Thuốc Usabetic 2 thuộc nhóm thuốc Hormon, nội tiết tố, được sử dụng để điều trị kết hợp với chế độ luyện tập và ăn uống để kiểm soát lượng đường huyết ở những người mắc bệnh đái tháo đường loại 2 không phụ thuộc vào Insulin. Cùng tìm hiểu tác dụng thuốc Usabetic 2 qua bài viết dưới đây.
1. Thuốc Usabetic 2 là thuốc gì?
Thuốc Usabetic 2 có thành phần chính là hoạt chất Glimepirid 2mg và các tá dược khác vừa đủ như Lactose, microcrystalline, cellulose, sodium starch glycolate, magnesi, opadry white, brilliant blue. Thuốc được điều chế dưới dạng viên nén bao phim, đóng gói thành hộp 1 vỉ, 3 vỉ, 6 vỉ, 10 vỉ x 10 viên.
2. Công dụng của thuốc Usabetic 2
2.1. Công dụng - chỉ định
Thuốc Usabetic 2 được sử dụng điều trị cho những trường hợp sau:
- Dùng để điều chỉnh hạ đường huyết cho những người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, không kiểm soát được lượng đường huyết trong chế độ ăn uống, luyện tập và giảm cân bình thường
- Ngoài ra, thuốc còn có thể dùng phối hợp với Metformin hoặc với Insulin.
2.2. Chống chỉ định
Thuốc Usabetic 2 chống chỉ định sử dụng cho những trường hợp sau:
- Người bị dị ứng, mẫn cảm với hoạt chất Glimepirid và các loại sulfonylurea khác hoặc bất cứ thành phần nào có trong thuốc.
- Người mắc bệnh đái tháo đường loại 1
- Người bị nhiễm acid-ceton do bệnh đái tháo đường.
- Người có tiền sử bị hôn mê hoặc tiền hôn mê do bệnh đái tháo đường.
- Người bị suy gan, suy thận nặng.
- Người bị nhiễm khuẩn nặng, chấn thương nặng hoặc thực hiện cuộc phẫu thuật lớn.
- Phụ nữ muốn có thai, đang mang thai hoặc đang trong quá trình cho con bú.
3. Cách dùng và liều dùng thuốc Usabetic 2
Cách dùng: thuốc được điều chế dưới dạng viên nén bao phim nên được sử dụng bằng đường uống, kèm với một lượng nước lọc vừa đủ. Khuyến cáo người bệnh khi uống không nên nghiền nát, bẻ đôi viên thuốc hoặc kết hợp thuốc với rượu, bia, các loại đồ uống có ga.
Liều dùng: Liều dùng thuốc Usabetic 2 còn tùy thuộc vào vào từng người bệnh cụ thể vì còn phải dựa trên lượng đường huyết của bệnh nhân. Tham khảo: Liều dùng thông thường: sử dụng từ 1 - 4mg/ lần/ ngày vào lúc ăn sáng. Người bệnh không nên sử dụng quá 8mg/ ngày và cần phải giảm liều khi người dùng bị suy thận, suy gan.
Trong trường hợp quên liều: người bệnh có thể bỏ qua liều quên và tiếp tục sử dụng liều tiếp theo đúng với đơn thuốc đã chỉ định. Khuyến cáo không nên sử dụng gấp đôi số liều để bù cho lượng thuốc Usabetic 2 đã quên.
Trong trường hợp quá liều: Khi sử dụng quá liều sulfonylurea hay glimepirid có thể gây ra triệu chứng hạ đường huyết. Các triệu chứng này thường sẽ nhẹ, không mất ý thức, không có các dấu hiệu thần kinh nên chỉ cần cho người bệnh uống glucose và điều chỉnh liều thuốc hoặc chế độ ăn định sẵn. Sau đó cần phải theo dõi sát sao người bệnh cho đến khi bác sĩ chắc chắn rằng họ đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm.
Tuy nhiên cũng có thể xuất hiện tình trạng hạ đường huyết nghiêm trọng, gây ra tình trạng hôn mê, co giật và các suy yếu thần kinh không xảy ra thường xuyên. Khi gặp tình trạng này, người bệnh cần nhập viện ngay lập tức và thực hiện các can thiệp y khoa để điều trị hạ đường huyết hiện hành tùy thuộc và tình trạng của bệnh nhân. Sau đó cần phải theo dõi người bệnh tối thiểu từ 24 đến 48 giờ để không xảy ra tình trạng hạ đường huyết tái phát.
4. Tác dụng phụ của thuốc Usabetic 2
Trong quá trình sử dụng, ngoài công dụng chính mà Usabetic 2 mang lại, người dùng còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như:
- Các triệu chứng thường gặp: nhức đầu, chóng mặt, nôn, buồn nôn, đau bụng, cảm giác đầy tức ở thượng vị, tiêu chảy.
- Các triệu chứng ít gặp: phản ứng dị ứng, giả dị ứng ở da, mề đay, mẩn đỏ, ngứa.
- Các triệu chứng hiếm gặp:
- Vàng da, tăng men gan, suy giảm chức năng gan.
- Thiếu máu tan huyết, giảm tiểu cầu nhẹ hoặc nặng, giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt.
- Viêm mạch máu dị ứng, da bị mẫn cảm với ánh sáng.
Cách xử trí: ngưng sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe hiện tại của bản thân để có cách hỗ trợ điều trị kịp thời.
5. Tương tác thuốc Usabetic 2
Người dùng cần ghi nhớ một số phản ứng tương tác giữa thuốc Usabetic 2 với các loại thuốc khác như:
- Một số thuốc làm tăng tác dụng hạ đường huyết của sulfonylurea bao gồm: insulin, ức chế men chuyển, các loại thuốc hạ đường huyết khác, thuốc kháng viêm không thuộc nhóm steroid, các thuốc gắn kết mạnh với protein như sulfonamide, azapropazon, clarithromycin, cyclophosphamid, disopyramid, fenfluramine, fibrat, fluoxetin,... Nếu cần phải sử dụng kết hợp các loại thuốc này với Usabetic 2 thì cần phải theo dõi sát tình trạng hạ đường huyết ở người bệnh. Khi ngưng sử dụng các loại thuốc này trên người bệnh đang dùng glimepirid thì nên quan sát kỹ tình trạng mất kiểm soát lượng đường huyết ở người bệnh.
- Một số thuốc làm tăng đường huyết và dẫn đến tình trạng mất kiểm soát lượng đường huyết như: thiazid, các loại thuốc lợi tiểu, barbiturat, acetazolamid, corticosteroid, epinephrin, thuốc nhuận trường,... Khi sử dụng chung các loại thuốc này với glimepirid thì cần quan sát kỹ tình trạng mất kiểm soát lượng đường huyết ở người bệnh.
Lưu ý: để có thể tránh được các phản ứng không mong muốn xảy ra, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ về tất cả những loại thuốc, thực phẩm chức năng mà mình đang sử dụng để có được hướng kết hợp điều trị phù hợp nhất với sức khỏe của bản thân.
6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Usabetic 2
Người dùng thuốc Usabetic 2 cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Sử dụng thuốc cần phải được xem như là liều điều trị bổ sung cho chế độ ăn uống thích hợp chứ không thay thế cho chế độ ăn. Người bệnh vẫn cần kiểm soát được chế độ ăn và luyện tập phù hợp đơn thuần để có thể kiểm soát được hiệu quả lượng đường huyết và các triệu chứng tăng đường huyết.
- Với những người bệnh lớn tuổi, suy yếu, suy tuyến thượng thận, suy gan, suy tuyến yên, dinh dưỡng kém thì sẽ rất dễ bị ảnh hưởng bởi tác dụng hạ đường huyết của thuốc. Đặc biệt, với những người bị suy thận thì có thể nhạy cảm hơn với tác động hạ đường huyết của Glimepirid.
- Hiện tượng hạ đường huyết có thể sẽ khó phát hiện ra ở người cao tuổi, người đang dùng thuốc chẹn beta hoặc các loại thuốc hủy giao cảm khác.
- Cần điều trị theo dõi thường xuyên lượng đường huyết của người bệnh vào lúc đói từ 3 đến 6 tháng/ lần để có thể xác định được khả năng đáp ứng của cơ thể với thuốc.
- Với những người đang trong thời kỳ mang thai: hiện nay chưa có đầy đủ các báo cáo về tính an toàn và hiệu quả của thuốc cho đối tượng này, vì vậy không nên sử dụng thuốc nếu không thực sự cần thiết.
- Với người đang trong thời kỳ cho con bú: vì hoạt chất glimepirid bài tiết được qua sữa mẹ nên cần ngưng dùng glimepirid và thay bằng insulin cho đối tượng này.
- Khi sử dụng thuốc, người bệnh có thể nhìn mờ, ngủ gật, chóng mặt do nồng độ đường huyết quá thấp hoặc quá cao. Vì thế, không được lái xe, vận hành máy móc hoặc tham gia các hoạt động đòi hỏi sự tỉnh táo trong khi sử dụng thuốc.
Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp cho người đọc có thêm được kiến thức về công dụng thuốc Usabetic 2 trong việc điều trị kết hợp với chế độ luyện tập và ăn uống để kiểm soát lượng đường huyết ở những người mắc bệnh đái tháo đường loại 2 không phụ thuộc vào Insulin. Lưu ý, thuốc Usabetic 2 là loại thuốc được sử dụng dưới sự chỉ định của bác sĩ nên người bệnh cần được khám và kê đơn trước khi uống thuốc.