Zilvit có hoạt chất chính là Amikacin, một kháng sinh bán tổng hợp thuộc nhóm Aminoglycosid. Thuốc Zilvit được chỉ định trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nặng, đe doạ tính mạng, đặc biệt nhiễm khuẩn máu nghi do trực khuẩn Gram âm.
1. Thuốc Zilvit là thuốc gì?
Hoạt chất chính của thuốc Zilvit là Amikacin, một kháng sinh nhóm Aminoglycosid. Cơ chế tác dụng của thuốc là do gắn vào tiểu đơn vị 30S của ribosom vi khuẩn và ngăn chặn sự tổng hợp protein của vi khuẩn. Hoạt tính của amikacin chủ yếu là chống lại các trực khuẩn Gram âm hiếu khí. Thuốc Zilvit không có tác dụng chống các vi khuẩn kỵ khí và hạn chế đối với đa số vi khuẩn Gram dương.
2. Thuốc Zilvit có tác dụng gì?
Thuốc Zilvit được chỉ định trong điều trị nhiễm khuẩn nặng/ đe doạ tính mạng, đặc biệt nhiễm khuẩn máu nghi ngờ do trực khuẩn Gram âm. Thuốc Zilvit thường được sử dụng phối hợp với Cephalosporin, Penicilin và các kháng sinh khác tùy vào loại nhiễm khuẩn. Trường hợp điều trị viêm nội tâm mạc do S. faecalis hoặc Streptococcus, thường phối hợp thuốc Zilvit với Ampicillin hoặc Benzylpenicilin tương ứng. Ðể điều trị vi khuẩn kỵ khí, có thể phối hợp Zilvit với Metronidazol hoặc một thuốc kháng vi khuẩn kỵ khí khác.
3. Liều lượng và cách dùng của thuốc Zilvit
Cách dùng:
- Amikacin dùng đường tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch. Ðể truyền tĩnh mạch, đối với người lớn nên pha 500mg Amikacin vào 100 - 200 ml dịch truyền như natri clorid 0,9% hoặc dextrose 5%, truyền trong 30 - 60 phút. Ðối với trẻ em, thể tích dịch truyền phụ thuộc vào nhu cầu của người bệnh, nhưng phải đủ để có thể truyền trong 1 - 2 giờ ở trẻ nhỏ hoặc 30 - 60 phút ở trẻ lớn hơn.
Liều lượng:
- Liều thuốc Zilvit được tính theo Amikacin và giống nhau khi tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch. Liều Zilvit thông thường ở người lớn và trẻ lớn tuổi, có chức năng thận bình thường là 15 mg/kg/ngày, chia thành 2-3 liều bằng nhau, sử dụng cách nhau 8-12 giờ. Liều tối đa hàng ngày là 15 mg/kg hoặc 1,5 g. Quá trình điều trị thuốc Zilvit không nên kéo dài quá 7 - 10 ngày và tổng liều ở người lớn không được vượt quá 15 g.
- Tuy nhiên, thuốc Zilvit hiện nay thường sử dụng với chế độ liều 1 lần/ngày do tác dụng ngang bằng và ít độc hơn. Liều khuyến cáo trong chế độ này là 15-20mg/kg, dùng 1 lần/ngày.
- Bệnh nhân suy thận: Phải hiệu chỉnh liều Zilvit dựa theo chức năng thận của bệnh nhân. Khuyến cáo nên định lượng nồng độ Amikacin huyết thanh và theo dõi kỹ chức năng thận khi sử dụng.
- Bệnh nhân suy gan: Không cần hiệu chỉnh liều thuốc Zilvit ở bệnh nhân suy gan.
4. Tác dụng phụ của thuốc Zilvit
Bệnh nhân khi sử dụng thuốc Zilvit có thể gặp phải các tác dụng phụ như sau:
- Hệ thần kinh: Nhiễm độc thần kinh bao gồm co giật cơ, tê, ngứa ran trên da, sốt do thuốc, nhức đầu, dị cảm, run.
- Tai: Độc tính trên thính giác và tiền đình.
- Thận: Độc tính trên thận, tổn thương thận cấp tính, tăng creatinin huyết thanh.
- Hô hấp: Liệt hô hấp.
- Tim mạch: Hạ huyết áp.
- Da liễu: Phát ban da.
- Nội tiết và chuyển hóa: Albumin niệu, hạ kali máu.
- Tiêu hóa: Tiêu chảy do Clostridium difficile, buồn nôn, nôn mửa.
- Hệ sinh dục: Tăng ure huyết, tiểu máu, thiểu niệu, thận nhiễm độc.
- Huyết học: Thiếu máu, tăng bạch cầu ái toan/ bạch cầu niệu.
- Quá mẫn: Phản ứng thuốc với tăng bạch cầu ái toan và các triệu chứng toàn thân.
- Thần kinh cơ xương: Đau khớp.
5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Zilvit là gì?
- Phải sử dụng thuốc Zilvit thận trọng, đặc biệt đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ vì có nguy cơ độc thận cao hơn. Nên giám sát chức năng thận của bệnh nhân chặt chẽ trong quá trình dùng thuốc. Tránh dùng thuốc Zilvit kéo dài hoặc dùng đồng thời với các thuốc khác có độc tính cho thận, ví dụ như Bacitracin, Cisplatin, Amphotericin B, Polymyxin B, Colistin, Vancomycin, các kháng sinh Aminoglycosid khác.
- Tránh sử dụng đồng thời thuốc Zilvit với thuốc lợi tiểu mạnh như Axit ethacrynic, Furosemid vì bản thân thuốc lợi tiểu có thể gây độc cho tai và làm tăng độc tính của kháng sinh Amikacin.
- Nên định lượng nồng độ thuốc trong huyết thanh khi dùng thuốc Zilvit cho bệnh nhân bị tổn thương thận.
- Thận trọng khi dùng thuốc Zilvit cho các bệnh nhân rối loạn hoạt động cơ, chẳng hạn như nhược cơ hoặc Parkinson. Vì thuốc có khả năng làm yếu cơ trầm trọng do tác dụng lên liên kết thần kinh cơ.
- Giống như các kháng sinh khác, dùng thuốc Zilvit kéo dài có thể gây phát sinh các vi sinh vật không nhạy cảm kháng sinh.
- Độc tính thần kinh: Thuốc Zilvit có thể gây ngộ độc thần kinh. Các yếu tố nguy cơ bao gồm suy thận từ trước, dùng đồng thời với các thuốc gây độc cho thần kinh, tuổi cao và mất nước.
- Độc tính trên tai: Độc tính tai sẽ tỷ lệ thuận với lượng thuốc được đưa vào và thời gian điều trị. Ù tai hoặc chóng mặt có thể là dấu hiệu của tổn thương tiền đình và sắp xảy ra tổn thương không hồi phục ở hai bên tai. Ngừng điều trị nếu có dấu hiệu độc tính trên tai. Thận trọng khi sử dụng thuốc Zilvit cho những bệnh nhân bị chóng mặt, ù tai hoặc mất thính lực từ trước.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Zilvit cho bệnh nhân bị hạ calci huyết.
- Thời kỳ mang thai: Amikacin có thể gây hại cho thai nhi nếu ở phụ nữ đang mang thai. Nhìn chung, không nên dùng thuốc Zilvit cho phụ nữ mang thai trừ khi thật sự cần thiết.
- Thời kỳ cho con bú: Amikacin có bài tiết vào trong sữa mẹ. Tuy nhiên thuốc hấp thu qua đường uống kém. Do đó có thể cân nhắc sử dụng thuốc Zilvit ở phụ nữ đang cho con bú dựa trên nguy cơ và lợi ích của thuốc.
- Bảo quản thuốc Zilvit ở nhiệt độ dưới 40 độ, tốt nhất ở 15-30 độ, tránh đông lạnh và ánh sáng trực tiếp.
6. Tương tác thuốc của thuốc Zilvit
Tương tác thuốc có thể gây ra nhiều hậu quả trên lâm sàng như thay đổi tác dụng điều trị và gia tăng độc tính của thuốc. Để đảm bảo không xảy ra tương tác thuốc, bệnh nhân nên thông báo cho y bác sĩ tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang sử dụng. Dưới đây là một số tương tác thuốc cần lưu ý khi sử dụng thuốc Zilvit:
- Sử dụng đồng thời hoặc nối tiếp thuốc Zilvit với các tác nhân gây độc cho thận hoặc thính giác (chẳng hạn như Vancomycin, Polymyxin B, Colistin, các kháng sinh Aminoglycosid khác) có thể làm tăng độc tính nguy hiểm của thuốc.
- Dùng thuốc Zilvit với các thuốc phong bế thần kinh cơ, có thể tăng nguy cơ gây chẹn thần kinh cơ dẫn đến liệt hô hấp.
- Ngoài ra, Amikacin có thể làm tăng tác dụng của thuốc giãn cơ Cura và thuốc gây mê.
- Amikacin có thể tương tác với một số thuốc khác như các Penicilin, Furosemid, Bumetanid và Indomethacin.
- Không được trộn lẫn thuốc Zilvit với các thuốc khác, đặc biệt là với kháng sinh nhóm beta - lactam vì có thể làm mất hiệu lực của cả 2 thuốc.
Bài viết đã cung cấp các thông tin tổng quan về thuốc kháng sinh Zilvit. Các thông tin trên đây không thể thay thế sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Nếu có thắc mắc hoặc cần thêm thông tin về thuốc, bệnh nhân nên liên hệ bác sĩ hoặc dược sĩ để được giải đáp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.