Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lê Thảo Trâm - Bác sĩ Chẩn Đoán Hình Ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Công nghệ chụp cắt lớp 256 dãy là một trong những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay được thực hiện trong chẩn đoán và xác định bệnh, đặc biệt là các bệnh về tim. Bên cạnh đó, chúng có thời gian xử lý kỹ thuật nhanh nên hỗ trợ rất lớn đối với các ca bệnh cấp cứu cần được chẩn đoán sớm và có kết quả chính xác.
1. Chụp cắt cắt lớp 256 dãy là gì?
Chụp cắt lớp vi tính (quét CT hoặc CT Scan) là một quy trình chẩn đoán hình ảnh tiên tiến sử dụng kết hợp tia X và công nghệ máy tính để tạo ra hình ảnh từng lát cả theo chiều ngang và chiều dọc của cơ thể. Kết quả sẽ cho thấy các hình ảnh chi tiết của bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể bao gồm: xương, cơ, mỡ và các cơ quan khác. Chụp CT cũng cho kết quả hình ảnh chi tiết hơn so với X Quang, do phương pháp này chiếu tia năng lượng trực tiếp vào phần cơ thể được nghiên cứu và được hiển thị ở dạng 2D.
Chụp cắt lớp 256 dãy là một bước nhảy vọt trong chẩn đoán hình ảnh và hiện đang được sử dụng để chẩn đoán bệnh tim. Công nghệ tiên tiến này theo dõi được toàn bộ hình ảnh của tim trong một khoảng thời gian ngắn (khoảng vài giây) khi sử dụng bức xạ liều thấp, đồng thời cung cấp nhiều chi tiết trực quan hơn về chức năng và cấu trúc của tim. Các hình ảnh sau đó được xây dựng lại ở định dạng 3D để giúp xác định cường độ nhịp tim và xơ vữa động mạch vành. Những mảng xơ vữa cuối cùng có thể gây hẹp hoặc tắc một hoặc nhiều động mạch vành và gây đau ngực hoặc thậm chí là đau tim. Đó là lý do tại sao bác sĩ khuyên sử dụng công nghệ chụp cắt lớp 256 dãy như một phương tiện hữu hiệu trong chẩn đoán bệnh động mạch vành sớm hoặc đã tiến triển.
2. Ưu nhược điểm của kỹ thuật chụp cắt lớp 256 dãy
2.1. Ưu điểm của kỹ thuật chụp cắt lớp 256 dãy
Một số ưu điểm của kỹ thuật này:
● Giảm liều lượng chiếu xạ so với máy chụp CT thông thường: Phương pháp chụp cắt lớp 256 dãy được tích hợp các phần mềm có tác dụng làm giảm liều phóng xạ (giảm từ 80-82%) so với các kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính khác.
● Kết quả hình ảnh rõ nét: Không giống phương pháp chụp X Quang hay chụp cắt lớp vi tính thông thường. Máy chụp cắt lớp 256 dãy có thể chụp được nhiều cơ quan hơn đặc biệt là khu vực tim. Nó là công cụ hữu hiệu giúp chẩn đoán và điều trị các bệnh lý mạch máu cũng những bệnh lý tim mạch.
● Phân giải mô mềm: Kỹ thuật chụp cắt lớp này có khả năng phân giải mô mềm khá cao và cho hình sắc nét hơn rất nhiều so với ảnh chụp Xquang. Sở dĩ có sự khác biệt này là nhờ công nghệ chụp 256 dãy được tích hợp nhiều công cụ hỗ trợ cho quy trình kỹ thuật xử lý hình ảnh.
● Thời gian chụp ngắn: Công nghệ chụp cắt lớp 256 dãy có tốc độ vòng quanh là 0.28vòng/giây. Như vậy, mỗi lần chụp chỉ mất khoảng 15 giây đã cho hình ảnh chẩn đoán. Điều này là một sự hỗ trợ cực kỳ tốt trong chẩn đoán và xử lý ca bệnh đặc biệt là đối với các trường hợp cấp cứu cần chẩn đoán sớm và có kết quả chính xác.
● Độ phân giải cao: Công nghệ chụp cắt lớp 256 dãy cho độ phân giải cao hơn so với các công nghệ khác. Vì vậy, nó hỗ trợ rất tốt trong chẩn đoán các bệnh về xương.
2.2. Nhược điểm của kỹ thuật chụp cắt lớp 256 dãy
Một số nhược điểm của kỹ thuật chụp cắt lớp 256 dãy
● Khó khăn trong việc phát hiện các tổn thương từ sụn, dây chằng và tuỷ sống: Khi sử dụng kỹ thuật này việc xác định tổn thương sụn, dây chằng và tuỷ sống rất khó và cần hỗ trợ thêm của các kỹ thuật chẩn đoán khác.
● Phơi nhiễm với tia X ảnh hưởng đến sức khoẻ: Bản chất của kỹ thuật công nghệ chụp cắt lớp 256 dãy là sử dụng nhiều tia X quét qua cơ thể. Khi cơ thể tiếp xúc với tia này thì theo thời gian có thể xảy ra các nguy cơ hủy hoại tế bào.
3. Những lưu ý trước khi chụp cắt lớp 256 dãy
Chụp cắt lớp 256 dãy có rất nhiều lợi ích trong chẩn đoán tình trạng bệnh hoặc kiểm tra các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, sẽ có một số rủi ro ảnh hưởng đến người bệnh khi sử dụng phương pháp này. Vì vậy, khi quyết định thực hiện chụp cắt lớp 256 dãy cần lưu ý:
● Tiếp xúc với bức xạ: Trong quá trình chụp CT người bệnh sẽ tiếp xúc với bức xạ nhiều hơn so với chụp Xquang thông thường. Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về lượng phóng xạ được sử dụng trong quá trình chụp và các rủi ro liên quan đến tình huống cụ thể. Đồng thời, người bệnh cũng nên lưu giữ lại lịch sử phơi nhiễm phóng xạ trong quá khứ để thông báo với bác sĩ. Bởi rủi ro liên quan đến phơi nhiễm phóng xạ có thể liên quan đến số lần tích lũy và kiểm tra bằng tia X trong một thời gian dài.
● Có hại cho thai nhi (phụ nữ có thai): Hãy chắc chắn rằng bạn thông báo với bác sĩ nếu bạn đang mang thai để có thể đề nghị kiểm tra bằng các phương pháp khác như siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để tránh nguy cơ phơi nhiễm bức xạ với thai nhi có thể gây nên dị tật bẩm sinh.
● Phản ứng với thuốc cản quang: Trong một số trường hợp nhất đinh, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng một loại thuốc nhuộm đặc biệt gọi là thuốc cản quang. Loại thuốc này này được tiêm tĩnh mạch trước khi thực hiện quá trình. Mặc dù hiếm, nhưng loại thuốc này có thể gây ra các vấn đề về y tế hoặc phản ứng dị ứng. Hầu hết các phản ứng đều nhẹ như phát ban, ngứa. Nhưng nếu trong trường hợp gặp phản ứng dị ứng nặng thì cần phải báo ngay cho bác sĩ để có phương án xử lý kịp thời.
Có nhiều ưu điểm hơn so với các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thông thường, công nghệ chụp cắt lớp 256 đã chiếm ưu thế nên được khá nhiều bệnh nhân lựa chọn thực hiện, đặc biệt chẩn đoán các bệnh lý về tim mạch.
Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã đưa các loại hệ thống máy móc hiện đại nhất vào phục vụ công tác chẩn đoán hình ảnh, phát hiện sớm nhiều các bệnh lý và có hướng điều trị đem lại hiệu quả tối ưu cho Quý khách hàng. Với đội ngũ Y bác sĩ giàu chuyên môn, kinh nghiệm, có khả năng thực hiện kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cũng như nhiều các căn bệnh khác một cách .
Để được thăm khám và điều trị bệnh Vinmec, Quý khách vui lòng đến trực tiếp Hệ thống Y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
Nguồn tham khảo: cancer.net, mayoclinic.org, radiologyinfo.org