Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Mặc dù dịch cúm thông thường không đe dọa đến tính mạng người khỏe mạnh, nhưng vẫn có một số trường hợp ngoại lệ. Cúm mùa gây chết người nếu như xuất hiện các biến chứng bệnh cúm kèm theo, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, bệnh nhân và người già.
1. Tình hình cúm mùa gây chết người
Dịch cúm theo mùa là một bệnh nhiễm virus có xu hướng bắt đầu lan rộng vào mùa thu và đạt đến đỉnh điểm trong những tháng đông. Cúm mùa có thể tiếp tục xuất hiện vào mùa xuân - thậm chí vào tháng 5 - và thường tạm lắng trong những tháng hè. Mặc dù hầu hết các trường hợp cúm đều tự khỏi, nhưng căn bệnh này sẽ trở nên nguy hiểm đến tính mạng nếu xuất hiện các biến chứng bệnh cúm kèm theo, ví dụ như viêm phổi.
Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), trong mùa dịch cúm năm 2017 - 2018 ở Hoa Kỳ đã có 79.400 ca tử vong - đây là con số cao kỷ lục. Tuy nhiên, rất khó để thống kê chính xác có bao nhiêu trường hợp bị cúm mùa gây chết người mỗi năm do các biến chứng bệnh cúm. Nhiều khả năng các trường hợp tử vong liên quan đến dịch cúm chưa được báo cáo đầy đủ ở nhiều nơi. Thêm vào đó, những người trưởng thành khi bị bệnh thường được chẩn đoán mắc một tình trạng khác thay vì cúm.
Trắc nghiệm: Bạn có phân biệt được chính xác cảm lạnh và cúm mùa?
Cảm cúm và cảm lạnh là hai khái niệm mà chúng ta thường đánh đồng nó giống nhau, không phân biệt rõ ràng. Dưới đây là một số câu hỏi trắc nghiệm, giúp bạn có thêm những kiến thức phân biệt cảm lạnh và cảm cúm. Từ đó, có những biện pháp điều trị bệnh phù hợp.2. Vì sao cúm mùa gây chết người?
Mọi người thường nhầm cúm với cảm lạnh, vì các triệu chứng khá giống nhau. Khi bị cúm, người bệnh có thể bị ho, hắt hơi, sổ mũi, giọng khàn và đau họng.
Nhưng khi cúm tiến triển thành các tình trạng như viêm phổi, hoặc làm nặng thêm các vấn đề mãn tính khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và suy tim sung huyết, thì có nguy cơ đe dọa đến tính mạng.
Cúm thường trực tiếp dẫn đến tử vong khi vi rút gây ra viêm phổi nặng. Lúc này, bệnh nhân sẽ bị suy hô hấp nhanh chóng vì phổi không thể vận chuyển đủ oxy vào phần còn lại của cơ thể.
Cúm cũng có thể gây viêm não, tim hoặc cơ bắp của bệnh nhân, dẫn đến nhiễm trùng huyết và nguy cơ tử vong nếu không được điều trị ngay lập tức.
Nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng thứ cấp trong khi nhiễm cúm cũng sẽ khiến các cơ quan bị hỏng. Các vi khuẩn từ nhiễm trùng có thể xâm nhập vào máu và gây ra nhiễm trùng huyết.
3. Dấu hiệu biến chứng cúm đe dọa tính mạng
3.1. Ở người lớn
● Khó thở, thở nông;
● Choáng váng, mất phương hướng;
● Đau bụng dữ dội hoặc đau ở ngực;
● Nôn mửa dữ dội hoặc liên tục.
3.2. Ở trẻ sơ sinh
● Sốt cao hơn 38 ̊C ở trẻ từ 3 tháng tuổi trở xuống;
● Giảm lượng nước tiểu, tã ướt ít hơn bình thường;
● Không thể ăn;
● Có thể khóc nhưng không có nước mắt;
● Lên cơn co giật.
3.3. Ở trẻ nhỏ
● Quấy khóc và không muốn được ôm;
● Không uống đủ nước, dẫn đến mất nước
● Thở nhanh và/hoặc khó thở;
● Cổ bị cứng hoặc đau;
● Đau đầu, không giảm bớt khi dùng thuốc giảm đau;
● Da, vùng ngực hoặc mặt xanh tái nhợt;
● Không phản ứng với kích thích;
● Khó đánh thức dậy;
● Lên cơn co giật.
3.4. Bệnh nhân suy giảm miễn dịch
Những người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao gặp biến chứng bệnh cúm và dễ tử vong do dịch cúm hơn.
Khi hệ miễn dịch bị suy yếu, bệnh nhân thường đối mặt với những loại virus và nhiễm trùng nghiêm trọng hơn. Đôi khi cơ thể phải vừa chống lại bệnh cúm, vừa chiến đấu với một căn bệnh nhiễm trùng khác xuất hiện sau đó.
Ví dụ, nếu bạn đã bị hen suyễn, tiểu đường, rối loạn tự miễn dịch, bệnh phổi hoặc ung thư, thì bệnh cúm có thể khiến những tình trạng đó trở nên tồi tệ hơn. Nếu bạn bị bệnh thận, mất nước do cúm có thể làm suy giảm chức năng thận.
4. Đối tượng dễ tử vong vì cúm
Những người có nguy cơ cao gặp biến chứng bệnh cúm nặng, phải nhập viện và tử vong do cúm mùa gây chết người bao gồm:
● Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là các bé dưới 2 tuổi;
● Người già từ 65 tuổi trở lên;
● Thanh thiếu niên từ 18 tuổi trở xuống đang dùng thuốc có chứa aspirin hoặc salicylate;
● Phụ nữ mang thai hoặc sản phụ vừa sinh ít hơn 2 tuần;
● Bệnh nhân mắc bệnh mãn tính;
● Người có hệ miễn dịch suy giảm;
● Bệnh nhân đã được chăm sóc dài hạn, cần các thiết bị trợ giúp hoặc viện dưỡng lão;
● Người béo phì có chỉ số BMI từ 40 trở lên;
● Bệnh nhân ghép tạng đang dùng thuốc chống thải ghép;
● Những người sống chung trong một tập thể (như quân đội);
● Đối tượng nhiễm HIV hoặc AIDS.
Người từ 65 tuổi trở lên có nhiều khả năng mắc bệnh mãn tính hoặc suy yếu hệ miễn dịch, và có xu hướng dễ bị nhiễm trùng như viêm phổi. Mặt khác, cơ thể trẻ em thường phản ứng quá mức đối với các chủng cúm mà các bé chưa từng tiếp xúc trước đây.
5. Cách đề phòng biến chứng do cúm
Bệnh nhân bị cúm có thể hạn chế nguy cơ phát triển các biến chứng bệnh cúm bằng cách cảnh giác cao hơn với các triệu chứng gặp phải. Ví dụ, cảm thấy khó thở không phải là một triệu chứng thông thường của bệnh cúm.
Các triệu chứng cúm thông thường chỉ kéo dài một tuần và sẽ giảm bớt khi điều trị tại nhà. Các loại thuốc hạ sốt, giảm đau nhức cơ thể và sung huyết không kê đơn đa phần sẽ phát huy tác dụng. Tuy nhiên nếu bạn bị cúm và bệnh tình không thuyên giảm theo thời gian, thậm chí là diễn tiến nặng hơn, thì nên đến gặp bác sĩ.
Mặc dù hầu hết các virus sẽ tự biến mất sau một thời gian phát bệnh, bạn cũng không nên cố gắng chịu đựng nếu các triệu chứng ngày càng nghiêm trọng. Đôi khi sự chăm sóc y tế, kết hợp với uống nhiều nước và nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi hoàn toàn. Nếu cúm được chẩn đoán sớm, bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc kháng virus nhằm rút ngắn thời gian diễn ra các triệu chứng cho bệnh nhân.
6. Tiêm vắc-xin chủng ngừa cúm
Mọi người có thể thực hiện các biện pháp bảo vệ bản thân khỏi dịch cúm, như:
● Rửa tay kỹ bằng nước xà phòng và nước ấm;
● Tránh chạm vào miệng, mắt hoặc mũi, đặc biệt là khi ra ngoài nơi công cộng trong mùa cúm;
● Tiêm vắc-xin cúm hàng năm, vào bất cứ thời điểm nào trong mùa cúm.
Trong đó, tiêm vắc-xin cúm là cách giúp bảo vệ những người thân xung quanh bạn khỏi bị cảm cúm hiệu quả nhất. Nếu bạn bị cúm khi cơ thể khỏe mạnh thì không đáng lo ngại, nhưng sẽ vô tình gây nguy hiểm đến tính mạng của những người bị suy giảm miễn dịch do lây truyền virus cúm mùa gây chết người.
Mỗi năm, có tới bốn chủng virus mới được đưa vào vắc-xin cúm để gia tăng bảo vệ tối đa, chống lại dịch cúm đe dọa đến tính mạng của hàng ngàn người. CDC khuyến cáo tiêm vắc-xin cúm (hoặc thuốc xịt mũi dạng hít) cho mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang cung cấp dịch vụ tiêm vắc-xin cúm Vaxigrip (0,25ml và 0,5ml) sản xuất bởi hãng Sanofi Pasteur (Pháp). Công ty Sanofi Pasteur đã có hơn 100 năm hoạt động về lĩnh vực chủng ngừa để bảo vệ sức khỏe con người, dẫn đầu thế giới về vắc-xin cúm và vắc-xin cho trẻ em nói chung. Tại Việt Nam, vắc-xin Vaxigrip do đơn vị này sản xuất đã được Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cấp phép lưu hành ngày 30/10/2018.
Dịch vụ tiêm vắc-xin tại Bệnh viện Vinmec đem lại cho khách hàng những lợi ích sau:
- Trẻ sẽ được các bác sĩ chuyên khoa Nhi - Vắc-xin thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc-xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế Thế giới nhằm đảm bảo hiệu quả tốt nhất và an toàn nhất cho trẻ.
- Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng nhi giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, hiểu tâm lý trẻ và áp dụng cách giảm đau hiệu quả cho trẻ trong quá trình tiêm chủng.
- 100% trẻ tiêm chủng được theo dõi 30 phút sau tiêm và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.
- Được theo dõi đa khoa trước, trong và sau tiêm chủng tại Hệ thống y tế Vinmec và luôn có ekip cấp cứu sẵn sàng phối hợp với phòng tiêm chủng xử trí các trường hợp sốc phản vệ, suy hô hấp - ngừng tuần hoàn, đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.
- Phòng tiêm chủng thoáng mát, có khu vui chơi, giúp trẻ có cảm giác thoải mái và tâm lý tốt trước và sau khi tiêm chủng.
- Vắc xin được nhập khẩu và bảo quản tại hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, giữ vắc-xin trong điều kiện tốt nhất để đảm bảo chất lượng.
- Bố mẹ sẽ nhận tin nhắn nhắc lịch trước ngày tiêm và thông tin tiêm chủng của bé sẽ được đồng bộ với hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang cung cấp Chương trình tiêm chủng trọn gói với nhiều loại vắc-xin đa dạng cho các đối tượng khác nhau, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước và trong khi mang thai.
Riêng trong tháng 12/2019, Vinmec miễn phí tiêm Vắc-xin Viêm gan B sơ sinh (tiêm ngay sau khi sinh) cho bé khi đăng kí Gói tiêm chủng trọn gói dành cho trẻ từ 0-1 tuổi hoặc từ 0-2 tuổi.
Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh đã có 7 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Nhi khoa. Hiện Bác sĩ đang làm việc tại phòng khám đơn nguyên vaccine thuộc trung tâm Nhi Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.