Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Trẻ sơ sinh non tháng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe trên các hệ cơ quan như hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, thần kinh,... Việc chăm sóc, điều trị đúng cách cho trẻ sinh non sẽ giúp bé phát triển toàn diện, bắt kịp đà tăng trưởng như các bé sinh đủ tháng.
1. Đặc điểm của trẻ sơ sinh non tháng
Trẻ sơ sinh được gọi là sơ sinh non tháng khi ra đời trước 37 tuần tuổi thai. Có khoảng 12% trong tổng số trẻ được sinh ra là trẻ non tháng. Trẻ ra đời trước 28 tuần là sinh cực non, ra đời trong khoảng 28 - 34 tuần là sinh non tháng và trẻ chào đời ở thời điểm 34 - 37 tuần là sinh non muộn.
Trẻ sơ sinh non tháng có đặc điểm:
- Khả năng dự trữ và điều hòa hệ nội môi chưa hoàn chỉnh: Bé dễ bị hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, hạ canxi huyết;
- Hệ miễn dịch còn khiếm khuyết do thiếu kháng thể truyền từ mẹ, nhiễm trùng bào thai gây sinh non, thủ thuật gây nhiễm trùng bệnh viện: Bé dễ bị viêm phổi, viêm màng não, viêm khớp, nhiễm trùng huyết;
- Hệ hô hấp (gồm phổi và trung khu hô hấp) chưa trưởng thành, thiếu chất hoạt động bề mặt (surfactant), các phế nang chưa hình thành đầy đủ, thành ngực không ổn định, cơ hô hấp yếu: Trẻ có nguy cơ xuất hiện các cơn ngưng thở hoặc mắc bệnh màng trong, mắc bệnh phổi mạn tính;
- Hệ tiêu hóa: Phản xạ bú, nuốt yếu; chậm hấp thu dưỡng chất và hệ tiêu hóa dễ bị tổn thương; gan chưa trưởng thành. Vì vậy, bé có nguy cơ gặp phải các vấn đề như hít sặc, trào ngược dạ dày - thực quản, liệt ruột cơ năng, viêm ruột hoại tử, vàng da sớm và có nguy cơ vàng da nhân;
- Hệ tim mạch chưa hoàn chỉnh: Bé có thể vẫn tồn tại ống động mạch, chậm nhịp tim, huyết áp không ổn định;
- Não: Trẻ dễ bị xuất huyết não, nhũn não, cơn ngưng thở, phản xạ bú/nuốt yếu hoặc không biết;
- Huyết học: Trẻ có nguy cơ bị thiếu máu, nhiễm trùng;
- Thận: Trẻ dễ bị ngộ độc thuốc, mất nước hoặc rối loạn điện giải;
- Vấn đề khác: Cơ quan sinh dục chưa phát triển, bệnh lý võng mạc trẻ sinh non, co giật, chậm phát triển chiều cao, cân nặng,...
2. Phương tiện chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng
Tùy tuổi thai, cân nặng và bệnh lý mắc phải mà trẻ sơ sinh non tháng có thể cần chăm sóc và các phương tiện hỗ trợ khác nhau. Các phương tiện chăm sóc thông thường bao gồm:
- Lồng ấp hoặc giường sưởi.
- Dụng cụ theo dõi nhịp tim và oxy máu;
- Dụng cụ hỗ trợ hô hấp.
- Các dụng cụ để thiết lập đường truyền tĩnh mạch: Truyền thuốc- dịch.
- Ông thông dạ dày;
- Kháng sinh, thuốc;
- Sữa mẹ.
- Chăm sóc Kangaroo (da kề da);
- Chụp X-quang, xét nghiệm máu
Trắc nghiệm: Thế nào là trẻ sơ sinh non tháng?
Trẻ sơ sinh non tháng rất cần được chăm và điều trị thật tốt để giúp giảm nguy cơ gặp phải các di chứng về tinh thần, vận động và sự phát triển sau này. Cùng theo dõi bài trắc nghiệm dưới đây để có thể nhận biết trẻ sơ sinh non tháng và có thêm kiến thức chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất cho trẻ.Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)
3. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng
3.1 Điều hòa thân nhiệt ở trẻ sinh non
Cho trẻ nằm lồng ấp hoặc giường sưởi:
- Lồng ấp: Chỉ định cho trẻ sinh non có cân nặng dưới 1.700g và trẻ mắc bệnh khiến thân nhiệt không ổn định;
- Giường sưởi: Chỉ định cho trẻ sinh non có cân nặng dưới 1.700g và trẻ mắc bệnh có thân nhiệt không ổn định: dùng khi can thiệp các thủ thuật như: giúp thở, thay máu, hút đờm nhớt thường xuyên,...
3.2 Hỗ trợ hô hấp
Hệ hô hấp trẻ sinh non thường chưa hoàn thiện. Có thể hỗ trợ hô hấp cho trẻ:
- Nếu trẻ thở khí trời chưa hồng, có thể cho thở oxy
- Nếu trẻ có biểu hiện suy hô hấp như thở nhanh, thở rên, thở co lõm lồng ngực, xuất hiện các cơn ngưng thở, tím tái da và môi,... sẽ được hỗ trợ hô hấp bằng thở NCPAP (thở áp lực dương liên tục qua đường mũi) với áp lực 4 - 6 cmH2O.
- Nếu thất bại với NCPAP sẽ được chỉ định đặt nội khí quản và thở máy.
- Sử dụng surfactant (chất hoạt động bề mặt) khi có chỉ định.
- Trẻ xuất hiện cơn ngưng thở: Sử dụng Caffeine Citrate tiêm tĩnh mạch.
3.3 Hạn chế nhiễm trùng
- Đảm bảo vô trùng các dụng cụ kỹ thuật chăm sóc trẻ, người chăm sóc cần rửa tay thường xuyên, sát trùng lồng ấp và máy giúp thở mỗi 48 - 72 giờ;
- Chú ý tới các tác nhân gây bệnh trong môi trường bệnh viện như Pseudomonas, S.Aureus, Klebsiella,... để lựa chọn sử dụng loại kháng sinh phù hợp. Sử dụng kháng sinh theo kháng sinh đồ
3.4 Dinh dưỡng
- Nhu cầu năng lượng của bé là 120 - 140 Kcal/kg/ngày để đảm bảo tốc độ tăng cân đạt 15g/kg/ngày;
- Đường nuôi ăn: Gồm dinh dưỡng tĩnh mạch và dinh dưỡng đường miệng. Dinh dưỡng tĩnh mạch được chỉ định ở trẻ sinh cực non có cân nặng dưới 1.000g, có bệnh lý đường tiêu hóa (thủng dạ dày, ruột, teo thực quản, teo ruột non, tắc tá tràng,...), mắc các bệnh lý nội khoa nặng chưa thể ăn qua đường miệng (xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp nặng,...). Đường miệng là phương pháp sinh lý nhất và những trẻ được nuôi ăn qua đường tĩnh mạch nên sớm chuyển qua đường miệng khi có thể;
- Khi nuôi ăn cho trẻ cần đảm bảo cung cấp đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho bé và liều lượng được chỉ định bởi bác sĩ.
4. Điều trị các bệnh lý ở trẻ sinh non
- Suy hô hấp: Điều trị cơn ngưng thở và bệnh màng trong với các phương pháp theo chỉ định của bác sĩ;
- Vàng da: Chiếu đèn có chỉ định sớm hơn đối với trẻ sơ sinh non tháng và chiếu đèn phòng ngừa ngay sau khi sinh đối với tất cả các trường hợp trẻ sinh non có cân nặng dưới 1.000g.
5. Theo dõi sau xuất viện
Trẻ được xuất viện khi các bệnh lý nghiêm trọng đã được điều trị; thân nhiệt ổn định (có thể ngủ trong nôi bình thường không cần lồng ấp); tự bú đủ; không bị ngưng thở hay giảm nhịp tim và bố mẹ có thể chăm sóc trẻ.
- Khám mắt và khám tai theo lịch hẹn;
- Theo dõi hậu quả của thở máy và liệu pháp Oxy: Loạn sản phổi, bệnh lý võng mạc;
- Theo dõi sự phát triển thể chất, tâm thần vận động và bệnh lý của bé cho đến khi trẻ được 2 tuổi;
- Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ theo đúng lịch được bác sĩ tư vấn.
Trẻ sơ sinh non tháng rất yếu ớt nên cần được chăm sóc, điều trị thật cẩn thận để giúp bé có thể sống sót, giảm nguy cơ gặp phải các di chứng phát triển tinh thần- vận động và có thể bắt kịp đà tăng trưởng của bé sinh đủ tháng. Cha mẹ cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ trong việc chăm sóc, điều trị cho trẻ sinh non.
Khoa nhi Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec chính là địa chỉ được nhiều bậc phụ huynh lựa chọn để thăm khám và điều trị các bệnh lý thường gặp ở trẻ như: Viêm tai giữa, sốt vi khuẩn, sốt virus, viêm phổi ở trẻ,... Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa , giàu kinh nghiệm chuyên môn và luôn tận tâm trong thăm khám sẽ giúp cho việc chăm sóc trẻ sinh non tại nhà không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
XEM THÊM
- Nuôi sống trẻ sinh non 26 tuần tuổi bằng các biện pháp đặc biệt tại Vinmec
- Thế nào là sinh non? 2 vấn đề mà trẻ sinh non thường gặp và cách xử trí
- Nuôi sống trẻ sinh non 26 tuần tuổi bằng các biện pháp đặc biệt tại Vinmec