỡ ở vị trí trên bề mặt buồng trứng, tiết chế Progesterone và một phần Estrogen.
Hormone Estrogen có tác dụng lên nội mạc tử cung làm nó trở nên dày hơn và tăng sinh các ống tuyến. Còn quá trình tiết chế Progesterone sẽ tác dụng lên các ống tuyến của nội mạc tử cung khiến cho bộ phần này trở nên ngoằn ngoèo và tiết dịch nhầy nhiều hơn. Sau thời gian khoảng 14 ngày khi phóng noãn, nồng độ 2 hormone Estrogen và Progesterone giảm đột dẫn đến tình trạng bong niêm mạc tử cung và xuất hiện hiện tượng kinh nguyệt.
Khi Estrogen và Progesterone tăng cao đến một mức độ nhất định sẽ tác động ngược lên vùng dưới đồi, ngừng tiết hormon GnRH và ngược lại.
2. Các giai đoạn trong chu kỳ kinh nguyệt
Chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới có thể bắt đầu từ khi bước vào dậy thì (khoảng 12 đến 17 tuổi) cho tới khi hết thời kỳ mãn kinh (từ 45 đến 55 tuổi). Chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới có thể bao gồm các giai đoạn:
- Giai đoạn kinh nguyệt: Đây chính là giai đoạn đầu tiên của chu kỳ này hay còn gọi là giai đoạn hành kinh ở nữ giới. Giai đoạn xảy ra khi trứng ở chu kỳ trước không được thụ tinh hoặc quá trình mang thai không xảy ra khiến cho lớp niêm mạc của tử cung bị bong ra và loại bỏ ra ngoài cơ thể thông qua đường âm đạo. Cùng với sự giảm nồng độ hormone sinh dục Estrogen và Progesteron khiến cho trứng được giải phóng ra ngoài kèm theo cả máu cùng với chất nhầy, niêm mạc tử cung hình thành nên hành kinh ở phụ nữ. Ở giai đoạn đầu này có thể cơ thể người phụ nữ sẽ xuất hiện một số dấu hiệu như đau bụng kinh hoặc lưng, tức ngực, thay đổi tâm trạng... Quá trình này thường kéo dài từ 3 đến 7 ngày, nhưng ở mỗi người có thời gian nhiều và ít khác nhau.
- Nang trứng xảy ra song song với giai đoạn hành kinh ban đầu: Có nghĩa nang trứng sẽ bắt đầu khi ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt diễn ra và giai đoạn này cũng sẽ kết thúc khi trứng rụng. Thực hiện quá trình này được điều phối bởi tuyến yên nhận tín hiệu để giải phóng hormone kích thích nang trứng. Hormone này sẽ kích thích cho buồng trứng của người phụ nữ sản xuất từ 5 đến 20 nang trứng nhỏ, mỗi nang trứng sẽ có một quả trứng chưa trưởng thành. Số trứng chưa trưởng thành còn lại sẽ được tái hấp thụ vào cơ thể. Còn các nang trứng trưởng thành sẽ làm thay đổi nồng độ hormone Estrogen, dày niêm mạc tử cung để tạo môi trường thuận lợi cho quá trình thụ thai và hình thành bào thai.
- Giai đoạn rụng trứng có thể khiến cho người phụ nữ mang thai. Khi trứng trưởng thành được giải phóng từ buồng trứng thì sẽ di chuyển về phía ống dẫn trứng đến tử cung, kết hợp với tinh trùng để thụ tinh hình thành thai nhi. Quá trình rụng trứng ở người phụ nữ có thể xảy ra vào ngày thứ 14 chu kỳ kinh nguyệt và trong vòng 24 giờ thì khả năng thụ thai có thể diễn ra. Ở thời gian này, nếu không được thụ tinh thì trứng sẽ chết và tan ra bên trong cơ thể.
- Giai đoạn hoàng thể: Xảy ra khi nang trứng giải phóng trứng và cơ thể giải phóng hormone Progesterone, Estrogen. Ở thời điểm này nồng độ các hormone này tăng cao để giúp cho niêm mạc tử cung dày lên và chuẩn bị sự sẵn sàng cho quá trình thụ thai. Với những trường hợp quá trình thụ thai xảy ra, hormone Gonadotropin sẽ giúp duy trì hoàng thể, giữ cho niêm mạc tử cung dày lên để đảm bảo sự an toàn cho thai nhi. Với những trường hợp không xảy ra quá trình thụ thai, hoàng thể sẽ bị co lại và tái hấp thụ vào cơ thể. Khi đó, nồng độ hormone sinh dục estrogen và progesterone giảm, chu kỳ kinh nguyệt xảy ra. Giai đoạn hoàng thể có thể kéo dài với khoảng thời gian từ 11 đến 17 ngày. Những trường hợp trứng không được thụ tinh sẽ gặp một vài dấu hiệu như ngực căng, sưng đau hoặc tâm trạng bất thường, bụng chướng và đầy hơi, mất ngủ, thay đổi ham muốn tình dục hay thèm ăn hơn so với bình thường.
3. Một vài tính chất của kinh nguyệt
Niêm mạc tử cung trong giai đoạn hành kinh có thể bong ra không đều tại các vùng khác nhau của tử cung, có nơi niêm mạc đã, đang hoặc chưa bong. Vì vậy thời điểm này có thể kéo dài từ khoảng 3 đến 5 ngày. Khi niêm mạc bong ra đến đâu thì sẽ được tái tạo ngay tới đó và cơ chế này vẫn chưa được giải thích rõ ràng. Trong chu kỳ kinh không phóng noãn, niêm mạc tử cung chịu tác động của hormon Estrogen và không có xoang nối tiếp động - tĩnh mạch, đồng thời chỉ xuất hiện tình trạng vỡ các tiểu động mạch xoắn ốc nên máu hành kinh chính là máu động mạch có màu đỏ tươi. Nhưng với vòng kinh có phóng noãn, máu hành kinh sẽ có màu thẫm hơn hoặc ngả nâu. Máu này có thể được chảy từ xoang nối tiếp động mạch và tĩnh mạch, hình thành dưới tác dụng của hormone sinh dục của Estrogen phối hợp với Progesteron.
Ngoài ra, máu kinh cũng chính là hỗn hợp dịch không đông, bao gồm cả chất nhầy của tử cung hoặc cổ tử cung, cùng với những mảnh niêm mạc tử cung, tế bào bong của âm đạo và cổ tử cung.
Máu kinh có thành phần các chất protein cùng các chất men và prostaglandin. Máu đông trong âm đạo thường tích tụ hồng cầu, không chứa sợi huyết, buồng tử cung xảy ra hiện tượng tiêu sợi huyết và protein. Những sản phẩm giáng hóa của sợi huyết gây nên tình trạng chống đông máu rất hiệu quả. Máu hành kinh có mùi hơi nồng.
Lượng máu mất trong mỗi chu kỳ có thể thay đổi tùy theo lứa tuổi, khoảng từ 60 đến 80ml. Lượng máu kinh có thể nhiều vào những ngày giữa nhưng không liên quan đến độ dài của chu kỳ.
Tóm lại, kinh nguyệt phản ánh tình hình hoạt động nội tiết của trục vùng dưới đồi, tuyến yên, buồng trứng và tình trạng của niêm mạc tử cung. Đây cũng là thước đo quá trình diễn biến hoạt động sinh dục của người phụ nữ. Do đó, mỗi chị em phụ nữ cần chủ động tìm hiểu đặc điểm sinh lý kinh nguyệt để biết cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.