Công dụng thuốc Yutazim Inj

Thuốc Yutazim Inj có thành phần chính là Ceftazidim hàm lượng 1 g, thuộc nhóm kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3. Yutazim công dụng trong điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn nặng toàn thân, nhiễm khuẩn hô hấp, tiết niệu, tai mũi họng, da và mô mềm... Tìm hiểu các thông tin về thành phần, cách sử dụng, liều dùng và tác dụng phụ của thuốc Yutazim Inj sẽ mang lại cho người bệnh hiệu quả điều trị tốt nhất.

1. Yutazim Inj là thuốc gì?

Thuốc Yutazim Inj được bào chế dưới dạng bột pha tiêm, với thành phần chính bao gồm:

  • Hoạt chất: Ceftazidim hàm lượng 1 g.
  • Tá dược: Natri carbonat vừa đủ 1 lọ 1 g.

Ceftazidim là kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ 3, là một kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn dựa trên cơ chế gắn vào một hoặc nhiều protein tham gia vào thành phần cấu tạo màng tế bào vi khuẩn. Do đó, ngăn chặn quá trình sinh tổng hợp thành tế bào vi khuẩn.

2. Thuốc Yutazim Inj có tác dụng gì?

Thuốc Yutazim Inj được chỉ định điều trị cho các trường hợp sau:

  • Nhiễm khuẩn toàn thân nặng như nhiễm khuẩn huyết, viêm màng bụng, viêm màng não, nhiễm khuẩn do suy giảm miễn dịch gặp trong các u ác tính, u Lympho, bệnh bạch cầu cấp, bỏng nhiễm trùng.
  • Nhiễm khuẩn tai mũi họng như viêm xoang, viêm tai ngoài nặng, viêm tai giữa, viêm xương chũm.
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và dưới như viêm phế quản, giãn phế quản nhiễm trùng, viêm phổi, viêm cuống phổi, viêm màng phổi, áp xe phổi.
  • Nhiễm khuẩn hệ tiêu hóa như nhiễm trùng dạ dày ruột, viêm đường mật, viêm túi mật trong sỏi mật, tích mủ mật quàng quang, viêm ruột thừa, áp xe trong bụng, viêm tiểu kết tràng, viêm xương chậu, nhiễm khuẩn hậu sản.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu như viêm thận bể thận, viêm bàng quang.
  • Nhiễm khuẩn ở xương và khớp như viêm xương – tủy xương, viêm khớp, viêm bao khớp nhiễm trùng.
  • Nhiễm khuẩn da và mô mềm như viêm mô tế bào, vết thương bội nhiễm, viêm vú.
  • Nhiễm khuẩn liên quan đến lọc máu hay thẩm phân phúc mạc.
  • Dự phòng nhiễm khuẩn trước phẫu thuật hay thủ thuật.

3. Chống chỉ định của thuốc Yutazim Inj:

  • Dị ứng quá mẫn với bất cứ thành phần của thuốc Yutazim Inj.
  • Tiền sử dị ứng với các loại thuốc kháng sinh chứa Ceftazidim.
  • Tiền sử dị ứng với các loại kháng sinh khác thuộc nhóm Cephalosporin.
  • Suy giảm chức năng gan thận nặng.
  • Yutazim Inj khi đã pha với Lidocain không sử dụng trên:
  • Tiêm truyền tĩnh mạch.
  • Trẻ em dưới 30 tháng tuổi.
  • Người bị suy tim nặng.

4. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Yutazim Inj:

4.1. Cách sử dụng:

Thuốc Yutazim Inj được sử dụng bằng đường tiêm bắp, tiêm hoặc truyền tĩnh mạch:

  • Tiêm bắp: Pha một lọ Yutazim Inj với 3,0 ml dung dịch Lidocain 0,5% hay 1% lắc kĩ.
  • Tiêm tĩnh mạch: Pha một lọ Yutazim Inj với 10ml nước cất pha tiêm, hoặc dung dịch NaCl 0,9%, hoặc Dextrose 5% tiêm tĩnh mạch chậm từ 2 - 4 phút.
  • Truyền tĩnh mạch: Pha 1 lọ Yutazim Inj với 50 – 100 ml với dung dịch nước cất tiêm, dung dịch NaCl 0,9%, Dextrose 5% để đạt được nồng độ 10 – 20 mg/ml.

Lưu ý:

  • Không pha thuốc với Yutazim Inj dung dịch Ringer lactat hay dung dịch có chứa Canxi.
  • Có thể sử dụng Yutazim Inj kết hợp với các loại kháng sinh khác, tùy vào tình trạng và chỉ định của bác sĩ.

4.2. Liều dùng:

Người lớn

  • Liều thông thường: Tiêm truyền 1 lọ (1 g)/lần x 3 lần/ngày hoặc 2 lọ (2 g)/lần x 2 lần/ngày.
  • Liều nhiễm khuẩn tiết niệu hoặc nhiễm khuẩn mức độ nhẹ: Tiêm truyền 1⁄2 - 1 lọ (0,5 – 1 g)/lần x 2 lần/ngày.
  • Liều nhiễm khuẩn nặng: Tiêm truyền 2 lọ (2 g)/lần x 3 lần/ngày hoặc 3 lọ (3 g)/lần x 2 lần/ngày.
  • Liều cho viêm phổi nặng: Tiêm truyền 100 – 150 mg/kg/ngày x 3 lần/ngày. Liều tối đa một ngày 9 g.
  • Người cao tuổi: Liều tối đa một ngày 3 g.
  • Liều dự phòng nhiễm khuẩn: Tiêm truyền 1 ống (1 g)/lần trước phẫu thuật 30 phút đến 2 giờ.

Trẻ em > 2 tháng tuổi

  • Liều thông thường: Tiêm truyền 30 – 100 mg/kg/ngày x 2 – 3 lần/ngày.
  • Suy giảm miễn dịch hoặc viêm màng não: Tiêm truyền 150 mg/kg/ngày. Liều tối đa một ngày 6 g.

Bệnh nhân suy giảm chức thận

Sử dụng liều dựa trên hệ số thanh thải Creatinin (CrCl)

  • Liều CrCl 31 - 50 ml/phút: Tiêm truyền 1 lọ (1 g)/lần x 2 lần/ngày.
  • Liều CrCl 16 - 30 ml/phút: Tiêm truyền 1 lọ (1 g)/lần x 1 lần/ngày.
  • Liều CrCl 6 - 15 ml/phút: Tiêm truyền 1⁄2 lọ (0,5 g)/lần x 1 lần/ngày.
  • Liều CrCl < 5 ml/phút: Tiêm truyền 1⁄2 lọ (0,5 g)/lần x 1 lần/2 ngày.

Bệnh nhân thẩm phân máu

  • Liều khởi đầu: Tiêm truyền 1 lọ (1 g)/ngày.
  • Liều tiếp theo: Tiêm truyền 1⁄2 lọ (0,5 g)/ngày.

5. Lưu ý khi sử dụng Yutazim Inj

5.1 Tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng Yutazim Inj

Điều trị bằng thuốc Yutazim Inj với liều cao hoặc kéo dài, có thể gây ra các tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Kích ứng tại chỗ tiêm, viêm tắc tĩnh mạch gần chỗ tiêm. Triệu chứng ở da như ngứa, ngoại ban, ban dát sần.
  • Ít gặp: Triệu chứng toàn thân như sốt, đau đầu, chóng mặt, phù Quincke, nặng có thể là sốc phản vệ. Bất thường về máu như thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, tăng bạch cầu ưa Eosin, giảm tiểu cầu, phản ứng Coombs dương tính, rối loạn đông cầm máu. Rối loạn thần kinh như loạn vị giác, loạn cảm, co giật, run, kích thích thần kinh cơ. Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy hay táo bón.
  • Hiếm gặp: Mất bạch cầu hạt, thiếu máu tan máu. Triệu chứng tiêu hóa như viêm đại tràng có mảng giả. Triệu chứng ở da như ban đỏ đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử da nhiễm độc. Viêm đại tràng giả mạc, tăng men gan, tăng Phosphatase kiềm. Giảm độ lọc cầu thận, tăng Urê và Creatinin máu.

Bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế cần chú ý và theo dõi sát sau khi sử dụng thuốc Yutazim Inj cho bệnh nhân để kịp thời phát hiện và xử trí những tác dụng phụ trên hoặc bất kỳ các bất thường khác.

5.2 Lưu ý sử dụng thuốc Yutazim Inj ở các đối tượng

  • Thận trọng khi dùng thuốc Yutazim Inj ở người suy giảm chức năng gan, thận nặng, người có tiền sử bệnh đường tiêu hóa, người đang sử dụng Vitamin K. Cần giảm liều khi sử dụng thuốc Yutazim Inj trên các đối tượng này.
  • Phụ nữ có thai: Theo phân loại của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) hoạt chất Ceftazidim thuộc nhóm B, nhóm không có hoặc ít bằng chứng về nguy cơ trên thai kỳ. Vì thế, nên cân nhắc sử dụng Yutazim Inj trong thai kỳ trừ những trường hợp thật sự cần thiết.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Hiện nay có một số nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt chất Ceftazidim có trong Yutazim Inj có thể bài tiết qua sữa mẹ với nồng độ thấp. Do vậy, cần thận trọng khi dùng Yutazim Inj trên đối tượng này.
  • Người làm nghề lái xe hay công nhân vận hành máy móc có thể gặp dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt sau khi sử dụng thuốc Yutazim Inj.

6.Tương tác thuốc Yutazim Inj

Tương tác với các thuốc khác

  • Không nên pha lẫn Yutazim Inj với các loại kháng sinh khác.
  • Các thuốc làm tăng độc tính cho thận khi dùng chung với Yutazim Inj:
  • Aminoglycoside.
  • Thuốc lợi tiểu mạnh như Furosemid.
  • Chloramphenicol đối kháng với thuốc Yutazim Inj.

Trên đây là thông tin khái quát về thành phần, công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Yutazim Inj. Để đạt được hiệu quả điều trị cao khi sử dụng thuốc Yutazim Inj đòi hỏi sự phối hợp của cả bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe