Thuốc Zodalan có tác dụng gì, có phải thuốc dùng để gây tê không? Thực tế Zodalan là thuốc gây mê, được dùng để tiền mê, gây mê và duy trì mê. Thuốc Zodalan cũng được phối hợp với thuốc an thần khác để tiến hành các thủ thuật chẩn đoán.
1. Thuốc Zodalan có tác dụng gì?
Zodalan thuộc nhóm thuốc gây tê và gây mê, có thành phần chính là Midazolam hàm lượng 5mg. Midazolam có tác dụng an thần, làm dịu lo âu. Ngoài ra, còn có tác dụng giãn cơ và chống co giật.
Thuốc Zodalan được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm và được chỉ định dùng trong tiền mê, chất dẫn mê hoặc duy trì mê. Bên cạnh đó, thuốc còn được dùng đơn lẻ hay phối hợp với các loại thuốc an thần khác để tiến hành các thủ thuật chẩn đoán, nội soi, thông tim.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Zodalan
Zodalan được dùng theo đường tiêm, có thể tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch. Để đảm bảo việc dùng thuốc là an toàn đối với người bệnh, thuốc cần được tiêm bởi nhân viên y tế hoặc bác sĩ.
Tùy vào mục đích dùng, liều dùng Zodalan cụ thể như sau:
- Tiền mê: Trước khi tiến hành thủ thuật khoảng 5 - 10 phút, tiêm tĩnh mạch với liều 2,5mg. Trường hợp cần thiết có tiêm lặp lại với liều 1mg, tổng liều tối đa không được vượt quá 5mg. Bệnh nhân cao tuổi dùng liều 1 - 1,5mg. Hoặc có thể tiêm bắp trước khi phẫu thuật ngoại khoa để mổ khoảng 30 phút, liều dùng Zodalan được tính theo cân nặng của bệnh nhân, cụ thể người lớn dùng liều 0,07 - 0,1mg/kg, trẻ em dùng liều 0,15 - 0,20mg/kg.
- Dẫn mê: Tiêm tĩnh mạch 10 - 15mg. Trẻ em tiêm bắp với liều 0,15 - 0,20mg/kg cân nặng kết hợp với Ketamin 4 - 8mg/kg cân nặng.
- Duy trì mê: Liều dùng tối đa từ 0,05 - 0,4mg/kg cân nặng/giờ.
3. Tác dụng phụ của thuốc Zodalan
Thuốc Zodalan có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn với mức độ nghiêm trọng như ngừng thở, suy hô hấp, ngừng tim. Tác dụng phụ này có thể xảy ra khi dùng thuốc liều cao hoặc tiêm thuốc quá nhanh.
Dưới đây là một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng Zodalan với tần suất chưa xác định được:
- Hệ miễn dịch: Phù mạch, tăng nhạy cảm, sốc phản vệ.
- Thần kinh, tâm thần: Tăng động, co giật, động kinh, an thần, mơ màng, giảm tỉnh táo, chóng mặt, đau đầu, giảm trí nhớ, lú lẫn, mất điều hòa. Lo lắng, ảo tưởng, hưng phấn, phấn khích, hung hăng, lạm dụng thuốc, hội chứng cai thuốc.
- Tim mạch: Zodalan có thể gây nhịp tim chậm, ngừng tim, hạ huyết áp, giãn mạch, tắc tĩnh mạch, huyết khối.
- Hô hấp: Suy hô hấp, nấc, co thắt thanh quản, khó thở, ngưng thở.
- Tiêu hóa: Khô miệng, buồn nôn, nôn, táo bón.
- Da: Ngứa, nổi mày đay, phát ban, đau hoặc ban đỏ tại vị trí tiêm.
- Xương: Gãy xương, dễ té ngã.
Nếu có bất kỳ biểu hiện lạ nào sau khi dùng thuốc Zodalan, người bệnh cần báo ngay với bác sĩ.
4. Một số lưu ý khi dùng thuốc Zodalan
- Không dùng Zodalan ở người bị quá mẫn với thành phần của thuốc, người bị suy gan, ngộ độc rượu, mắc bệnh phổi cấp tính hoặc mãn tính, suy hô hấp, suy tim ứ huyết, người bị hôn mê, sốc hoặc phụ nữ đang mang thai 3 tháng đầu.
- Không được tiêm Zodalan vào trong khoang màng nhện hoặc tiêm ngoài màng cứng.
- Nếu dùng Zodalan thường xuyên với liều cao hoặc lạm dụng thuốc, có thể gây ra tình trạng phụ thuộc thuốc và các triệu chứng của hội chứng cai thuốc.
- Zodalan có thể gây quên trong một khoảng thời gian ngắn, người bệnh không nhớ các sự kiện xảy ra gần nhất, khi đó thuốc có tác dụng mạnh nhất.
- Cần thận trọng trong việc dùng thuốc Zodalan ở người bị suy hô hấp với mục đích an thần còn ý thức.
- Dùng thuốc Zodalan ở trẻ dưới 6 tháng tuổi dễ gây tắc nghẽn đường thở và làm giảm sự thông khí. Vì vậy, cần điều chỉnh liều dùng thấp để vừa đảm bảo hiệu quả trên lâm sàng, vừa giữ được nhịp thở của trẻ, đồng thời cần theo dõi độ bão hòa oxy.
- Theo dõi bệnh nhân sau khi tiêm thuốc Zodalan để làm tiền mê, vì độ nhạy với thuốc của mỗi người bệnh là khác nhau.
- Người cao tuổi, người mắc các bệnh mãn tính (hô hấp, suy thận, suy gan, suy tim), trẻ dưới 6 tháng tuổi, cần rất thận trọng khi dùng thuốc Zodalan. Đặc biệt thận trọng ở bệnh nhân nhược cơ.
- Nếu ngừng thuốc Zodalan đột ngột có thể gây hội chứng cai thuốc với các biểu hiện như đau cơ, đau đầu, khó chịu, mất ngủ, căng thẳng, hồi hộp, bồn chồn, lú lẫn, co giật, ảo giác, tâm trạng thay đổi. Để không gặp phải hội chứng cai thuốc, tốt nhất người bệnh nên giảm liều dùng từ từ trước khi ngừng sử dụng thuốc.
- Nếu dùng Zodalan với liều cao và tiêm thuốc nhanh, có thể gây ra các triệu chứng như tăng động, lo lắng, hung hăng, giận dữ, phấn khích.
- Điều chỉnh liều dùng Zodalan ở người bệnh dùng kèm các thuốc cảm ứng hoặc ức chế CYP3A4, người bị suy gan, trẻ sơ sinh và người bệnh có cung lượng tim thấp.
- Trẻ sinh non và người bệnh có tiền sử sinh non cần thận trọng khi dùng thuốc Zodalan vì có nguy cơ ngừng thở. Cần theo dõi tình trạng thông khí ở bệnh nhân để xử trí cấp cứu kịp thời. Không tiêm thuốc nhanh đối với trẻ sơ sinh, nhất là trẻ mắc bệnh tim mạch.
- Không chỉ định Zodalan làm điều trị hồi sức và chăm sóc tích cực ở trẻ dưới 6 tháng tuổi vì nguy cơ tắc nghẽn đường thở và giảm thông khí.
- Không được sử dụng Zodalan cùng với rượu hoặc các thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương. Không đường uống rượu hoặc đồ uống có cồn tối thiểu 12 giờ sau khi tiêm thuốc. Nếu phải dùng thuốc giảm đau, người bệnh nên dùng trước khi tiêm Zodalan.
- Người có tiền sử nghiện rượu hoặc lạm dụng ma túy tránh dùng thuốc Zodalan.
- Không được lái xe hoặc vận hành, điều khiển máy móc tối thiểu 12 giờ sau khi tiêm thuốc Zodalan.
- Nguy cơ tăng áp lực nội sọ có thể xảy ra khi dùng thuốc Zodalan ở người bị tổn thương thần kinh cấp tính.
- Dùng chung Zodalan với các thuốc an thần hoặc thuốc trầm cảm thần kinh trung ương có thể làm tăng tác dụng an thần và ức chế hô hấp. Zodalan cũng làm giảm nồng độ phế nang khi dùng với thuốc gây mê đường hô hấp.
Công dụng của thuốc Zodalan là tiền mê, gây mê và duy trì mê. Có thể sử dụng Zodalan cùng với các thuốc an thần gây ngủ khác để tiến hành thủ thuật chẩn đoán y khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.