Công dụng thuốc Vitatrum C

Thuốc Vitatrum C có thành phần chính là Acid ascorbic (Vitamin C) 1000mg. Thuốc có tác dụng điều trị các bệnh lý do thiếu hụt vitamin C. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về thuốc Vitatrum C qua bài viết ngay dưới đây.

1. Thành phần của thuốc Vitatrum C

Thuốc Vitatrum C được bào chế dưới dạng viên nén sủi bọt với thành phần chính là Acid ascorbic (Vitamin C) 1000mg.

Tá dược gồm: Acid citric khan, natri hydrocarbonat, hypromellose, đường trắng, polyethylen glycol 6000, mùi cam, aspartam, sunset yellow, natri benzoat, nước tinh khiết, ethanol 96% vừa đủ.

2. Vitatrum C có tác dụng gì?

Thuốc Vitatrum C được chỉ định trong điều trị các bệnh lý do thiếu hụt vitamin C, hỗ trợ tăng sức đề kháng.

3. Cách dùng - Liều dùng của thuốc vitatrum C

  • Liều dùng: 1 viên mỗi ngày.
  • Cách dùng: Hòa tan 1 viên vitatrum C vào 1/2 ly nước để tạo thành dung dịch.

4. Chống chỉ định của thuốc vitatrum C

Không sử dụng thuốc Vitatrum C trong trường hợp sau:

  • Người bị thiếu hụt Glucose-6-phosphat dehydrogenase (có nguy cơ thiếu máu huyết tán).
  • Bệnh nhân có tiền sử bị sỏi thận, tăng oxalat niệu và rối loạn chuyển hóa oxalat
  • Bệnh nhân mắc Thalassemia (tăng nguy cơ hấp thu sắt).
  • Không dung nạp fructose, hội chứng kém hấp thu glucose và galactose hoặc thiếu hụt sucrase-isomaltase do thành phần tá dược có đường trắng.

5. Thận trọng khi sử dụng thuốc vitatrum C

  • Dùng Vitamin C liều cao kéo dài có thể gây ra hiện tượng lờn thuốc, do đó khi giảm liều sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin C.
  • Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai sử dụng vitamin C liều cao trong thai kỳ có thể dẫn đến bệnh scorbut ở trẻ sơ sinh.
  • Phụ nữ cho con bú: Vitamin C phân bố trong sữa mẹ, phụ nữ cho con bú dùng vitamin C theo nhu cầu bình thường chưa thấy tác hại gì cho trẻ bú mẹ.
  • Dùng liều cao vitamin C có thể gây ra tăng oxalat, acid hóa nước tiểu, gây kết tủa urat hoặc cystin hoặc sỏi oxalat
  • Bệnh nhân thiếu hụt men Glucose-6-phosphat dehydrogenase dùng vitamin C liều cao có thể bị chứng tan huyết.
  • Bệnh nhân theo chế độ ăn kiêng hoặc hạn chế muối cần lưu ý đến lượng natri trong khẩu phần hàng ngày vì trong mỗi viên thuốc Vitatrum C có chứa 285 mg natri.
  • Thận trọng khi dùng thuốc vitatrum C đối với các bệnh nhân mắc đái tháo đường, vì mỗi viên thuốc có chứa khoảng 290 mg đường trắng.
  • Không dùng thuốc vào buổi tối vì vitamin C có thể gây khó ngủ.

6. Tác dụng không mong muốn của thuốc Vitatrum C

Thuốc Vitatrum C có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, ợ nóng, tiêu chảy, đỏ bừng, nhức đầu, mất ngủ, tăng oxalat niệu, thiếu máu huyết tán (ở người thiếu hụt men G6PD).

7. Tương tác với các thuốc khác

  • Vitamin C làm tăng hấp thu sắt qua đường tiêu hóa.
  • Dùng đồng thời Vitamin C với thuốc Aspirin làm giảm bài tiết Aspirin và tăng bài tiết Vitamin C.
  • Dùng Vitamin C chung với thuốc Fluphenazin làm giảm nồng độ Fluphenazin trong huyết tương. Vitamin C gây acid hóa nước tiểu có thể ảnh hưởng đến sự bài tiết của các thuốc khác.
  • Vitamin C liều cao làm phá hủy vitamin B12, nên dùng 2 thuốc cách xa nhau 1 giờ.
  • Vitamin C là chất khử mạnh có thể ảnh hưởng đến kết quả các xét nghiệm sinh hóa nước tiểu như xét nghiệm glucose và một số xét nghiệm khác.

8. Xử trí quá liều

Các triệu chứng quá liều vitamin C gồm sỏi thận, buồn nôn, kích thích dạ dày và tiêu chảy.

Xử trí quá liều: Gây lợi tiểu bằng truyền dịch có thể có tác dụng sau khi uống liều lớn.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe