Thuốc Tussifast gồm 3 thành phần chính là Dextromethorphan HBr hàm lượng 5mg, Clopheniramin maleat hàm lượng 1,33mg và Guaiphenesin hàm lượng 50mg giúp long đờm. Tussifast được đóng trong hộp 1 lọ 30 ml, hộp 1 lọ 60 ml siro với hạn sử dụng không quá 24 tháng kể từ ngày sản xuất.
1. Tussifast công dụng là gì?
Thuốc Tussifast được chỉ định cho những đối tượng sau:
- Bệnh nhân ho do những tác nhân sau: Cúm, cảm lạnh, viêm phổi, lao, suyễn, viêm phế quản, sởi và ho gà.
- Bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng, viêm hầu, viêm khí quản, viêm thanh quản, hít phải chất kích thích, ho do tâm lý và kích thích màng phổi.
2. Chống chỉ định của thuốc Tussifast
Những đối tượng dưới đây không được sử dụng thuốc Tussifast:
- Bệnh nhân dị ứng hay mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc Tussifast.
- Người bệnh đang có những cơn hen cấp tính.
- Người bệnh bị suy hô hấp.
- Bệnh nhân bị bệnh gan.
- Người bệnh mắc phì đại tiền liệt tuyến.
- Bệnh nhân tắc cổ bàng quang.
- Bệnh nhân loét dạ dày, tắc nghẽn môn vị - tá tràng.
- Bệnh nhân là phụ nữ đang cho con bú.
- Bệnh nhân là trẻ sơ sinh, bệnh nhân là trẻ đẻ thiếu tháng.
3. Liều lượng sử dụng thuốc Tussifast
Cách dùng: Thuốc Tussifast bào chế dưới dạng lỏng và sử dụng theo đường uống.
Liều lượng dùng thuốc Tussifast:
- Bệnh nhân là người lớn mỗi lần sử dụng 15 ml.
- Bệnh nhân thuộc độ tuổi từ 7 – 12 tuổi: Mỗi lần uống 10ml và cách nhau 6 – 8 giờ.
- Bệnh nhân thuộc độ tuổi từ 2 – 6 tuổi: Mỗi lần uống 5 ml và cách nhau 6 – 8 giờ.
4. Cách xử lý khi quên liều hoặc quá liều Tussifast
Trường hợp quên liều: Nếu quên liều dưới 2 tiếng, uống ngay khi nhớ ra. Nếu liều Tussifast bị quên gần với liều kế tiếp, bệnh nhân bỏ qua liều quên để uống liều kế tiếp. Tuy nhiên không tự ý tăng gấp đôi liều để bù liều quên, tránh tác dụng phụ ngoài ý muốn.
Trường hợp quá liều: Khi bị quá liều, bệnh nhân ngừng uống thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ/ dược sĩ. Trường hợp xuất hiện triệu chứng hôn mê hoặc không thở được, người nhà ngay lập tức đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
5. Tác dụng phụ của thuốc Tussifast
Trong quá trình sử dụng thuốc Tussifast, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ sau:
- Bệnh nhân bị buồn ngủ, ngủ sâu.
- Bệnh nhân bị khô miệng, khô mũi, khô họng.
- Bệnh nhân bị chóng mặt, nhức đầu, đánh trống ngực, bồn chồn,...
- Bệnh nhân có cảm giác buồn nôn và nôn, ăn không ngon
- Bệnh nhân bị táo bón, tiểu khó.
- Bệnh nhân mặt đỏ bừng, hạ huyết áp, nổi mẩn, đổ mồ hôi,...
- Bệnh nhân rối loạn tiêu hóa và rối loạn hệ thần kinh trung ương.
6. Tương tác của thuốc Tussifast
- Thuốc chống trầm cảm Monoamin Oxydase làm kéo dài và tăng tác dụng chống tiết chất dẫn truyền thần kinh của thuốc Tussifast.
- Ethanol hoặc thuốc an thần gây ngủ làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương của thuốc Tussifast.
- Thuốc Tussifast ức chế chuyển hóa Phenytoin và tăng nguy cơ ngộ độc Phenytoin.
7. Lưu ý khi sử dụng thuốc Tussifast
- Trước khi sử dụng thuốc Tussifast, hãy thông báo với bác sĩ/ dược sĩ nếu bản thân bệnh nhân bị dị ứng với thành phần của thuốc hoặc các thuốc bạn đang dùng, chuẩn bị dùng.
- Chia sẻ với bác sĩ/ dược sĩ nếu bạn đang có phẫu thuật hoặc từng mắc bệnh khí phế thũng, bệnh hen huyễn, viêm phế quản mãn tính hoặc bệnh phổi khác, bệnh tăng nhãn áp, bệnh tiểu đường, tiểu khó do tuyến tiền liệt, bệnh huyết áp cao, bệnh tim, bệnh cường giáp,...
- Khi sử dụng thuốc Tussifast không được uống đồ chứa cồn như bia, rượu,... vì làm giảm hoặc mất tác dụng của thuốc.
- Thuốc Tussifast làm tăng nguy cơ bí tiểu, đặc biệt ở bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt, tắc môn vị tá tràng, tắc đường niệu,...
- Thận trọng sử dụng thuốc Tussifast với bệnh nhân phổi mãn tính, khó thở hoặc thở ngắn,... Vì tăng nguy cơ biến chứng đường hô hấp, suy giảm hô hấp, thậm chí ngừng thở.
- Tăng nguy cơ sâu răng đối với bệnh nhân sử dụng thuốc Tussifast thời gian dài.
- Thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ, hoa mắt, chóng mặt, nhìn mờ,... vì vậy dân lái xe, người vận hành máy móc hoặc làm bất cứ công việc yêu cầu sự tỉnh táo,... không được sử dụng thuốc Tussifast.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Tussifast cho bệnh nhân trên 60 tuổi vì nhóm đối tượng này thường tăng nhạy cảm với tác dụng chống tiết chất dẫn truyền thần kinh.
- Không sử dụng thuốc Tussifast cho bệnh nhân đang mang thai, đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ vì có thể dẫn tới tác dụng phụ nghiêm trọng, trong đó có cơn động kinh sau khi trẻ sinh ra.
- Thuốc Tussifast tiết qua sữa mẹ và ức chế việc tiết sữa, dẫn tới phản ứng nghiêm trọng cho trẻ bú mẹ. Vì vậy đối tượng bệnh nhân là phụ nữ đang cho con bú không được dùng thuốc.
- Bảo quản thuốc Tussifast nơi khô ráo, nhiệt độ dưới 30 °C, không để ánh nắng mặt trời chiếu vào thuốc.
Bài viết đã cung cấp thông tin Tussifast có tác dụng gì, liều dùng và lưu ý khi sử dụng. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, người bệnh cần dùng thuốc Tussifast theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Lưu ý, Tussifast là thuốc kê đơn, cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh không nên tự ý dùng vì có thể gặp phải tác dụng không mong muốn.