Temobela thuộc nhóm thuốc chống ung thư và tác động vào hệ miễn dịch, được sử dụng để điều trị u nguyên bào thần kinh. Hãy cùng tìm hiểu về thông tin thuốc Temobela thông qua bài viết dưới đây.
1. Temobela là thuốc gì?
- Thuốc Temobela được bào chế dưới dạng viên nang, có thành phần chính là Temozolomide hàm lượng 5mg.
- Temozolomid là dẫn xuất của Imidazotetrazin. Ở pH sinh lý, Temozolomid không có tác dụng dược lý sẽ được thủy phân thành Monomethyl triazeno imidazol carboxamin (MTIC) có hoạt tính. MTIC tác dụng lên nhiều pha của chu kì tế bào, gây độc tế bào do sự alkyl hóa tại vị trí O6 và N7 của guanin trong ADN. Tổn thương gây độc tế bào tiến triển tiếp theo còn được cho là có liên quan đến những sửa chữa bất thường của sự thêm gốc methyl.
2. Công dụng của thuốc Temobela
Thuốc Temobela được sử dụng trong điều trị trong các trường hợp sau:
- U nguyên bào xốp đa dạng;
- U nguyên bào thần kinh đệm ác tính hồi quy hay tiến triển;
- U sắc tố ác tính di căn;
- Trẻ em trên 3 tuổi bị u thần kinh đệm hồi quy hay tiến triển.
Không sử dụng Temobela trong các trường hợp sau:
- Quá mẫn với Temozolomide hoặc Dacarbazin (DTIC);
- Phụ nữ có thai hoặc người đang cho con bú;
- Suy tủy nghiêm trọng.
3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Temobela
Liều lượng thuốc Temobela phụ thuộc vào từng trường hợp:
Người lớn bị u nguyên bào xốp đa dạng:
- Pha phối hợp: 75mg/ m2/ ngày trong 42 ngày, kết hợp xạ trị (60Gy, dùng 30 phân đoạn), sau đó dùng Temozolomide bổ trợ cho 6 chu kỳ.
- Pha bổ trợ: Chu kỳ 1: 150mg/ m2/ ngày trong 5 ngày, tiếp theo là 23 ngày không điều trị, chu kỳ 2 - chu kỳ 6: 200mg/ m2/ ngày trong 5 ngày đầu chu kỳ nếu không xảy ra độc tính.
Người lớn bị u thần kinh đệm ác tính hồi quy hay tiến triển, hoặc u sắc tố ác tính di căn và trẻ em trên 3 tuổi bị u thần kinh đệm hồi quy hay tiến triển:
- Nếu chưa hóa trị: 200mg/ m2/ ngày trong 5 ngày cho chu kỳ 28 ngày;
- Nếu đã hóa trị: 150mg/ m2/ lần/ ngày. Nếu không độc tính, chu kỳ 2: 200mg/ m2/ lần/ ngày. Có thể dùng thuốc tối đa lên đến 2 năm;
- Cách dùng thuốc: Uống nguyên viên thuốc với nước, ít nhất 1 giờ trước khi ăn.
4. Tác dụng phụ của thuốc Temobela
Khi sử dụng thuốc Temobela, người bệnh có thể gặp một số tác dụng không mong muốn sau:
- Chán ăn, buồn nôn, nôn và táo bón;
- Mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, giảm tập trung và rụng tóc;
- Giảm số lượng các tế bào máu bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu.
Khi sử dụng Temobela, nếu người bệnh gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào nghiêm trọng hãy ngưng dùng thuốc và liên hệ với bác sĩ điều trị hoặc đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
5. Tương tác với thuốc Temobela
Khi sử dụng đồng thời Temobela có thể tương tác với một số thuốc sau:
- Acid valproic làm giảm độ thanh thải của Temozolomide, tăng nồng độ của thuốc trong huyết tương.
- Dexamethason, Carbamazepin, Proclorperazin, Phenytoin, Ondansetron, Phenobarbital, thuốc đối kháng thụ thể H2 không làm ảnh hưởng đến độ thanh thải của temozolomide.
- Temozolomide có thể làm tăng tác dụng của Natalizumab.
- Tránh phối hợp Temozolomide với Clozapine do gây tăng nguy cơ mất bạch cầu hạt.
- Trastuzumab cũng có thể làm tăng tác dụng của Temozolomide.
- Echinacea làm giảm tác dụng của Temozolomide.
6. Lưu ý và thận trọng khi sử dụng thuốc Temobela
Khi sử dụng thuốc Temobela, người bệnh cần lưu ý trong các trường hợp sau:
- Nên uống nguyên viên thuốc, không được nhai hoặc mở viên nang. Thức ăn có thể làm giảm hấp thu thuốc vì vậy nên uống thuốc lúc đói.
- Không được mở viên nang, nếu thuốc bị hư hỏng, tránh để bột bên trong tiếp xúc với da và niêm mạc; tránh hít phải bột thuốc, rửa sạch bằng nước nếu bột thuốc dính vào mắt và mũi.
- Nếu người bệnh bị nôn mửa sau khi uống thuốc, không nên sử dụng liều thứ 2 trong cùng 1 ngày.
- Thuốc có thể gây ra mệt mỏi, buồn ngủ nên có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc.
- Thuốc dùng trong hóa trị liệu có thể làm giảm số lượng các tế bào máu. Giảm bạch cầu có thể gây tăng nguy cơ nhiễm trùng, giảm số lượng hồng cầu có thể gây thiếu máu, giảm tiểu cầu có thể gây rối loạn đông máu. Vì vậy, người bệnh cần phải được xét nghiệm để theo dõi các chỉ số tế bào máu thường xuyên trong quá trình điều trị bằng thuốc này.
- Thuốc có thể gây độc đối với thai nhi. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả để tránh mang thai trong quá trình điều trị.
- Thuốc có thể gây hại cho tinh trùng ở nam giới, dẫn đến vô sinh. Nên thảo luận với người bệnh về các phương pháp lưu trữ mẫu tinh trùng trước khi điều trị để sử dụng về sau. Trong quá trình điều trị và 6 tháng sau đó, người bệnh nên sử dụng các phương pháp tránh thai hiệu quả.
- Thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở phụ nữ. Vì vậy nên thảo luận với người bệnh về những ảnh hưởng đó trước khi tiến hành điều trị.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Temobela, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Temobela là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.