Zytee là thuốc kháng viêm, giảm đau được bào chế dưới dạng gel. Thuốc có tác dụng sát khuẩn, điều trị các triệu chứng của viêm lưỡi, viêm loét miệng, đau răng và các tổn thương khác ở miệng.
1. Thuốc Zytee là thuốc gì?
Thuốc Zytee là thuốc gì? Thuốc Zytee với thành phần chính là Choline salicylate và Benzalkonium chloride:
1.1 Thành phần Choline salicylate
- Choline salicylate là một chất giảm đau chống viêm, được sử dụng để giảm sưng, giảm viêm, hạ sốt, điều trị các chứng đau từ nhẹ đến vừa. Thuốc có tác dụng giảm đau sau 4 phút sử dụng và tác dụng kéo dài liên tục trong 3-4 giờ.
- Dạng thuốc bôi có chứa Choline salicylate được chỉ định điều trị đau răng, mọc răng ở trẻ sơ sinh, kích ứng do răng giả, dụng cụ chỉnh nha, điều trị các bệnh lý viêm, lở loét miệng.
1.2 Thành phần Benzalkonium chloride
Benzalkonium chloride là một loại thuốc khử trùng được dùng rộng rãi như là một thuốc kháng khuẩn phổ rộng. Benzalkonium chloride tác động tại màng bào tương của vi khuẩn làm gia tăng tính thấm thấu của màng đối với các chất trong bào tương như các acid amin và nucleotide cuối cùng làm tiêu tế bào vi khuẩn.
Thành phần Benzalkonium chloride có trong thuốc Zytee có tác dụng sát khuẩn, làm giảm viêm, giảm sưng đau ở các vết loét trong khoang miệng, đau nướu hoặc các vết nứt, tổn thương vùng lưỡi, giúp vết thương mau lành.
2. Chỉ định sử dụng thuốc Zytee trong trường hợp nào?
Thuốc Zytee được chỉ định trong các trường hợp sau đây:
- Đau răng;
- Đau do kích ứng răng giả hoặc các dụng cụ chỉnh nha;
- Mọc răng ở trẻ em.
- Viêm loét miệng, nhiệt miệng.
- Các tổn thương viêm trong khoang miệng.
3. Chống chỉ định của thuốc Zytee
Thuốc Zytee chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Nhạy cảm với thành phần benzalkonium chloride hay choline salicylate có trong thuốc.
Lưu ý khi dùng thuốc Zytee
- Zytee có thể gây kích ứng da tại chỗ bôi. Người bệnh nên thử thuốc với một lượng nhỏ trên da trước khi dùng.
- Chưa có báo cáo cụ thể về tác hại của thuốc trên phụ nữ có thai, vì vậy không nên dùng Zytee trong giai đoạn đang mang thai.
- Để tránh trẻ bú sữa mẹ có thể nuốt phải, người mẹ không nên bôi thuốc Zytee vào vú trong thời kỳ cho con bú.
Hiện nay, chưa có báo cáo về tương tác của Zytee với các thuốc khác.
4. Liều dùng và cách dùng thuốc Zytee
Liều dùng và cách dùng thuốc Zytee như sau:
- Lấy 1-2 giọt gel thuốc lên đầu ngón tay trỏ và chấm xoa nhẹ lên vùng bị tổn thương.
- Lặp lại mỗi 3 - 4 giờ một lần theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Cần lưu ý: Liều dùng cụ thể phụ thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh của từng bệnh nhân. Theo đó, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định về liều lượng và cách dùng của bác sĩ.
5. Tác dụng phụ của thuốc Zytee
Hiện chưa có có báo cáo cụ thể về tác dụng phụ của thuốc Zytee. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thuốc Zytee, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ sau đây:
- Xuất hiện vết nứt tại chỗ bôi thuốc, châm chích da, cảm giác nóng rát da.
- Nổi ban đỏ, đổi màu da hoặc tróc da.
- Rối loạn dinh dưỡng ở da, viêm da.
- Đợt cấp của bệnh chàm.
- Viêm da tiếp xúc.
- Triệu chứng toàn thân: phát ban sẩn, viêm ngứa.
- Kích ứng niêm mạc hoặc viêm cục bộ trong khoang miệng và cổ họng.
Như vậy, thuốc Zytee là một loại gel bôi ngoài chủ yếu sử dụng ở niêm mạc miệng, có tác dụng kháng khuẩn, giảm đau trong các bệnh lý viêm loét khoang miệng. Người bệnh cần sử dụng đúng liều lượng và cách dùng theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả và tránh được các tác dụng phụ.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.