Tobracol là một loại thuốc nhỏ mắt được sử dụng khá nhiều trong các trường hợp viêm mí mắt, viêm kết mạc, viêm túi lệ,... Vậy thuốc Tobracol có tác dụng gì và cách sử dụng như thế nào?
1. Thuốc Tobracol có tác dụng gì?
Tobracol là một loại thuốc kháng sinh nhỏ mắt, với thành phần chính trong mỗi lọ thuốc 5ml là 15mg Tobramycin.
Tobramycin là một kháng sinh nhóm Aminoglycosid, nó có tác dụng diệt khuẩn theo cơ chế gây ức chế sự tổng hợp protein ở các vi khuẩn nhạy cảm với thuốc bằng cách gắn không thuận nghịch với các tiểu đơn vị 30S của ribosom.
Tobramycin có tác dụng với nhiều chủng vi khuẩn Gram âm hiếu khí và một số chủng vi khuẩn Gram dương hiếu khí. Tobramycin không có tác dụng với Chlamydia, virus, nấm và đa số các vi khuẩn yếm khí.
Tobramycin có tác dụng với các loại vi khuẩn sau: Staphylococci (S. aureus, s. epidermidis, bao gồm cả các chủng đã kháng Penicillin), Pseudomonas aeruginosa, Streptococci bao gồm cả Streptococcus pneumoniae, Klebsiella pneumoniae, Escherichia coli, Enterobacter aerogenes, Proteusvulgaris, Proteus mirabilis, Morganella morganii, H. aegyptius,Haemophilus influenzae, Moraxella lacunata, Acinetobacter calcoaceticus và Neisseria.
Thuốc Tobracol được chỉ định trong điều trị tại chỗ cho các trường hợp nhiễm trùng ở các cấu trúc ngoài của mắt và vùng phụ cận do các chủng vi khuẩn nhạy cảm với Tobramycin gây ra, như là:
- Viêm mí mắt;
- Viêm túi lệ;
- Viêm màng kết;
- Viêm giác mạc;
- Phòng ngừa nhiễm trùng sau phẫu thuật mắt.
Thuốc Tobracol chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Người quá mẫn với Tobramycin hoặc bất kỳ thành phần nào khác của thuốc.
2. Liều lượng và cách dùng thuốc Tobracol
Liều dùng Tobracol cần tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, liều thuốc tham khảo cho các trường hợp cụ thể như sau:
- Trường hợp nhiễm trùng nhẹ và vừa: Sử dụng liều 1 - 2 giọt nhỏ vào kết mạc, 4 giờ một lần.
- Trường hợp nhiễm trùng nặng: Sử dụng liều 1 giọt nhỏ vào kết mạc, 1 giờ một lần cho đến khi các triệu chứng trên lâm sàng được cải thiện, sau đó giảm dần liều.
Các biểu hiện khi sử dụng quá liều Tobracol tương tự như các tác dụng phụ của thuốc: Viêm giác mạc đốm, đỏ, phù và ngứa mi mắt, tăng tiết nước mắt. Trong những trường hợp này, bạn cần phải ngưng dùng thuốc. Vì thuốc Tobracol chỉ sử dụng bên ngoài nên không có nguy cơ gây ngộ độc toàn thân.
Cách dùng thuốc Tobracol như sau:
- Thuốc Tobracol được dùng để nhỏ mắt.
- Sau khi mở nắp, bạn cần bỏ vòng bảo vệ nắp trước khi sử dụng.
- Để tránh tạp nhiễm vào đầu lọ thuốc và dung dịch thuốc, bạn cần thận trọng khi sử dụng, không được để đầu lọ thuốc tiếp xúc với mí mắt hay các vùng xung quanh mắt và bất cứ bề mặt nào khác.
- Cần ấn một ngón tay vào ống dẫn lệ hoặc nhắm mắt lại sau khi nhỏ thuốc Tobracol. Việc làm này sẽ giúp hạn chế sự hấp thu thuốc qua mắt gây tác dụng toàn thân, làm giảm các tác dụng phụ toàn thân.
- Nếu bạn đang sử dụng nhiều hơn một loại thuốc nhỏ mắt, cần sử dụng các loại thuốc cách nhau ít nhất 5 phút. Thuốc tra mắt dạng mỡ cần được sử dụng sau cùng.
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc Tobracol:
- Có thể xảy ra quá mẫn chéo với các thuốc Aminoglycosid khác, đặc biệt là Gentamycin, Kanamycin, Neomycin. Do đó cần phải thận trọng khi sử dụng thuốc cho những bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với các loại thuốc Aminoglycosid. Trong quá trình dùng thuốc, nếu xảy ra quá mẫn cần phải ngưng điều trị.
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt Tobracol kéo dài có thể làm tăng sự phát triển quá mức của các chủng vi khuẩn không nhạy cảm, bao gồm cả nấm. Nếu xuất hiện bội nhiễm trong quá trình điều trị bằng Tobracol, cần ngưng dùng thuốc và tiến hành các biện pháp điều trị cần thiết.
- Nếu việc sử dụng thuốc nhỏ mắt Tobracol bắt đầu trong cùng với thời gian điều trị bằng các thuốc nhóm Aminoglycosid toàn thân khác, bác sĩ sẽ cần phải theo dõi nồng độ kháng sinh trong huyết thanh.
- Thuốc nhỏ mắt Tobracol không được dùng để tiêm, tiêm dưới kết mạc hoặc tiêm trực tiếp vào trong tiền phòng của mắt.
- Không dùng Tobracol khi mang kính áp tròng do thành phần benzalkonium clorid trong thuốc là chất bảo quản có thể lắng đọng trong kính áp tròng mềm. Cần phải bỏ kính ra trước khi nhỏ thuốc Tobracol và chỉ được mang kính lại sau 15 phút dùng thuốc.
3. Tác dụng phụ của thuốc Tobracol
Trong quá trình sử dụng thuốc Tobracol, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ của thuốc, bao gồm:
- Ngứa mắt;
- Phù mí mắt;
- Viêm giác mạc đốm, đỏ;
- Viêm kết mạc xuất huyết;
- Đau rát mắt;
- Cảm giác mắt bị kích ứng.
Nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào của Tobracol, cần ngừng thuốc ngay và báo cho bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
4. Tương tác của thuốc Tobracol với các thuốc khác
- Không phối hợp thuốc Tobracol với các corticoid dùng ngoài vì có thể làm mờ đi các triệu chứng lâm sàng của nhiễm khuẩn, nhiễm nấm hoặc virus, hoặc có thể ngăn cản các phản ứng quá mẫn với thuốc kháng sinh hoặc các thành phần khác của thuốc.
- Tránh sử dụng đồng thời và/hoặc tuần tự thuốc Tobracol với các loại thuốc khác có khả năng gây độc thần kinh và thính giác.
- Không sử dụng phối hợp thuốc Tobracol với kháng sinh nhóm beta lactam vì có thể làm mất tác dụng của Tobramycin trong thuốc.
Bài viết cung cấp thông tin thuốc Tobracol có tác dụng gì, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Rabestad 20. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Tobracol theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.