Thuốc Uphaxime được bào chế dưới dạng viên nang cứng, có thành phần chính là Cefixim. Thuốc được sử dụng để điều trị một số bệnh nhiễm khuẩn: Viêm tai giữa, viêm họng, viêm phế quản, viêm thận - bể thận,...
1. Công dụng của thuốc Uphaxime
1 viên thuốc Uphaxime 200 có thành phần chính là 200mg Cefixim (dưới dạng Cefixim trihydrat) và các tá dược khác. Cefixim là 1 kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 3. Thuốc có tác dụng tốt trên các chủng vi khuẩn gram âm, bền vững với beta - lactamase và đạt được nồng độ diệt khuẩn trong dịch não tủy. Tuy nhiên, trên vi khuẩn gram dương thì Cefixim có tác dụng kém hơn so với penicillin và cephalosporin thế hệ 1. Thuốc cũng có tác dụng cả với P. aeruginosa.
Chỉ định sử dụng thuốc Uphaxime:
- Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu không biến chứng, gây ra bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm với thuốc như E. coli hoặc Proteus mirabilis và một số trường hợp các trực khuẩn gram âm khác như Enterobacter spp., Klebsiella spp., Citrobacter spp., Proteus spp;
- Điều trị một số trường hợp viêm thận - bể thận và nhiễm khuẩn đường tiết niệu có biến chứng, gây ra bởi các Enterobacteriaceae nhạy cảm;
- Điều trị viêm tai giữa gây ra bởi Moraxella catarrhalis (kể cả các chủng tiết beta – lactamase), Haemophilus influenzae (kể cả các chủng tiết beta – lactamase), Streptococcus pyogenes;
- Điều trị viêm amidan và viêm họng do Streptococcus pyogenes;
- Điều trị viêm phổi mắc phải trong cộng đồng mức độ nhẹ và trung bình;
- Điều trị viêm phế quản cấp tính và mạn tính gây ra bởi Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae hoặc Moraxella catarrhalis;
- Điều trị bệnh lậu chưa có biến chứng gây ra bởi Neisseria gonorrhoeae (kể cả chủng tiết beta – lactamase), bệnh thương hàn gây ra bởi Salmonella typhi (kể cả chủng đa kháng thuốc) hoặc bệnh lỵ do Shigella nhạy cảm (kể cả các chủng kháng ampicilin).
Chống chỉ định sử dụng thuốc Uphaxime
- Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn cảm với Cefixim, kháng sinh nhóm cephalosporin khác hoặc người có tiền sử sốc phản vệ do thuốc penicillin.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Uphaxime
Cách dùng: Đường uống. Nên uống thuốc Uphaxime sau khi ăn, uống cùng với nước đun sôi để nguội.
Liều dùng:
- Người lớn: Liều thông thường là 2 viên/ngày, có thể dùng 1 hoặc 2 lần (cách nhau 12 giờ);
- Trẻ em trên 12 tuổi hoặc cân nặng trên 50kg: Dùng liều như người lớn;
- Trẻ em dưới 6 tháng tuổi: Chưa xác minh được độ an toàn và hiệu quả khi dùng thuốc Uphaxime cho nhóm đối tượng này;
- Bệnh nhân suy thận: Nếu độ thanh thải creatinin của người bệnh dưới 20ml/phút thì dùng liều 1 viên/ngày.
Thời gian dùng thuốc Uphaxime: Tùy thuộc vào loại nhiễm khuẩn, người bệnh nên kéo dài thời gian điều trị với thuốc Uphaxime thêm 48 - 72 giờ sau khi các triệu chứng nhiễm khuẩn đã hết. Thời gian điều trị thông thường đối với nhiễm khuẩn đường hô hấp trên là từ 5 - 10 ngày (nếu do Streptococcus nhóm A tan máu beta thì cần điều trị ít nhất 10 ngày để phòng ngừa thấp tim). Thời gian điều trị đối với nhiễm khuẩn đường tiết niệu không biến chứng là 5 - 10 ngày; nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới và viêm tai giữa là 10 - 14 ngày.
Quá liều: Khi sử dụng thuốc Uphaxime quá liều, bệnh nhân có thể có triệu chứng co giật. Vì hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho tình trạng này nên chủ yếu là điều trị triệu chứng. Khi người bệnh có triệu chứng quá liều, cần ngừng thuốc ngay và xử trí bằng cách: Rửa dạ dày, có thể dùng thuốc chống co giật (nếu có chỉ định lâm sàng). Vì thuốc Uphaxime không được loại trừ bằng thẩm phân máu nên lọc màng bụng hoặc chạy thận nhân tạo đều không mang lại hiệu quả.
Quên liều: Nên sử dụng thuốc Uphaxime càng sớm càng tốt, có thể dùng cách giờ bác sĩ chỉ định khoảng 1 - 2 giờ. Trường hợp quên liều thuốc Uphaxime quá lâu, gần với liều kế tiếp thì người bệnh bỏ qua liều đã quên, sử dụng liều kế tiếp như bình thường, không cần bù liều.
3. Tác dụng phụ của thuốc Uphaxime
Cefixim thường được dung nạp tốt, các tác dụng phụ thường nhẹ và vừa, thoáng qua. Khi sử dụng thuốc Uphaxime, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
- Thường gặp:
- Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, nôn ói, đầy hơi, đau bụng, khô miệng, ăn không ngon, tiêu chảy và phân nát. Rối loạn tiêu hóa thường xảy ra trong 1 - 2 ngày đầu điều trị với thuốc. Các tình trạng này đều đáp ứng tốt với thuốc điều trị triệu chứng nên bệnh nhân hiếm khi phải ngừng thuốc;
- Hệ thần kinh: Chóng mặt, đau đầu, mất ngủ, bồn chồn, mệt mỏi;
- Quá mẫn: Ban đỏ, nổi mày đay, sốt do thuốc;
- Ít gặp:
- Tiêu hóa: Tiêu chảy nặng gây ra bởi vi khuẩn Clostridium difficile, viêm đại tràng giả mạc;
- Huyết học: Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu ưa acid thoáng qua, giảm nồng độ hematocrit và hemoglobin;
- Toàn thân: Phù mạch, phản vệ, hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens - Johnson, hoại tử thượng bị nhiễm độc;
- Gan: Vàng da, viêm gan, tăng tạm thời ALT, AST, bilirubin, phosphatase kiềm và LDH;
- Thận: Tăng nitrogen phi protein huyết tạm thời, tăng nồng độ creatinin huyết tương tạm thời, suy thận cấp;
- Tác dụng phụ khác: Viêm âm đạo, nhiễm nấm Candida âm đạo;
- Hiếm gặp:
- Huyết học: Kéo dài thời gian prothrombin;
- Toàn thân: Co giật.
Người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về các tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng thuốc Uphaxime để được tư vấn, hỗ trợ về cách xử trí hiệu quả nhất.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Uphaxime
Một số lưu ý người bệnh nên nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Uphaxime:
- Trước khi bắt đầu điều trị bằng Cefixim, cần điều tra kỹ về tiền sử dị ứng của bệnh nhân đối với penicillin và các loại cephalosporin khác;
- Nên thận trọng khi sử dụng thuốc Uphaxime ở bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh về đường tiêu hóa và viêm đại tràng, đặc biệt là khi dùng thuốc kéo dài. Nguyên nhân vì Cefixim có thể làm phát triển quá mức các chủng vi khuẩn kháng thuốc (đặc biệt là Clostridium difficile ở ruột làm tiêu chảy nặng). Với trường hợp trên, nên ngừng thuốc, điều trị bằng kháng sinh khác. Ngoài ra, tiêu chảy trong 1 - 2 ngày đầu chủ yếu là do thuốc. Nếu bị tiêu chảy nhẹ thì không cần ngừng dùng thuốc Uphaxime;
- Liều dùng và số lần dùng thuốc Uphaxime cần phải giảm ở bệnh nhân suy thận (bao gồm cả người bệnh đang lọc máu ngoài thận) do nồng độ của Cefixim trong huyết tương ở người bệnh suy thận thường cao và kéo dài hơn so với những người có chức năng thận bình thường;
- Chưa có dữ liệu về độ an toàn và hiệu quả của thuốc Uphaxime ở trẻ em dưới 6 tháng tuổi;
- Người cao tuổi sử dụng thuốc Uphaxime nhìn chung không cần phải điều chỉnh liều dùng, trừ khi có suy giảm chức năng thận (độ thanh thải creatinin dưới 60ml/phút);
- Cho đến nay, vẫn chưa có dữ liệu đầy đủ về ảnh hưởng của thuốc Cefixim đối với phụ nữ mang thai. Vì vậy, chỉ nên dùng thuốc Uphaxime ở đối tượng này khi thực sự cần thiết, được bác sĩ cho phép;
- Hiện vẫn chưa rõ Cefixim có đi vào sữa mẹ hay không. Do đó, chỉ nên sử dụng Uphaxime ở phụ nữ cho con bú một cách thận trọng, có thể tạm ngưng cho con bú trong thời gian dùng thuốc;
- Cefixim có thể gây một số tác dụng phụ như chóng mặt, đau đầu, bồn chồn, mệt mỏi,... nên cần thận trọng khi sử dụng thuốc Uphaxime ở người lái xe, vận hành máy móc.
5. Tương tác thuốc Uphaxime
Một số tương tác thuốc của Uphaxime gồm:
- Khi sử dụng đồng thời Probenecid với Uphaxime, Probenecid làm tăng nồng độ đỉnh và AUC của Cefixim, làm giảm độ thanh thải của thận cũng như thể tích phân bố của thuốc;
- Khi dùng đồng thời Uphaxime với các loại thuốc chống đông như Warfarin thì có thể làm tăng thời gian prothrombin, có/không kèm theo chảy máu;
- Khi uống Uphaxime cùng với Carbamazepin có thể làm tăng nồng độ của Carbamazepin trong huyết tương;
- Khi dùng đồng thời Uphaxime và Nifedipin có thể làm tăng sinh khả dụng của Cefixim, biểu hiện bằng tình trạng tăng nồng độ đỉnh và AUC.
Để tăng cường và phát huy tối đa tác dụng của thuốc Uphaxime, người bệnh nên dùng thuốc đúng liều lượng và đúng theo liệu trình chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên kết hợp với một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, kết hợp với tập luyện thể dục thể thao hằng ngày,...
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.