Cường kinh là gì và đâu là nguyên nhân?

Trong số các dạng rối loạn kinh nguyệt (kinh nguyệt bất thường), cường kinh là tình trạng khá thường gặp. Hiện tượng này xuất hiện do nhiều nguyên nhân và đôi khi nó là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm.

1. Cường kinh là gì?

Cường kinh là tình trạng máu kinh ra nhiều, ra ồ ạt và kéo dài nhiều ngày. Tình trạng kinh nguyệt ra nhiều hay xảy ra ở phụ nữ trẻ (những người chưa hình thành các chu kỳ kinh có rụng trứng) và phụ nữ sắp đến tuổi mãn kinh. Ngoài sự bất tiện, cường kinh còn gây mỏi mệt, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của phụ nữ vì thiếu máu, thiếu sắt. Không chỉ vậy, đây còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vì vậy, khi thấy kinh nguyệt ra nhiều, người bệnh nên tìm đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị kịp thời.

Trắc nghiệm: Sự hiểu biết của bạn về kinh nguyệt

Kinh nguyệt có vai trò quan trọng đối với sức khỏe sinh sản, do đó nữ giới cần chủ động trang bị kiến thức để theo dõi và kiểm soát tình trạng sức khỏe. Bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về chu kỳ kinh nguyệt của bản thân.

2. Nguyên nhân gây cường kinh

Nếu tháng nào cũng thấy kinh nguyệt ra nhiều thì phụ nữ cần cẩn trọng vì có thể đó là biểu hiện của nhiều vấn đề sức khỏe khác. Những nguyên nhân chủ yếu gây cường kinh là:

  • Mất cân bằng hormone

Phụ nữ tuổi vị thành niên và tuổi mãn kinh dễ bị cường kinh bởi ở thời điểm này lượng hormone trong cơ thể dao động nhiều. Với nguyên nhân gây cường kinh này, bạn chỉ cần điều trị bằng viên thuốc tránh thai dạng uống hoặc các loại thuốc khác theo chỉ định của bác sĩ là được.


Mất cân bằng hormone là nguyên nhân phổ biến gây cường kinh
Mất cân bằng hormone là nguyên nhân phổ biến gây cường kinh

  • Polyp cổ tử cung

Đây là khối u nhỏ, mảnh, mọc lên từ bề mặt niêm mạc cổ tử cung hoặc từ ống cổ tử cung và lòi ra khỏi lỗ ngoài cổ tử cung. Nguyên nhân gây polyp thường do nhiễm khuẩn, nồng độ estrogen tăng cao hay các mạch máu khu trú ở cổ tử cung bị sung huyết. Phụ nữ ngoài 20, đã có con dễ bị polyp cổ tử cung. Cách điều trị khi bị polyp cổ tử cung là cắt hoặc xoắn vặn polyp, kết hợp với dùng thuốc kháng sinh. Sau khi điều trị triệt để polyp, hiện tượng cường kinh sẽ biến mất.

  • Polyp phát triển từ nội mạc tử cung

Đây cũng là nguyên nhân gây cường kinh khá thường gặp. Polyp phát triển từ nội mạc tử cung thường không ác tính. Tình trạng lượng estrogen trong cơ thể quá cao sau khi điều trị bằng hormone hoặc một số thể u buồng trứng có thể dẫn tới polyp phát triển từ nội mạc tử cung. Cách xử trí thường được áp dụng nhất là soi buồng tử cung và nong nạo, lấy mẫu mô để xét nghiệm nhằm loại trừ ác tính.

  • U xơ tử cung

Phụ nữ ở độ tuổi 30, 40 bị ra kinh nhiều có thể do có khối u xơ phát triển trong tử cung. U xơ là loại u xuất hiện do một số bất thường về hormone estrogen. Hiện có khá nhiều phương pháp can thiệp ngoại khoa để điều trị u xơ như: bóc nhân xơ, lấy đi nội mạc tử cung, làm tắc động mạch tử cung hoặc cắt tử cung,... Ngoài ra, các loại thuốc như viên uống tránh thai, thuốc đồng vận GnRH, androgen, RU486 (viên thuốc gây sảy thai),... đôi khi cũng được bác sĩ chỉ định để điều trị u xơ tử cung. Trị liệu triệt để u xơ tử cung sẽ loại bỏ hoàn toàn tình trạng cường kinh. Tuy nhiên, thông thường nếu triệu chứng u xơ không nghiêm trọng thì bác sĩ thường chỉ yêu cầu bệnh nhân theo dõi, không cần điều trị vì khi đến tuổi mãn kinh u xơ sẽ co nhỏ lại và biến mất.


Cường kinh có thể là biểu hiện của bệnh u xơ tử cung
Cường kinh có thể là biểu hiện của bệnh u xơ tử cung

  • Lupus

Đây là bệnh viêm mãn tính, thuộc loại bệnh tự miễn dịch, có thể tác động đến nhiều bộ phận của cơ thể, đặc biệt là khớp, máu, da và thận. Các yếu tố gen, nhiễm khuẩn, dùng một số loại kháng sinh, phơi nhiễm với tia cực tím, stress kéo dài,... đều có thể làm tăng nguy cơ mắc lupus. Một trong những biểu hiện của bệnh lupus là gây cường kinh ở phụ nữ. Và để điều trị bệnh thì bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân cần tránh stress, sử dụng các thuốc chống miễn dịch hoặc thuốc chống viêm không steroid,...

  • Bệnh viêm tiểu khung

Khi bị viêm tiểu khung, người bệnh dễ có triệu chứng cường kinh. Viêm tiểu khung là bệnh nhiễm khuẩn của một hay nhiều cơ quan trong tiểu khung như tử cung, vòi trứng, cổ tử cung. Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, sảy thai, thực hiện các thủ thuật phụ khoa,... đều có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm tiểu khung. Để trị bệnh hiệu quả, giúp kinh nguyệt trở về bình thường, không bị ra kinh quá nhiều thì bệnh nhân viêm tiểu khung thường được bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng sinh.

  • Bệnh ung thư cổ tử cung

Bệnh xuất hiện khi các tế bào cổ tử cung trở nên bất thường, phát triển không kiểm soát và gây thương tổn các bộ phận lành mạnh khác của cơ thể. Cường kinh là một trong những biểu hiện tiêu biểu của căn bệnh này. Ung thư cổ tử cung chủ yếu do virus HPV gây ra. Việc điều trị bệnh bao gồm can thiệp ngoại khoa, hóa trị và xạ trị.

  • Ung thư nội mạc tử cung

Trong số các nguyên nhân gây cường kinh, ung thư nội mạc tử cung tương đối thường gặp. Khi các tế bào bất thường ở tử cung hay nội mạc tử cung sinh sôi không thể kiểm soát thì sẽ làm tổn thương đến tử cung và các cơ quan khác, gây ra nhiều triệu chứng đặc trưng, tiêu biểu là kinh nguyệt ra nhiều. Cách điều trị căn bệnh này là cắt bỏ tử cung phối hợp với hóa trị hoặc xạ trị.

  • Một số nguyên nhân khác

Sử dụng dụng cụ tử cung tránh thai là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra kinh nhiều. Nếu bị cường kinh do mang dụng cụ tử cung thì bạn nên chọn phương pháp tránh thai khác. Bệnh gây chảy máu: có nhiều bệnh gây khó cầm máu, làm ra kinh nhiều.

Cường kinh có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm nên khi gặp hiện tượng này, bạn nên đi thăm khám và điều trị kịp thời theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để tránh ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe