Củ nghệ, còn được gọi là Curcuma longa, là một loại củ gia vị màu vàng có nguồn gốc từ Ấn Độ. Nghệ cũng là một loại thảo dược phổ biến trong y học cổ truyền Trung Quốc. Loại củ này chứa hợp chất curcumin, được chứng minh là có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa. Do đó, trong lịch sử, nghệ được sử dụng để điều trị các tình trạng viêm da, chẳng hạn như bệnh chàm.
1. Bệnh chàm là gì?
Còn được gọi là bệnh viêm da dị ứng, bệnh chàm là một trong những tình trạng da phổ biến nhất, ảnh hưởng từ 2 đến 10% người lớn và 15 đến 30% trẻ em. Bệnh chàm biểu hiện dưới dạng da khô, ngứa và viêm, do hàng rào da bị rối loạn dẫn đến mất nước. Có nhiều loại bệnh chàm, nhưng tất cả đều được đặc trưng bởi các mảng bong tróc trên da.
Nguyên nhân cơ bản của bệnh chàm vẫn chưa được xác định, những nguyên nhân di truyền và yếu tố môi trường được cho là lý do chính gây ra loại bệnh da liễu này.
Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm việc sử dụng các loại kem dưỡng ẩm và kem chống viêm tại chỗ trong quá trình bùng phát để giảm thiểu ngứa và phục hồi độ ẩm cho da.
Tuy nhiên, với sự phổ biến ngày càng tăng cao của các biện pháp điều trị có nguồn gốc tự nhiên, nhiều người đang chuyển sang dùng thuốc thảo dược để trị bệnh.
2. Củ nghệ và bệnh chàm
Do đặc tính chống viêm của củ nghệ, nhiều người tự hỏi liệu loại củ này có thể làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh chàm hay không. Mặc dù loại củ gia vị này đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ như một phương pháp điều trị tự nhiên cho các vấn đề da liễu, nhưng có rất ít nghiên cứu đặc biệt về hiệu quả của nghệ lên bệnh chàm.
Trong một nghiên cứu do công ty sản xuất tài trợ ở 150 người mắc bệnh chàm, sử dụng kem dưỡng ẩm có chứa tinh bột nghệ trong 4 tuần sẽ giúp giảm gần 30% đến 32% tỷ lệ bong tróc và ngứa da.
Tuy nhiên, loại kem dùng để nghiên cứu cũng có chứa các loại thảo mộc chống viêm khác, có thể góp phần cải thiện. Do đó, nghiên cứu không thể kết luận rằng nghệ có thể làm giảm các triệu chứng bệnh chàm.
3. Lưu ý sử dụng
Củ nghệ thường được công nhận là an toàn để tiêu thụ bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm. Tuy nhiên, loại củ này cũng có thể dùng để bôi trực tiếp lên da. Đồng thời, nhiều người có thể sử dụng tinh bột nghệ. Tuy nhiên, người dùng cần lưu ý khi sử dụng để tránh những phản ứng nghiêm trọng đến tính mạng.
3.1 Sử dụng như thực phẩm và chất bổ sung
Có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của việc tiêu thụ nghệ lên sức khỏe. Mặc dù, nghệ và chất curcumin của loại củ này thường được công nhận là an toàn khi sử dụng đã được chứng minh là không có tác dụng phụ đối với sức khỏe ở người khỏe mạnh khi dùng với liều tới 12.000 mg mỗi ngày.
Tuy nhiên, chất curcumin trong củ nghệ có dược tính thấp. Do đó, tiêu thụ bột nghệ có thể không cung cấp hiệu quả như một liều thuốc điều trị. Trong một số nghiên cứu đã tìm thấy ít hoặc không có chất curcumin trong máu sau khi uống bột nghệ, đặc biệt là ở liều dưới 4.000 mg.
Một nghiên cứu khác phát hiện chất curcumin được hấp thụ vào trong máu dễ dàng hơn bằng cách thêm hạt tiêu đen vào các món ăn. Vì loại gia vị này có chứa một hợp chất được gọi là piperine, có thể làm tăng sự hấp thụ của chất curcumin. Một số nghiên cứu khác cho thấy chất béo hòa tan trong nước và chất chống oxy hóa cũng có thể tăng cường sự hấp thụ chất curcumin.
Tuy nhiên, tác dụng phụ của việc uống quá nhiều nghệ có thể bao gồm phát ban da, nhức đầu, buồn nôn, tiêu chảy, đau dạ dày và phân màu vàng.
3.2 Sử dụng để bôi trên da
Do sự phổ biến của củ nghệ, nhiều công ty mỹ phẩm sử dụng như một thành phần trong sản phẩm dưỡng da.Trong các nghiên cứu về các tình trạng da khác nhau, việc bôi các sản phẩm có chứa nghệ cho phép hấp thụ đầy đủ chất curcumin.
Tuy nhiên, những sản phẩm này được đặc chế để tăng cường khả năng hấp thụ, vì thế, việc bôi nghệ nguyên chất lên da sẽ không có tác dụng tương tự.
Hơn nữa, loại củ gia vị này thường có chứa một sắc tố màu vàng mạnh mẽ có thể nhuộm màu da gây ra tình huống không mong muốn. Mặc dù cần nhiều hơn các nghiên cứu y khoa, các sản phẩm đặc trị có chứa hoạt chất từ nghệ được cho là an toàn khi sử dụng.
3.3 Sử dụng cho trẻ nhỏ
Với tỷ lệ mắc bệnh chàm ở trẻ em cao, nhiều phụ huynh thường tìm kiếm các biện pháp tự nhiên, an toàn cho trẻ. Việc sử dụng bột nghệ trong thực phẩm thường được công nhận là an toàn cho cả người lớn và trẻ em.
Tuy nhiên, đã có báo cáo về ngộ độc chì từ củ nghệ và chất bổ sung do cromat chì, được thêm vào để tạo màu cho loại gia vị này. Điều này thường phổ biến với các sản phẩm nghệ có nguồn gốc từ Ấn Độ và Bangladesh. Hơn nữa, việc bổ sung loại gia vị này thường được nghiên cứu ở người lớn, vì vậy chưa có chứng minh về độ an toàn đối với trẻ em.
Vì vậy, cách tốt nhất mà các phụ huynh nên làm là tìm từ vấn ở các bác sĩ da liễu hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác trước khi thử các sản phẩm từ củ nghệ để điều trị bệnh chàm cho trẻ.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.
Bài viết tham khảo: Healthline.com